Ngay từ đầu hè, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra, đặc biệt là tại các nhà hàng và khách sạn đông khách. Tháng trước, mới đầu hè, hơn 50 du khách tại Mũi Né (Bình Thuận) đã phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm. Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Thuận, nguyên nhân khả dĩ nhất gây ra vụ ngộ độc này được xác định là từ thực phẩm hàng rong.
Cũng từ vụ việc này cho thấy, nếu công tác kiểm tra, giám sát và khuyến cáo không được thực hiện tốt, nguy cơ các vụ ngộ độc tương tự sẽ còn tiếp diễn, gây khó khăn trong việc kiểm soát, quản lý.
Các chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc là do không kiểm soát tốt nguồn thực phẩm, từ xuất xứ nguồn cung đến việc bảo quản không đúng cách trong mùa hè. Đặc biệt, tại các vùng du lịch ven biển, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao từ các đặc sản biển không được bảo quản tốt. Một số loại hải sản như: cá nóc, mực, bạch tuộc, sứa, ốc, và rong biển dễ phát sinh độc tố nếu không được kiểm soát chặt chẽ, gây ngộ độc…
Du khách cần nắm rõ điều này để tự bảo vệ mình. Các cơ quan kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cần thường xuyên kiểm tra quy trình cung cấp, chế biến và bảo quản thực phẩm. Nhà hàng và cơ sở cung cấp thực phẩm không đủ điều kiện phải bị đình chỉ hoạt động. Đồng thời, cần liên tục tập huấn nghiệp vụ và tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp hiểu rõ tác hại của ngộ độc thực phẩm. Đây là việc vô cùng quan trọng và không thể thực hiện theo kiểu "phong trào".
Việc xây dựng và duy trì một hệ thống giám sát an toàn thực phẩm hiệu quả không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của từng cá nhân, doanh nghiệp trong ngành dịch vụ ăn uống. Mùa hè có thể trở thành khoảng thời gian nghỉ ngơi thú vị và an toàn nếu chúng ta cùng nhau nỗ lực và có ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bình luận (0)