An táng vật nuôi bằng công nghệ xanh

03/05/2018 08:07 GMT+7

Một nhóm sinh viên đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công phương pháp xử lý xác động vật thân thiện với môi trường và họ đã nhận được 1 tỉ đồng từ quỹ đầu tư để khởi nghiệp.

Nhóm nghiên cứu này thuộc Trường ĐH Công nghệ Hà Nội gồm: Lê Công Chính (Khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano), Trần Đức Huy và Nguyễn Đăng Cơ (từng đoạt các giải thưởng Cuộc thi quốc gia khởi nghiệp năm 2017) và Hoàng Lê Tuấn Anh (từng đoạt giải 3 tin học quốc gia).
Lê Công Chính cho biết, hiện nay các hộ chăn nuôi ở nước ta xử lý xác động vật chết ở các trang trại lớn sau mỗi đợt dịch bệnh vẫn là 2 hình thức chôn lấp và thiêu hủy. Tuy nhiên, các phương pháp này có rất nhiều hạn chế như: lãng phí đất đai, không xử lý được triệt để mầm bệnh, nguy hiểm cho nhân viên làm việc, gây ô nhiễm môi trường và đặc biệt không thể xử lý được khối lượng xác động vật lớn.
Chính cho biết, để giải quyết mặt hạn chế của các hình thức xử lý trước đây, nhóm tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm thành công “Công nghệ xử lý xác động vật bằng công nghệ thủy phân”. Công nghệ mới của nhóm ứng dụng nguyên lý dùng dung dịch thủy phân để phân hủy xác, tiêu diệt hoàn toàn mầm bệnh và an toàn với những nhân viên trực tiếp xử lý.
“So với các công nghệ cũ, công nghệ mới này hoàn toàn tự động, an toàn, thân thiện với môi trường, đồng thời với việc ứng dụng công nghệ thu hồi phế phẩm sẽ tạo ra một chu trình xanh trong công nghệ. Chỉ cần đưa trực tiếp xác động vật vào lò xử lý và nhấn nút là máy sẽ tự động bơm dung dịch đồng thời tiến hành quy trình xử lý khép kín. Chất thải từ xác động vật sẽ được thu hồi để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Dung dịch còn lại hoàn toàn vô hại với môi trường và được đo đạc các thông số cẩn thận trước khi xả ra môi trường”, Chính khẳng định.
Tiến sĩ Bùi Đình Tú, giảng viên Khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano của trường này (giảng viên hướng dẫn), cho biết: “Nhắm tới nhu cầu rất lớn từ các trang trại, hộ chăn nuôi lớn cũng như cung cấp hệ thống cho các đợt tiêu hủy dịch bệnh, nhóm nghiên cứu đã cho ra mắt 2 hệ thống xử lý: cố định và di động. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho chủ vật nuôi ở các thành phố đông đúc, chật chội, nhóm nghiên cứu cũng đã cho ra mắt dịch vụ “An táng vật nuôi bằng công nghệ xanh”. Dịch vụ này giúp an táng vật nuôi cho các hộ gia đình, để xác động vật chết không bị vứt bừa bãi ra môi trường”.
Do tính khả thi và thiết thực của dự án này, nên Quỹ đầu tư Velocity Ventures lựa chọn đầu tư 1 tỉ đồng để triển khai, ứng dụng vào thực tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.