An sinh để chống dịch

19/07/2021 04:50 GMT+7

Hôm qua 18.7, cả nước ghi nhận thêm số ca bệnh Covid-19 mắc mới trong ngày kỷ lục: 5.926 ca - con số khó ai có thể tưởng tượng được khi đợt dịch bùng phát.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch mới đây đã khẳng định, “đợt dịch lần này không như các lần trước”, do đó, “cần chuẩn bị cho các kịch bản xấu và xấu hơn”.
Số ca bệnh mới cũng như phạm vi các tỉnh thành ghi nhận ca mới vẫn đang tăng lên và chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế lên phương án cho kịch bản số ca bệnh Covid-19 lên tới 300.000 ca.
Song sự nguy hiểm của dịch Covid-19 không chỉ có số ca bệnh hay số người tử vong tăng lên mỗi ngày. Đời sống người dân và cả nền kinh tế đang phải oằn mình chống chịu những tác động tai hại của đại dịch trong suốt gần 2 năm qua, kể từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam.

Vũng Tàu không cho người lao động đi xe 2 bánh, đi bộ đến chỗ làm để chống Covid-19

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ trong quý 2/2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới gần 13 triệu người lao động, gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, làm việc luân phiên, giảm giờ làm hay giảm thu nhập; tăng 3,7 triệu so với quý trước đó. Hơn 70.000 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc phá sản.
Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 thứ 4, việc dịch tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung khoảng 4 triệu lao động đã đẩy 1,8 triệu người lao động vào cảnh mất việc làm.
Sự tác động của đợt dịch thứ 4 lần này có lẽ không chỉ dừng lại ở những con số thống kê khô khan như ở trên. Hàng triệu người dân có thể vẫn đang phải vùng vẫy giữa những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch để duy trì cuộc sống mà không có mặt trong bất cứ báo cáo thống kê nào.
Bắt đầu từ 0 giờ ngày 19.7, 19 tỉnh, thành phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn bộ địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đây là một quyết định khó khăn, nhưng kịp thời và cần thiết để ngăn dịch Covid-19 với biến chủng mới lan rộng.
Việc giãn cách diện rộng sẽ khiến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn dù chắc chắn người dân sẽ thấu hiểu và ủng hộ biện pháp chống dịch quyết liệt của Chính phủ, để đất nước sớm quay trở về trạng thái “bình thường mới”.
Song, việc chuẩn bị cho những “kịch bản xấu hơn” đó cũng đòi hỏi các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp cần cụ thể, quyết liệt và kịp thời hơn (nhất là khi các gói hỗ trợ người dân trước đây đều bị đánh giá là chậm); để đảm bảo không chỉ chống dịch hiệu quả mà còn bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh xã hội, “không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu” như Thủ tướng chỉ đạo.
Nếu “chống dịch như chống giặc”, thì việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch cũng phải gấp rút như “cứu hỏa” vậy bởi đó cũng là việc “cứu người”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.