Cùng với chiến dịch tiêm chủng tiếp tục bao phủ vắc xin cho người từ 12 tuổi; tiêm bổ sung cho nhóm người ưu tiên, Bộ Y tế cũng tăng cường khả năng cung ứng thuốc điều trị Covid-19; cơ hội tiếp cận thuốc mới trong điều trị Covid-19; đánh giá về triển vọng vắc xin Covid-19 sản xuất tại Việt Nam.
Về các vấn đề trên, với mong muốn giải đáp, tư vấn về tiêm chủng đến đông đảo người dân và bạn đọc, Báo Thanh Niên và Bộ Y tế tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Vắc xin Covid-19, an toàn tiêm chủng và tiếp cận thuốc điều trị F0”.
Dịp này, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Y tế, các chuyên gia về tiêm chủng của Bộ Y tế cung cấp các thông tin về tiêm chủng Covid-19 (các mũi tiêm cơ bản, bổ sung; tiêm phối hợp; theo dõi phản ứng sau tiêm chủng) và tiêm phòng một số bệnh dịch mùa đông - xuân; cập nhật thông tin về kết quả thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19; cơ hội tiếp cận thuốc mới với các F0.
Thời gian giao lưu trực tuyến từ 14 - 16 giờ ngày thứ tư, 15.12.2021.
Mời bạn đọc đặt câu hỏi tại box bên cạnh.
Vắc xin Covid-19, an toàn tiêm chủng và tiếp cận thuốc điều trị F0
Xin chào khách mời. Tôi sống tại TP.HCM. Gần đây có hiện tượng rao bán thuốc Molnupiravir, trong khi đây là thuốc được cấp miễn phí và điều trị có kiểm soát. Bộ Y tế có ý kiến như thế nào về việc này, có giải pháp chấn chỉnh?
Về câu hỏi của bạn đọc, như chúng tôi được biết, mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế TP.HCM về việc tăng cường kiểm tra, xác minh việc mua bán thuốc điều trị Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc chưa được cấp phép lưu hành.
Việc mua, bán sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường là vi phạm nghiêm trọng quy định của luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch và nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.
Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, và chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật trong thử nghiệm, lưu hành thuốc điều trị Covid-19, Cục Quản lý dược đã đề nghị Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn khẩn trương kiểm tra việc phân phối, cấp phát, sử dụng thuốc điều trị Molnupiravir đang được thử nghiệm lâm sàng tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh thất thoát, thẩm lậu thuốc ra ngoài thị trường.
Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Sở Y tế TP.HCM tham mưu cấp có thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố như Ban chỉ đạo 389 thành phố, Công an thành phố và các cơ quan chức năng khác kiểm tra, xác minh việc đăng tải các thông tin liên quan đến mua, bán thuốc điều trị Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng, và thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ thông qua mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác, xử lý nghiêm để răn đe các trường hợp vi phạm.
Xin chào khách mời. Xin cho biết lưu ý về phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19? Phản ứng như thế nào cần đến cơ sở y tế?
Sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, có thể gặp những phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, đau cơ, đau khớp... tuy nhiên cũng có thể gặp những phản ứng nặng như phản ứng phản vệ, viêm cơ tim, huyết khối với tỷ lệ rất hiếm gặp.
Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho học sinh tại Hà Nội |
đào ngọc thạch |
Những phản ứng này cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế vì vậy người tiêm chủng cần theo dõi sức khỏe sau tiêm chủng ít nhất 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong 7 ngày đầu. Nếu có các biểu hiện bất thường về sức khỏe như: hoa mắt chóng mặt, phát ban, nôn, tức ngực, khó thở, thở khò khè , đau đầu dai dẳng, dữ dội, yếu, liệt tay chân,.... cần đến ngay cơ sở y tế.
