Một thổ địa ở TP.Mỹ Tho, Tiền Giang cho biết rằng, phong trào ăn đuông dừa, đuông chà là đã “xưa rồi Diễm”. Nay sùng mì (khoai mì) đanh “hót tận đỉnh”.
>> Ngon mà... mâu thuẫn như mắm lòng ròng
>> Ngon mà 'kỳ cục' như mắm rươi
|
Một thổ địa ở TP.Mỹ Tho, Tiền Giang cho biết rằng, phong trào ăn đuông dừa, đuông chà là đã “xưa rồi Diễm”. Nay sùng mì (khoai mì) đanh “hót tận đỉnh”. Anh còn chỉ rõ, đường đi Mỏ Cày thuộc địa phận tỉnh Bến Tre, qua ngã ba chợ Thơm khoảng vài cây số, có quán ba số 7 của chị Thắm nổi danh nhờ những con “đít mềm, đầu cứng” kia.
Qua phà Cổ Chiên, đến TP. Trà Vinh, gặp một số cánh mày râu mê mồi lạ ở đây. Họ đồng loạt đưa một ngón tay lên biểu quyết: số dzách con sùng!
Đến khi tận mặt nhìn thấy chúng, một đàn anh gốc Nam bộ đi cùng thốt lên: “Trời đất ơi! Con này, hồi xưa tui thường moi dưới gốc những đống rơm mục, làm mồi cắm câu cá lóc. Nhạy lắm!”
Còn anh thổ địa gần chợ nhiều cô gái đẹp (Mỹ Tho), có biệt tài ca cổ chửi thề nhưng không dám đụng đũa vào giống vật hiền lành kia.
Được biết, sùng có nhiều ở những giồng đất cát pha. Trên đó, người dân có thể trồng khoai mì, cỏ voi, mía... Hai năm nay, một số dân Mỏ Cày trồng khoai mì thật dày, không phải mong lấy củ mà thu hoạch được nhiều sùng. Mùa mưa giầm khoảng giữa tháng 7 - 8 âm lịch, giá tăng vọt trên 200.000 đồng/kg. Ngày thường không dưới 140.000 - 150.000 đồng/kg. Hàng không đủ bán.
Anh Đặng Minh Lý, chủ một lò rượu uy tín xóm Lò Hột, tỉnh Trà Vinh còn cho biết, vài năm trước đất vườn ở đây có khá nhiều loại mồi bén này. Tầm 16h - 17h tối, sau một ngày tất bật làm việc, nhóm bạn thân của anh họp lại, người đi đào sùng kẻ làm “anh nuôi” (đầu bếp). Độ nửa tiếng sau, đã có dĩa mồi thơm phức, đến nỗi thực khách lẫn chủ nhà hàng 4 - 5 sao ở Sài Gòn hoa lệ cũng phải ganh tỵ.
Trải một tấm chiếu sạch hoặc 5 - 10 tàu lá chuối, dưới gốc cây xoài già hoặc vú sữa rộng tán, đã có chỗ ngồi sinh thái đủ chuẩn... ngàn sao!
|
Cũng phải có luật hẳn hoi: 1 con sùng “cõng” trọn 2 ly nước mắt quê hương. Ai háu mồi, phạt gấp đôi. Uống không nổi thì tự động vác cuốc, đi đào mồi thêm “hầu” anh em.
Điểm khác biệt cũng như hấp dẫn của loại côn trùng này là độ béo ngọt vừa phải nên không làm nhanh ớn ngán như ăn đuông, xen lẫn chút dai dai, giòn giòn mà ấu trùng con kiến dương không bù đắp được. Mặc dù, cách chế biến cũng tương tự: ngâm nước mắm nhỉ nướng lửa than, xào ngũ vị hương cùng ít củ hành tây + rắc đậu phộng rang...
Thú vị hơn là những câu chuyện tiếu lâm, tranh cãi chưa hồi kết xung quanh những con thoạt trông có vẻ ớn ăn này. Khó nhất là câu hỏi: làm sao phân biệt con đực với cái? - Người đoán mò: con nào ưa... ngóc đầu đích thị là giống đực. Kẻ bổ sung: con nào cố bò gần chai dầu thơm là tụi vịt bầu! Góp những trận cười nghiêng ngửa. Hễ càng cười tươi như hoa vạn thọ, thì cần chi uống thuốc bổ nữa (nụ cười bằng mười thang thuốc bổ mà lỵ!).
Lại rôm rả và dóc tổ là, nhiều người khoe nó hiệu nghiệm hơn cả Viagra. Ông nói bữa nào ăn được chục con “sùng mì”, thì bà xã phải van xin: “Tha cho em đêm nay”! Kẻ nói, thang Minh Mệnh tửu chỉ “khai hỏa” được 6 lần/đêm. Còn tiệc “súng cỏ voi” giúp chiến đấu 7 - 8 trận, hiệp nào cũng oanh liệt!
Một bậc bô lão ngồi nghe kể, tủm tỉm cười nói nhỏ: Đừng cãi! Cứ để họ “nổ” cho ngon trớn đi. Đã “nổ” là không được hà tiện mới sướng miệng!
Tạ Tri (thực hiện)
Bình luận (0)