Tính riêng tại TP.HCM, thị trường lao động lớn nhất cả nước, có tới 4,9 triệu NLĐ. Tuy nhiên, trong số này chỉ có gần 2,6 triệu người đóng BHXH (tức chiếm hơn 53%).
Có thể nói, công việc tự do đang dần định hình lại thị trường lao động truyền thống. Với sức hấp dẫn về tính linh hoạt thời gian, gia tăng thu nhập từ nhiều nguồn và mang đến sự trải nghiệm mới mẻ trên nhiều lĩnh vực, khu vực này không chỉ đang thu hút một lượng lớn NLĐ chuyển đổi nghề nghiệp, mà còn trở thành một xu hướng, tiêu chuẩn tìm việc mới.
Theo báo cáo "Xu hướng nhân tài Việt Nam - 10 năm nhìn lại" của Anphabe năm 2024, có khoảng 30% NLĐ thuộc thế hệ Z (gen Z) muốn doanh nghiệp có chính sách làm việc linh hoạt. Ngoài ra, có tới 53% nguồn nhân lực tri thức ở nước ta đang tham gia vào nền kinh tế chia sẻ, trong đó có 14% là NLĐ tự do toàn thời gian; 26% làm tự do bán thời gian; 13% làm song song công việc cố định và bán thời gian bên ngoài. Dự báo tỷ lệ này còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Một trong những mối lo ngại liên quan khu vực phi chính thức là NLĐ thiếu bảo hiểm và chế độ bảo vệ, gây gánh nặng lên hệ thống trợ cấp xã hội khi về già, và đặc biệt là suy giảm chất lượng, năng suất lao động của quốc gia trong dài hạn.
Đáng lưu ý, việc NLĐ ngày càng gia nhập khu vực phi chính thức kéo theo xu hướng gia tăng các vụ tai nạn lao động không có bảo hiểm theo hợp đồng lao động. Và do các trường hợp này không có chủ thể sử dụng lao động, nên các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong giải quyết, xử lý theo quy định. Đây là một thách thức lớn trong quản lý nhà nước.
Thực tế thời gian qua, nhiều cơ quan, chuyên gia đã đề xuất, hiến kế giải pháp quản lý tốt hơn. Một trong số đó là "chính thức hóa" nguồn lao động phi chính thức. Nói cách khác, cần có khung pháp lý rõ ràng, toàn diện hơn về lao động. Đề xuất này rất cần được xem xét trong bối cảnh hiện nay.
Bình luận (0)