Với các cháu từ 12 - 17 tuổi, sau khi tiêm chủng, phản ứng hiếm gặp có thể xảy ra là viêm cơ tiêm, viêm màng ngoài tim. Các cháu có thể có biểu hiện đau ngực, tức ngực, tim đập nhanh, mệt mỏi... Các bà mẹ cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được khám chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Tôi cũng xin lưu ý, các bậc cha mẹ theo dõi sức khỏe của con và tránh cho trẻ chơi thể thao vận động quá sức trong ít nhất 3 ngày sau khi tiêm chủng.
Xin chào khách mời. Con tôi 14 tuổi, đã tiêm vắc xin Pfizer mũi 1, sắp tới, sau tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19, gia đình cần lưu ý về cho cháu về nguy cơ dị ứng?
Cháu đã tiêm mũi 1 vắc xin Covid 19, sau tiêm có biểu hiện gì thì lần tiêm này cần thông báo với cán bộ y tế để được tư vấn đầy đủ và chỉ định tiêm chủng cho cháu.
Sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 có thể gặp những phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, đau cơ, đau khớp... Tuy nhiên, cũng có thể gặp những phản ứng nặng như phản ứng phản vệ, viêm cơ tim, huyết khối với tỷ lệ rất hiếm gặp.
Những phản ứng này cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế. ì vậy, người tiêm chủng cần theo dõi sức khỏe sau tiêm chủng ít nhất 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong 7 ngày đầu.
Trong 3 ngày đầu, luôn có người hỗ trợ bên cạnh và tránh cho trẻ vận động mạnh. Nếu có các biểu hiện bất thường về sức khỏe như: hoa mắt chóng mặt, phát ban, nôn, tức ngực, khó thở, thở khò khè, đau đầu dai dẳng, dữ dội , yếu, liệt tay chân,.... cần đến ngay cơ sở y tế.
Xin chào khách mời. Con tôi học lớp 11. Vừa rồi khi tiêm vắc xin, nhà trường và nhân viên y tế không cho phụ huynh có mặt tại điểm tiêm cùng con (phụ huynh chỉ ký giấy đồng ý cho con tiêm), như vậy đúng không? Vì một số phụ huỵnh muốn có mặt cùng các con để theo dõi sức khỏe.
Chúng tôi khuyến khích các bậc phu huynh có mặt cùng con tại điểm tiêm chủng để phối hợp theo dõi sức khỏe cho con mình.
Tuy nhiên, trên thực tế việc bố trí cho các phụ huynh tại điểm tiêm chủng phụ thuộc vào địa điểm tổ chức tiêm chủng và tình hình dịch bệnh trên địa bàn các phường xã. Việc tổ chức tiêm chủng của mỗi đơn vị tiêm chủng phải đảm bảo giãn cách và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh của ngành y tế và chính quyền địa phương.
Xin chào khách mời. Tôi vẫn băn khoăn vắc xin Covid-19 còn rất mới, chưa thể biết hết về các tác dụng lâu dài với sức khỏe. Xin chuyên gia cho biết, vắc xin có thể gây vô sinh không, đặc biệt với người trẻ, trẻ dưới 18 tuổi?.
Tất cả các vắc xin phòng Covid-19 hiện nay đang sử dụng tại Việt Nam đều đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng.
Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, việc tiêm chủng vắc xin Covid 19 không ảnh hưởng đến gen cũng như không ảnh hướng đến khả năng sinh sản, không gây vô sinh cho người được tiêm chủng |
tno |
Về thành phần của vắc xin, ngay cả vắc xin mRNA cũng không có tương tác với ADN của người, vì vậy, việc tiêm chủng vắc xin Covid 19 không ảnh hưởng đến gen cũng như không ảnh hướng đến khả năng sinh sản, không gây vô sinh cho người được tiêm chủng.
Xin chào khách mời. Xin cho biết, nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19, người đó có thể phòng bệnh trong bao lâu? VN có đánh giá về hiệu quả với những người sau tiêm vắc xin Covid-19 không?.
Sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, cũng như các vắc xin khác thì khả năng phòng bệnh Covid-19 sẽ giảm dần theo thời gian, đối với từng loại vắc xin thì các nhà sản xuất đang tiếp tục nghiên cứu, đặc biệt khả năng phòng bệnh trước các biến thể mới.
Hiện nay, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, CDC Hoa Kỳ và Bộ Y tế Việt Nam, thì những người đã tiêm đủ 2 mũi cần tiêm nhắc lại 1 mũi thứ 3 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đánh giá về hiệu quả của vắc xin với phòng lây nhiễm, giảm nguy cơ diễn biến nặng, tử vong, các nghiên cứu hiện đang được tiến hành.
Xin chào khách mời. Bộ Y tế có chủ trương tiêm mũi 3 và 4 vắc xin Covid-19 cho đối tượng nào? Khi nào chúng ta có đủ vắc xin bao phủ đủ liều cơ bản cho người dân? Khi nào chúng ta tiêm mũi 3 rộng rãi, thay vì chỉ cho nhóm ưu tiên?.
Hiện nay, Việt Nam đã có đủ số lượng vắc xin để tiêm mũi cơ bản cho tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên; và Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương hoàn thành tiêm đủ mũi cơ bản cho người dân trong tháng 12.2021.
Cho đến nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn lịch tiêm liều nhắc lại ít nhất 6 tháng sau khi tiêm đủ liều cơ bản áp dụng với tất cả các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, trong đó ưu tiên người có bệnh nền, người được chăm sóc dài hạn tại cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.
Tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 Nanocovax cho tình nguyện viên |
ngọc thắng |
Sau khi triển khai xong cho nhóm đối tượng ưu tiên, các cơ sở tiêm chủng sẽ triển khai tiêm cho các đối tượng khác từ 18 tuổi trở lên.
Đối với những người trên 18 tuổi nhưng có tình trạng suy giảm miễn dịch (đang điều trị ung thư, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, suy giảm miễn dịch mắc phải…) thì sau 1 tháng hoàn thành tiêm mũi cơ bản, có thể tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin Covid 19. Sau 6 tháng tiêm mũi bổ sung thì những người này nên tiêm mũi nhắc lại.
Theo cam kết cung ứng vắc xin của các nhà sản xuất, Việt Nam sẽ có đủ vắc xin để tiêm mũi 3 cho tất cả người dân trong độ tuổi 18 tuổi trở lên.
Xin chào khách mời. Vắc xin Covid-19 sống giảm độc lực có nguy cơ gây bệnh cho người tiêm không? Nếu mũi 1 tiêm vắc xin này, mũi 2 có thể đổi sang vắc xin của Astra hay Pfizer không?
Hiện nay tất cả các vắc xin sử dụng tại Việt Nam được sản xuất bằng công nghệ bất hoạt, công nghệ Vector, mRNA và công nghệ tái tổ hợp nên hoàn toàn không có nguy cơ gây bệnh cho người được tiêm chủng.
Bộ Y tế cũng đã cho phép sử dụng phối hợp vắc xin Pfizer và vắc xin Moderna, mũi 1 vắc xin AstraZeneca và mũi 2 là vắc xin Pfizer hoặc Moderna.
Xin chào khách mời. Vừa qua có các phản ứng nặng sau tiêm, thậm chí tử vong nhưng Bộ Y tế chậm thông tin. Việc làm rõ nguyên nhân gây tai biến và công khai thông tin về các trường hợp này do ai chịu trách nhiệm?.
Tất cả các vắc xin khi nhập khẩu về Việt Nam đều được Viện kiểm định Quốc gia thực hiện kiểm định từng lô vắc xin trước khi xuất xưởng và cấp phát cho các tuyến.
