Đó là tâm sự của Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn, nguyên giảng viên Khoa Tiếng Nga Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, khi ông kể cho chúng tôi nghe về chiến thắng Điện Biên Phủ. Quê làng Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội, ông Sơn, nguyên là Trung đội trưởng Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, chiến đấu suốt 38 ngày đêm trên đồi A1.
Lệnh rút quân khỏi vị trí tập kết
Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn |
Thời gian chậm chạp trôi. Từ xa vọng tới, tiếng súng địch bắn cầm canh đều đều. Có tiếng chuông điện thoại reo. Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chắc mẩm nhận lệnh nổ súng. Nhưng ngược lại, từ đầu dây bên kia, Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba hạ lệnh điều trung đoàn rút quân ra khỏi vị trí tập kết ngay lập tức.
Sau đó, một cuộc họp tại đại bản doanh Mường Phăng, gồm các cán bộ chỉ huy từ trung đoàn trưởng trở lên, do Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp triệu tập, để thảo luận phương án tác chiến mới.
tin liên quan
Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên GiápTrung đoàn 174 được giao nhiệm vụ mới, trước mắt là làm đường, đào chiến hào và giao thông hào suốt ngày đêm.
Sẽ về thủ đô
Hoa đào đã nở bừng ven suối. Những cánh đào phơn phớt đỏ hồng càng làm cho người lính nhớ đến tết.
Đi trinh sát trận địa về, trước không khí tết, Đỗ Ca Sơn cũng náo nức như bao anh em khác. Anh nhớ mẹ và các em, nhớ ngôi nhà trên phố Lagisquet, Hà Nội (nay là phố Chân Cầm, quận Hoàn Kiếm). Thoáng trong đầu anh văng vẳng giai điệu Sẽ về thủ đô của nhạc sĩ Huy Du từng được nghe trong rừng sâu mấy năm trước. Đêm mùa đông dài và buồn, cái áo trấn thủ cộc tay không che được hết sương muối lạnh buốt của núi. Nhớ đến Hà Nội, mấy anh em đem đàn guitar ra, cùng ca vang:
“Ai về thủ đô tôi gửi vài lời/Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó/Đây chợ Đồng Xuân trên dòng Nhị Hà...”.
Càng về đêm cái rét vùng sơn cước càng căm căm. Ngồi bên cạnh Đỗ Ca Sơn lúc này có thêm Trần Quý, chàng trai Hà Nội mới 19 tuổi vạm vỡ, nước da rám nắng. Quê anh làng Cót, tên chữ là Hạ Yên Quyết, một trong bốn làng khoa bảng ngoại thành Hà Nội đã đi vào câu ca “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương”.
Cha chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Noi gương cha, Trần Quý nhập ngũ lên đường bảo vệ quê hương. Anh sôi nổi mong chờ ngày chiến thắng để được trở về ngụp lặn thỏa thích dưới dòng sông Tô Lịch trong xanh chảy qua làng.
Đêm nay, một trong những đêm cuối của năm Quý Tỵ (1953), Đỗ Ca Sơn, Ngọc Tân, Phan Thanh Tùng, Vân Anh, Nguyễn Hồng Thái, Trần Quý... lại cùng nhau hát vang. Khi là vùng đất anh em đang đứng chân tại đây - Qua miền Tây Bắc của nhạc sĩ Nguyễn Thành: “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa/Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua/Bộ đội ta vâng lệnh cha già/Về đây ta giải phóng quê nhà...”. Rồi cùng ôn lại “Giải phóng Đông Khê, quân dân về vui theo cờ reo chiến thắng...”.
Lời bài ca truyền thống của Trung đoàn 174 do nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc viết tặng ấy càng làm anh em phấn chấn tinh thần.
Các ông hãy chờ xem!
Xuân Giáp Ngọ (năm 1954), quân đội tướng Giáp ăn tết trong rừng sâu. Giao thừa, cái giây phút thiêng liêng khi một năm cũ kết thúc để bước sang năm mới bắt đầu. Người lính đã nghĩ đến nó rất nhiều trong những ngày qua. Một đêm giao thừa không thịt mỡ, dưa hành, không câu đối đỏ. Hoa đào, bánh chưng và tràng pháo cũng không. Nhưng tất cả những thiếu thốn ấy không ngăn được người lính trong đơn vị túm năm tụm ba nói chuyện tết.
Ngoài kia, xa xa là những hố đại bác, hố bom của địch cày lên trong bản người Thái. Ngay cạnh căn nhà đổ nát, những vườn rau cải vẫn xanh tươi. Ngồng cải vẫn vươn lên với cụm hoa vàng. Một cây đào ở góc bản đang trổ hoa, những bông hoa màu hồng tươi rói hớn hở cười trước gió đón mùa xuân ấm cúng sắp trở về và hàm tiếu đợi chờ một mùa xuân đại thắng lợi. Còn trong rừng, những người lính cùng kể lại cho nhau những cái tết của gia đình ở ba mươi sáu phố phường Kẻ Chợ, những cái tết của gia đình ở làng quê, những cái tết từ thời thơ ấu, những cái tết khi trưởng thành. Những anh tân binh được nghe chuyện tết chiến đấu của anh em nhập ngũ trước những năm ngoái, năm kia đầy chất lãng mạn và tự hào.
Đêm khuya dần, chuyện tết cũng bớt râm ran sôi nổi. Nhìn một số anh em đã tựa lưng vào ba lô, gối đầu lên súng, bắt đầu ngáy đều đều, Đỗ Ca Sơn định bụng sẽ thức suốt đêm, nhưng chỉ lát sau, anh cũng ngủ lúc nào chẳng hay. Trong giấc mơ, anh thấy mình được trở lại đón tết cùng cha mẹ và các em ở ngôi nhà số 8 phố Chân Cầm. Rồi cả nhà lại lên xe, qua cầu Sông Cái (cầu Long Biên) về làng Dục Tú ăn tết. Ngôi làng nằm ven sông Hồng, với con sông đào Ngũ Huyện Khê, Dục Tú có tên Nôm là Kẻ Dộc, thuộc xứ Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc xưa, vùng đất khoa bảng này nhiều người họ Đỗ. Từ đây, đi sang Cổ Loa thăm đền thờ Thục Phán An Dương Vương, thăm am Mỵ Châu, thăm giếng Trọng Thủy, một bài học cảnh giác đời đời ghi nhớ không để mất nước về tay kẻ thù.
Đã qua ngày mùng 1 tết, lo sợ tướng Giáp không đánh Điện Biên Phủ, ngày 4 tháng 2 năm 1954 (mùng 2 Tết Giáp Ngọ) De Castries cho máy bay thả truyền đơn và chõ loa xuống thách tướng Giáp vào trận:
Gửi tướng Võ Nguyên Giáp
Nghe tin Ngài mang nhiều sư đoàn lên đây giao chiến và định đem quân vào ăn tết ở Điện Biên Phủ.
Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp Ngài.
Kí tên: De Castries
Chỉ huy G.O.N.O
Những tờ truyền đơn từ trên máy bay được rải, phủ trắng cửa rừng. Đang thong thả thưởng thức vị hơi ngọt ngọt, bùi bùi của cơm nắm nghe những lời thách thức ấy, những người lính Trung đoàn 174 bỗng thấy đắng ngắt trong miệng. Họ nhủ thầm: Navarre, De Castries, các ông hãy chờ xem!
Bình luận (0)