Nghiên cứu, được trình bày ngày 10.11.2018 tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cho thấy ăn nhiều hơn vào buổi tối muộn có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, theo Livescience.
Người dân ở Mỹ hiện có một "lối sống bị trì hoãn", họ ngủ muộn hơn vào ban đêm và ngủ ít hơn, Nour Makarem, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tim mạch tại Đại học Columbia (Mỹ) - tác giả của nghiên cứu, cho biết. "Với lối sống bị trì hoãn đó, tỷ lệ ăn tối muộn cũng cao hơn", tác giả nghiên cứu nói.
Trong nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của người tham gia báo cáo thói quen ăn uống của họ và so sánh thông tin này với các số đo như huyết áp và lượng đường trong máu.
Họ nhận thấy rằng hơn một nửa số người trong nghiên cứu đã tiêu thụ 30% hoặc nhiều hơn lượng calo hằng ngày sau 6 giờ chiều.
Những người tham gia có lượng đường trong máu cao hơn nhóm đối chứng, nồng độ insulin cao hơn (một chất trong máu liên quan đến bệnh tiểu đường và huyết áp cao hơn).
Mức đường huyết cao có thể được xem là dấu hiệu của tiền tiểu đường, theo Livescience.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người tiêu thụ trên 30% lượng calo hằng ngày sau 6 giờ chiều, có nguy cơ phát triển tiền tiểu đường cao hơn nhóm đối chứng 19%.
70% số người bị tiền tiểu đường tiếp tục phát triển thành bệnh tiểu đường loại 2, một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim, bà Makarem lưu ý. Tỉ lệ này là 23% đối với nguy cơ bệnh cao huyết áp, đặc biệt ở phụ nữ, bà Makarem nói thêm.
Thời gian bữa ăn có thể liên quan đến việc phát triển các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim và những vấn đề này phát sinh bởi vì "bạn không ăn vào thời điểm tối ưu cho hệ thống sinh học của bạn", bà Makarem nói.
Bình luận (0)