PGS-TS Dương Thị Hồng: "Vắc xin phải được bảo quản trong dây chuyền lạnh đúng nhiệt độ quy định từ nhà sản xuất đến tận khi tiêm chủng" |
ngọc thắng |
Vắc xin phải được bảo quản trong dây chuyền lạnh đúng nhiệt độ quy định từ nhà sản xuất đến tận khi tiêm chủng, trong quá trình bảo quản tại các thiết bị chuyên dụng trong hệ thống dây chuyền lạnh của chúng ta luôn luôn có các thiết bị theo dõi nhiệt độ đi kèm và phân công cán bộ giám sát nhiệt độ tối thiểu 2 lần/ ngày.
Bộ Y tế và hệ thống tiêm chủng từ T.Ư đến các xã phường thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bảo quản vắc xin.
Xin chào khách mời. Các tai biến nặng sau tiêm vắc xin Covid-19 đều được giải thích là phản sưng dị ứng, sốc phản vệ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lo ngại về chất lượng do sản xuất hoặc bảo quản hoặc an toàn vệ sinh khi tiêm chủng. Xin cho biết, các vấn đề này được ngành y tế các địa phương đã thực hiện thực sự tốt chưa? Bộ Y tế có giám sát, hỗ trợ không?
Sau khi xảy ra bất kỳ một trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng nào trên địa bàn thì Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến và Sở Y tế các tỉnh thành phố đó sẽ có trách nhiệm tổ chức đoàn điều tra và họp hội đồng đánh giá nguyên nhân tai biến. Việc này cần có một thời gian nhất định.
Sau khi có kết luận của Hội đồng, Sở Y tế sẽ thông tin đến người dân.
PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư |
ngọc thắng |
Như tôi vừa nói, tất cả các vắc xin khi nhập khẩu về Việt Nam đều được Viện kiểm định Quốc gia thực hiện kiểm định từng lô vắc xin trước khi xuất xưởng và cấp phát cho các tuyến. Vắc xin phải được bảo quản trong dây chuyền lạnh đúng nhiệt độ quy định từ nhà sản xuất đến tận khi tiêm chủng, trong quá trình bảo quản tại các thiết bị chuyên dụng trong hệ thống dây chuyền lạnh của chúng ta luôn luôn có các thiết bị theo dõi nhiệt độ đi kèm và phân công cán bộ giám sát nhiệt độ tối thiểu 2 lần/ ngày.
Bộ Y tế và hệ thống tiêm chủng từ T.Ư đến các xã phường thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bảo quản vắc xin.
Xin chào khách mời. Ngoài tiêm vắc xin Covid-19, chuyên gia có khuyến cáo thêm các gia đình lưu ý khi tiêm chủng phòng các bệnh khác cho trẻ nhỏ?.
Hiện nay, Việt Nam chưa triển khai tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Covid-19 cho trẻ nhỏ dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, các vắc xin phòng bệnh cho trẻ nhỏ trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn triển khai thường xuyên tại các trạm y tế xã phường.
Các bậc cha mẹ lưu ý, trẻ nhỏ vẫn cần được tiêm chủng đầy đủ các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng để chủ động phòng bệnh cho con mình, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi… có thể phòng được bằng sử dụng vắc xin. Hơn nữa, nếu trẻ mắc bệnh, phải nhập viện thì nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV2 sẽ cao hơn.
Xin chào khách mời. Tôi thấy Covid-19 đang được mọi người dân quan tâm. Vậy các dịch bệnh khác như: quai bị, thủy đậu hoặc các vắc xin do TCMR triển khai hiện tại được duy trì như thế nào? có cần thiết khuyến cáo về phòng các bệnh dịch mùa đông – xuân không?
Hiện nay, các vắc xin phòng bệnh cho trẻ nhỏ trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn triển khai thường xuyên tại các trạm y tế xã phường. Các bậc cha mẹ lưu ý, trẻ nhỏ vẫn cần được tiêm chủng đầy đủ các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng để chủ động phòng bệnh cho con mình, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm có thể phòng được vì nếu mắc bệnh, phải nhập viện thì nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV2 sẽ cao hơn.
