An toàn từ phía cổng

14/09/2019 06:58 GMT+7

Cổ động viên quá khích sử dụng pháo sáng trên khán đài sân bóng đá ở VN không phải mới. Nhưng đến khi xảy ra sự cố nghiêm trọng trên sân Hàng Đẫy vừa rồi, những người có trách nhiệm mới “giật mình”.

Tôi còn nhớ như in câu chuyện kiểm tra an ninh của lực lượng công an bảo vệ sân Thống Nhất 15 năm về trước tại giải bóng đá quốc tế LG Cup diễn ra từ ngày 20 - 28.8.2004 tại TP.HCM. Hôm ấy, tôi vào sân với vai trò là “người nhà đài” để tường thuật trực tiếp trận đấu qua radio. Hồi đó, ê kíp chúng tôi, mỗi người được ban tổ chức sân cấp cho một chiếc thẻ màu bằng giấy. Khi đến sân tôi phải trình ra chiếc thẻ ấy mới được vào bên trong cánh cổng chính. Vượt qua lớp cửa này, tôi tiếp tục gặp “chốt chặn” thứ hai là lực lượng công an kiểm tra an ninh, kiểm tra giỏ xách, túi đeo các loại, bất kể phóng viên hay khán giả.
Lần đó, ngoài một số phương tiện, dụng cụ tác nghiệp, tôi có mang theo bịch xoài để biếu người quen. Nhưng rắc rối xảy ra khi anh công an kiên quyết không cho tôi mang vào với lý do “đây cũng là vật cứng nguy hiểm”. Đứng trước tình huống này, tôi hỏi lại: “Phải làm sao đây anh? Chẳng lẽ bỏ?”. Anh công an nói rằng: “Nếu thấy tiếc, anh có thể vào phòng bên kia xẻ xoài ra rồi mang vào! Còn không, anh cứ bỏ ngoài đây, hết trận ra lấy, nhưng tôi cũng không đảm bảo còn, vì ở đây quá đông người?!”.
Dù rất bực bội vì có thẻ vào sân làm nhiệm vụ hợp lệ nhưng bị làm khó, tôi vẫn phải chấp hành theo “mệnh lệnh” của anh công an kiểm soát an ninh. Tuy vậy, về sau càng nghĩ tôi thấy anh công an và lực lượng an ninh đã làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình.
Trở lại sự cố nghiêm trọng tại sân Hàng Đẫy mới đây, sẽ là thiếu sót nếu chúng ta chỉ biết quy lỗi cho một cá nhân hay tổ chức nào. Thực chất nó có nguyên nhân gốc rễ từ lỗi hệ thống kéo dài nhiều năm qua. Công ty VPF, đơn vị tổ chức quá nhún nhường, không kiên quyết với các ban tổ chức sân không đủ phương án an toàn. VFF với tư cách cấp trên quản lý của VPF, nhưng lại thiếu kiểm tra giám sát, thậm chí cả nể như trường hợp để Ban Giải quyết khiếu nại xóa án “treo” sân Hàng Đẫy của Ban Kỷ luật vào tháng 4.2019.
Trong khi đó, nhận thức của nhiều cổ động viên còn lệch chuẩn dẫn đến hành vi sai trái cứ lặp đi lặp lại. Rõ ràng, để tìm giải pháp hiệu quả “bịt” các “lỗ hổng” trong công tác quản lý, phối hợp điều hành, kể cả cải thiện nhận thức số đông cổ động viên đòi hỏi mất nhiều thời gian, tâm sức. Vì vậy trước mắt chỉ có thể thực hiện nghiêm giải pháp ban đầu là kiểm soát chặt chẽ tại cổng vào.
Câu chuyện mà tôi kể ra từ 15 năm về trước ở sân Thống Nhất cho thấy nếu lực lượng chức năng, từng bộ phận liên quan làm hết trách nhiệm của mình, rà soát, kiểm tra gắt gao ngay từ những vòng ngoài thì pháo sáng hoặc vật dụng nguy hiểm khác khó lòng lọt vào bên trong. Mọi thứ có thể không đạt được tuyệt đối nhưng với cách này, xác suất xảy ra sự cố tương tự sân Hàng Đẫy sẽ thấp hơn.
Nói cách khác, an toàn cho trận đấu phải được làm nghiêm từ phía cổng trước khi tìm ra những giải pháp căn cơ, lâu dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.