An toàn cho trẻ mầm non

30/12/2022 11:20 GMT+7

Giáo viên mầm non ở TP. Đà Nẵng được huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu để san sẻ nỗi lo của nhà trường lẫn phụ huynh trước nguy cơ tai nạn tiềm tàng xảy ra với trẻ nhỏ, vốn dĩ luôn hiếu động, tò mò, thích khám phá…

Té ngã, tai nạn giao thông, động vật, côn trùng cắn, ngộ độc, đuối nước, ngạt thở, hóc nghẹn..., hàng loạt nguy cơ “rình rập” đối với lứa tuổi mầm non và trên thực tế đã có nhiều sự cố xảy ra với trẻ nhỏ. Người có thể kịp san sẻ nỗi lo đó, không ai khác chính là những giáo viên mầm non.

Và đề án Huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho toàn bộ giáo viên mầm non trên địa bàn TP.Đà Nẵng triển khai từ năm 2019 lại “san sẻ” cho các cô giáo những mối lo về kỹ năng. Rất nhiều nội dung liên quan đến đào tạo sơ cấp cứu cho tình nguyện viên cấp I, như kỹ thuật di chuyển nạn nhân khẩn cấp, sơ cứu dị vật, tắc đường thở, sơ cứu ngừng thở, ngừng tim (kỹ thuật CPR), sơ cứu các vết thương phần mềm, băng bó vết thương… được các cô giáo lĩnh hội.

Nhóm giáo viên mầm non được huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu

Đ.X

Cô giáo Lê Thị Bích Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19/5 (P.Thạch Thang, Q.Hải Châu) cho hay 100% giáo viên tại trường đã được Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng tổ chức tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu. Nhà trường và phụ huynh vì thế yên tâm hơn trước những rủi ro mà trẻ có thể gặp phải. “Giáo viên mầm non tham gia lớp huấn luyện được ôn luyện kiến thức cơ bản về cách xử lý tình huống sơ cấp cứu, có thể phát hiện ngăn chặn rủi ro. Cho nên, đề án của Hội Chữ thập đỏ rất cần thiết và hiệu quả”, cô Trâm nói. Trên thực tế, giáo viên mầm non khi đã được trang bị kiến thức và tập huấn sơ cấp cứu đã vận dụng hiệu quả vào quá trình chăm sóc trẻ khi đứng lớp, chủ động hơn khi xử lý các tình huống tai nạn thương tích…

Mở rộng mạng lưới tình nguyện viên

Mục đích khóa huấn luyện sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non nhằm giảm thiểu hậu quả đáng tiếc đối với trẻ nhỏ. Nhưng việc trang bị kỹ năng cho các giáo viên không chỉ dừng ở phạm vi lớp học, mà thông qua đó góp phần mở rộng mạng lưới tình nguyện viên sơ cấp cứu tại cộng đồng.

Theo Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng, mô hình hoạt động sơ cấp cứu của Hội được hoàn thiện và hoạt động có hiệu quả, như Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu (thành lập năm 2011). Giai đoạn 2016-2021, Hội Chữ thập đỏ đã tổ chức đào tạo cho 5.610 lượt cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, hướng dẫn viên ở các cấp hội, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, tổ chức trên địa bàn TP.Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Hiện có 24 điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ được Sở Y tế TP.Đà Nẵng cấp phép hoạt động, 30 điểm sơ cấp cứu trong cộng đồng khu dân cư được Hội Chữ thập đỏ thành lập. Hàng chục đội tình nguyện viên sơ cấp cứu lưu động đã hỗ trợ hàng nghìn trường hợp tai nạn…

Bà Lê Thị Như Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng, cho biết thời gian qua Hội Chữ thập đỏ đã phối hợp với các cấp, ban ngành liên quan đảm bảo chất lượng trong các buổi tập huấn. Đặc biệt, đề án huấn luyện còn mời các bác sĩ của Bệnh viện Hoàn Mỹ, Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện đa khoa Q.Ngũ Hành Sơn… cùng tham gia. Kiến thức thực tế, kinh nghiệm chăm sóc trẻ khi mắc một số bệnh thông thường ở lứa tuổi mầm non và những kỹ năng sơ cấp cứu trong cộng đồng được chia sẻ hiệu quả thông qua chương trình này.

Đến nay, giáo viên mầm non trên địa bàn TP.Đà Nẵng sau khi hoàn thành khóa đào tạo tình nguyện viên sơ cấp cứu cấp I (theo quy định của Bộ Y tế) đều đảm bảo kiến thức và kỹ năng xử lý các tình huống tai nạn thương tích của trẻ tại lớp học. Với kiến thức, kỹ năng đã được huấn luyện, các cô giáo cũng tự tin có mặt tại hiện trường tai nạn, thảm họa… để hỗ trợ sơ cứu ban đầu cho nạn nhân, phụ giúp lực lượng y tế. “Chúng tôi sẽ cùng phối hợp với các cấp, ban ngành liên quan hỗ trợ hết sức có thể cho các giáo viên mầm non trên địa trong các buổi huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu. Từ đó, có thể áp dụng trong những lúc xảy ra sự cố cho trẻ tại trường học và họ có thể trở thành những tình nguyện viên sơ cấp cứu trong cộng đồng sau này", bà Hồng nhấn mạnh.

Nhóm giáo viên mầm non được huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu

Đ.X

Đề án Huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non do Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở Y tế triển khai, với tổng kinh phí hơn 1,2 tỉ đồng; trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 750 triệu đồng, Hội Chữ thập đỏ vận động đối ứng hơn 457 triệu đồng. Đề án thực hiện giai đoạn 2019-2021, nhưng do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên đề án kéo dài đến 2022. Đến nay, đã có 3.925/4.500 giáo viên tại 143/150 lớp mầm non đã hoàn thành việc huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.