Ngoài các bệnh trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, các bậc cha mẹ cần quan tâm tiêm chủng các vắc xin khác như quai bị, thuỷ đậu, viêm phổi, cúm…hay xảy dịch vào mùa đông - xuân để chủ động bảo vệ sức khoẻ của con mình.
Xin chào khách mời. Tôi 35 tuổi, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 Astra từ tháng 9. Khi nào tôi cần tiêp các mũi tiêm theo?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đến nay thời gian tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) là ít nhất 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2 vắc xin AstraZeneca.
Xin chào khách mời. Sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người dân từ 12 tuổi, Bộ Y tế có kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ nhỏ dưới 12 tuổi không? Năm 2022, chúng ta có đủ nguồn vắc xin không, khi mà dịch bệnh có biến chủng mới, lây lan mạnh, nguy cơ khan hiếm vắc xin.
Chào bạn! Hiện nay Bộ Y tế chưa có hướng dẫn tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi từ 12 tuổi trở xuống. Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ đang xem xét phê duyệt sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi.
Thời điểm triển khai sẽ được thông báo tới người dân sau khi được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng vắc xin và ban hành kế hoạch tiêm chủng cho nhóm đối tượng này.
Hiện nay, Việt Nam đã có đủ số lượng vắc xin để tiêm mũi cơ bản cho tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên, và Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương hoàn thành tiêm đủ mũi cơ bản cho người dân trong tháng 12.2021.
Theo cam kết cung ứng của các nhà sản xuất, Việt Nam sẽ có đủ vắc xin để tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cho người dân từ 18 tuổi trở lên trong năm 2022.
Xin chào khách mời. Đề nghị đại diện Bộ Y tế cho biết về chương trình triển khai thí điểm điều trị F0 tại nhà có hiệu quả như thế nào? Có an toàn không?.
Cảm ơn câu hỏi của bạn đọc Báo Thanh Niên.
Nội dung bạn đọc hỏi cũng là vấn đề Bộ Y tế quan tâm. Vừa qua, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã triển khai chương trình thí điểm điều trị sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng điều trị tại các cơ sở y tế, khu cách ly, khu thu dung điều trị và tại nhà.
Mục tiêu của chương trình là các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng được tiếp cận thuốc an toàn, hiệu quả, nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong, giảm tải điều trị và đặc biệt là giảm lây nhiễm ngoài cộng đồng.
Trước khi triển khai tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có dữ liệu về kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố trên thế giới, cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.
Trong nước, căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ và vừa tiến hành tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi T.Ư cho thấy tính an toàn và hiệu quả thuốc. Bộ Y tế đã cho phép triển khai chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại nhà và cộng đồng tại TP.HCM từ giữa tháng 8.2021.
Việc triển khai chương trình tuân thủ các đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thẩm định, chấp thuận; được Bộ Y tế phê duyệt; và được theo dõi, kiểm soát, ghi nhận, đánh giá và tổng kết bởi các chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế.
Các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lê bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT từ 30 trở lên đạt 72,1% - 99,1% (tải lượng virus thấp, không có khả năng lây lan).
Tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT từ 30 đạt gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02% - 0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong
TS. Nguyễn Ngô Quang bắt đầu giao lưu với bạn đọc Báo Thanh Niên |
Ngọc Thắng |
Xin chào khách mời. Xin cho biết, bao nhiêu tỉnh thành đã được cấp thuốc điều trị F0 nhẹ tại nhà, việc sử dụng được chỉ định như thế nào?
Cảm ơn câu hỏi của bạn đọc Thanh Niên. Như Bộ Y tế đã thông tin, các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy, thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị...
Thuốc Molnupiravir được trạm y tế lưu động cấp phát cho F0 tại nhà |
ngọc thắng |
Các kết quả rất khả quan của chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của TP.HCM và các địa phương có dịch.
Từ cuối tháng 8, ở thời điểm triển khai đầu tiên tại TP.HCM, đến nay đã có 42 tỉnh thành được cấp thuốc Molnupiravir.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương có dịch tham gia và triển khai chương trình trên tinh thần tiếp cận sớm với thuốc song vẫn phải kiểm soát, theo dõi chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân tham gia chương trình.
