"Ngụy trang" để đưa đội nữ đi đá giao hữu
Ông Bùi Công Phú, người có gần 20 năm làm "lính" bên cạnh nguyên Trưởng phòng TDTT Q.1 (TP.HCM) Trần Thanh Ngữ (từ 1982 - 2000), cho biết bóng đá nữ Việt Nam có được như ngày hôm nay cần nhớ đến công "khai sinh" của ông Tư Ngữ (tên thân mật của ông Trần Thanh Ngữ).
"Tôi còn nhớ khoảng năm 1984, anh Tư Ngữ ấp ủ làm bóng đá nữ nhưng lúc đó vẫn còn bị cấm cản. Anh âm thầm gầy dựng phong trào, gom các em ở các đội đá cầu như Lưu Ngọc Mai hay các em của đội điền kinh để huấn luyện đá bóng. Điều kiện khi đó thiếu thốn đủ bề nhưng với quyết tâm của anh Tư Ngữ, mọi việc đều được giải quyết êm xuôi", ông Bùi Công Phú kể.
Kỷ niệm mà ông Phú cho rằng "nhớ đời" nhất là chuyến ông Tư Ngữ đưa đội nữ Q.1 đi Tiền Giang thi đấu với đội lão tướng còn dẫn theo đội aerobic biểu diễn để thu hút người hâm mộ. "Lãnh đạo Sở TDTT TP.HCM khi đó biết được liền cử người theo chặn xe không cho đội nữ đi Tiền Giang thi đấu. Anh Tư Ngữ hay tin nên cho xe chạy sớm và ngụy trang để không bị phát hiện", ông Phú cười nhớ lại.
Quảng bá bóng đá nữ bằng đua xe đạp, biểu diễn aerobic
Theo ông Bùi Công Phú, đầu những năm 1990 bóng đá nữ dần được "cởi trói" nhưng rào cản từ suy nghĩ con gái mà theo nghiệp quần đùi áo số, bóng đá không dành cho phái yếu… khiến phong trào chưa phát triển. Ngoài đội Q.1 của TP.HCM thì ngoài Bắc có thêm đội Hoa Học Trò do ông Hoàng Vĩnh Giang, nguyên Giám đốc sở TDTT Hà Nội, gầy dựng.
"Để phong trào bóng đá nữ lan tỏa, năm 1994 ông Tư Ngữ và ông Hoàng Vĩnh Giang bàn nhau đưa đội Q.1 và đội Hoa Học Trò theo đoàn đua xe đạp về Điện Biên Phủ. Tôi còn nhớ lúc đó sáng thì đua xe đạp, chiều 2 đội bóng đá nữ đá giao hữu, tối thì biểu diễn thời trang kết hợp aerobic. Đội Q.1 khi đó nổi tiếng có Lưu Ngọc Mai, thủ môn Kim Hồng hiện làm trợ lý đội tuyển nữ Việt Nam, còn đội phía Bắc có Hiền Lương nay đang phụ trách bộ môn bóng đá Tổng cục TDTT. Hôm đá bóng giao hữu ở Hòa Bình, sân bóng nằm dưới chân đồi còn khán giả kéo nhau lên trên đồi ngồi xem chật kín", ông Bùi Công Phú kể.
HLV Mai Đức Chung phàn nàn về điểm hạn chế của đội tuyển nữ Việt Nam
Gặt hái thành quả
Từ tâm huyết, tầm nhìn xa của ông Tư Ngữ, ông Hoàng Vĩnh Giang mà bóng đá nữ Việt Nam dần lan rộng ở TP.HCM, Hà Nội rồi ra các tỉnh, thành khác, giúp các thế hệ tài năng nối tiếp nhau đưa đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thống trị khu vực Đông Nam Á và lần đầu góp mặt ở World Cup, đấu trường danh giá nhất của bóng đá nữ và là mơ ước của bao thế hệ cầu thủ Việt Nam.
Ngay ngày 6.2.2022, khi đội tuyển nữ Việt Nam giành chiến thắng trước Đài Loan để chính thức đoạt vé tham dự World Cup 2023, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, ông Dương Nghiệp Khôi lập tức tri ân đến ông Trần Thanh Ngữ và ông Hoàng Vĩnh Giang. "Các anh Tư Ngữ, Hoàng Vĩnh Giang giờ đây đã về nơi chín suối. Tôi tin hai anh sẽ mỉm cười vì thành quả ngày nào giờ con cháu đã cho mùa trái ngọt", ông Dương Nghiệp Khôi bày tỏ.
Ở lễ xuất quân trước ngày lên đường tham dự World Cup 2023 mới đây, đội trưởng Huỳnh Như cũng không quên gửi lời cảm ơn đến các thế hệ lãnh đạo, các cựu tuyển thủ đi trước đã gầy dựng, truyền cảm hứng để bóng đá nữ Việt Nam có được như hôm nay. "Tham dự World Cup 2023 không chỉ là ước mơ của tôi, bóng đá nữ Việt Nam mà là ước mơ của cả người hâm mộ nước nhà. Sau khi giành tấm vé dự World Cup 2023, toàn đội bước vào quá trình tập luyện nghiêm túc, vì biết rằng vinh quang luôn đi kèm trách nhiệm. Sự tin yêu, kỳ vọng của người hâm mộ rất lớn, đây cũng là điều tuyệt vời nhất mà bóng đá Việt Nam đã làm được.
Tôi xin cảm ơn các thế hệ cầu thủ nữ Việt Nam từ giai đoạn khó khăn nhất đến bây giờ, khi bóng đá nữ vươn tầm thế giới. Toàn đội hứa sẽ quyết tâm đem về những điều tuyệt vời nhất cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam", Huỳnh Như nói trong xúc động.
(còn tiếp)
Bình luận (0)