Dù là thuốc điều trị tại nhà nhưng thuốc sử dụng dưới sự quản lý, tư vấn của nhân viên y tế. Các F0 có chỉ định dùng thuốc sẽ được cấp túi thuốc và có hướng dẫn cụ thể.
Xin chào khách mời. Xin cho biết về triển vọng sản xuất thuốc kháng virus điều trị Covid-19 tại Việt Nam?
Cảm ơn câu hỏi của bạn đọc Báo Thanh Niên. Thuốc kháng virus điều trị các ca mắc Covid-19 (F0) nội trú hoặc các ca F0 nhẹ điều trị tại nhà đã được Bộ Y tế tìm nguồn tiếp cận, đàm phán để nhập khẩu thành phẩm; hoặc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.
Nhiều công ty dược phẩm trong nước hiện đủ điều kiện về trang thiết bị, nhà xưởng và nhân lực để sản xuất thuốc kháng virus điều trị F0.
Hiện, trong nước đã có sản phẩm của Công ty dược phẩm Stella Việt Nam sản xuất Molnupiravir. Vừa qua, thuốc Molnupiravir do công ty này đã phân bổ về các địa phương triển khai chương trình điều trị có kiểm soát trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ.
Thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng cho biết, đến nay, 35 công ty của Việt Nam đã được cấp phép nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thuốc Molnupiravir; 19 công ty đã nộp hồ sơ đăng ký thuốc lưu hành tại Việt Nam.
Hiện nay, các thuốc kháng vi rút trong điều trị Covid-19 như Molnupiravir đều là thuốc mới. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 23 ngày 9.12.2021 bãi bỏ một số quy định, giúp nới lỏng điều kiện cấp số đăng ký lưu hành thuốc mới, đáp ứng ứng nhu cầu cấp bách cho phòng chống dịch bệnh, với các thuốc nộp hồ sơ xin cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc trước ngày 31.12.2022.
Xin chào khách mời. Xin cho biết về các thuốc kháng virus đang được sử dụng trong điều trị F0 nặng tại Việt Nam?
Bộ Y tế đã có hướng dẫn về thuốc kháng virus trong điều trị F0.
Theo Quyết định 5666 ban hành ngày 12.12.2012, trong nước hiện có 3 thuốc kháng vi rút điều trị người bệnh Covid-19 (F0) là remdesivir, Favipiravir và Molnupiravir. Các thuốc đã được WHO khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh (ví dụ: thuốc remdesivir, favipiravir...).
TS Nguyễn Ngô Quang trả lời độc giả Thanh Niên |
ngọc thắng |
Trong đó, Remdesivir có chỉ định với F0 nội trú, mức độ trung bình và nặng, khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày, có suy hô hấp phải thở ô xy, thở ô xy lưu lượng dòng cao, hoặc thở máy không xâm nhập. Thuốc ưu tiên sử dụng cho nhóm nguy cơ cao như: người bệnh trên 65 tuổi, người có bệnh nền, người bệnh béo phì…
Thuốc có chỉ định, chống chỉ định, quá trình điều trị các F0 sẽ được bác bác sĩ chỉ định liều dùng phù hợp với diễn biến bệnh cũng như các bệnh lý kèm theo khác (nếu có).
Bên cạnh các thuốc kháng virus, điều trị F0 nặng cần thêm các thuốc khác nếu có bệnh lý nền. Các thuốc này trong nước hiện đáp ứng nhu cầu điều trị.
Xin chào khách mời. Tôi quan tâm đến các thuốc kháng vi rút cho F0 nhẹ và F0 điều trị tại nhà, vì giúp cho các ca nhẹ ít nguy cơ tăng nặng. Xin cho biết rõ hơn về các thuốc này? TP.HCM có số F0 lớn, Bộ Y tế có kế hoạch phẩn bổ như thế nào?
Cảm ơn câu hỏi của bạn đọc. Bộ Y tế có hướng dẫn chẩn đoán điều trị tại Quyết định 4689 ngày 6.10.2021: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, trong đó có hướng dẫn điều trị F0 nhẹ và trung bình. Bộ Y tế có cũng quyết định 5666 ban hành ngày 12.12.2021 sửa đổi hướng dẫn chẩn đoán điều trị Covid-19.
Molnupiravir là thuốc được cấp cho các F0 nhẹ điều trị tại nhà |
ngọc thắng |
Theo đó, thuốc Favipiravir 200 mg chỉ định cho F0 mức độ nhẹ, trung bình, điều trị tại bệnh viện.
Với thuốc Molnupiravir là thuốc được cấp cho các F0 nhẹ điều trị tại nhà. Các chỉ định, chống chỉ định, liều dùng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt. Các F0 khi được cấp thuốc điều trị tại nhà sẽ có chỉ định liều dùng phù hợp, với sự tư vấn của nhân viên y tế.
Về việc phân bổ, hết ngày 12.12, 42 tỉnh, thành đã được phân bổ thuốc Molnupiravir cho điều trị F0 nhẹ tại nhà. Riêng với TP.HCM, hôm 7.12, Bộ Y tế đã cấp bổ sung 25.000 liều Molnupiravir, nâng tổng số thuốc phân bổ cho TP.HCM lên gần 100.000 liều và sẽ tiếp tục bổ sung.
Xin chào khách mời. Vừa qua có nhiều F0 tại TP.HCM không nhận được thuốc kháng virus điều trị tại nhà, xin cho biết, Bộ Y tế có giải pháp nào để thuốc được cấp đầy đủ cho các F0?.
Cảm ơn câu hỏi của bạn đọc Thanh Niên. Qua thông tin phản ánh từ báo chí, chúng tôi cũng có nhận được thông tin một số F0 tại TP.HCM chưa nhận được thuốc kháng virus Molnupiravir.
Monulpiravir hiện đang được sử dụng miễn phí và có kiểm soát trong chương trình đánh giá sử dụng thuốc molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ tại TP.HCM. Chương trình được phê duyệt theo Quyết định số 4068/QĐ-BYT ngày 24.8.2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế, trong đó giao Sở Y tế TP.HCM là đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm chỉ đạo quản lý, tổ chức triển khai nghiên cứu theo đúng đề cương đã được Bộ Y tế phê duyệt; phân bổ thuốc tới các cơ sở y tế trực thuộc để sử dụng cho các trường hợp F0 đang điều trị tại nhà và cộng đồng.
Ngày 7.12.2021, Bộ Y tế đã phê duyệt và cấp phát bổ sung hơn 25.000 liều thuốc cho TP HCM để tiếp tục triển khai Chương trình nêu trên, nâng tổng số thuốc phân bổ cho TP HCM lên gần 100.000 liều. Bộ Y tế sẽ tiếp tục bổ sung thuốc molnupiravir theo đề xuất của TP.HCM để thực hiện Chương trình.
Để bảo đảm các trường hợp F0 được tiếp cận nhanh chóng và công bằng với thuốc kháng virus Molnupiravir và được hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của người bệnh, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đã có công văn đề nghị Sở Y tế TP.HCM khẩn trương rà soát, kiểm tra các thông tin về việc tiếp cận của người bệnh Covid-19 đối với thuốc Molnupiravir; chỉ đạo việc cấp phát thuốc tới người bệnh theo đề cương nghiên cứu đã được Bộ Y tế phê duyệt để người dân được tiếp cận với thuốc kịp thời và công bằng.
TS. Nguyễn Ngô Quang: "Bảo đảm các trường hợp F0 được tiếp cận nhanh chóng và công bằng với thuốc kháng virus Molnupiravir và được hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả" |
Ngọc Thắng |
Bình luận (0)