Ăn trầu gây ung thư: bác sĩ nói gì?

26/03/2015 14:58 GMT+7

(TNO) Ăn trầu là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư môi, đó là điều đã được chứng minh rõ ràng, không có gì phải tranh cãi - giáo sư bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khẳng định.

(TNO) Ăn trầu là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư môi, đó là điều đã được chứng minh rõ ràng, không có gì phải tranh cãi - giáo sư bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khẳng định.

Ăn trầu vẫn là thói quen của nhiều cụ bà ở thôn quê - Ảnh: Hạ Huy
Còn đây là chia sẻ của một độc giả Thanh Niên Online sau khi đọc bài Bí mật trầu cau: Ung thư và chết: “Cụ tôi ăn trầu từ 18 tuổi mà sống được 102 năm, lúc ra đi vẫn thanh thản không bệnh tật gì…” Rất nhiều bạn đọc khác cũng có ý kiến tương tự.
Trước những băn khoăn này, vị giáo sư mấy chục năm nghiên cứu, điều trị ung thư Nguyễn Chấn Hùng cho biết không phải ai ăn trầu cũng bị ung thư, có mắc bệnh hay không còn do cơ địa của từng người và nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, ăn trầu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh ung thư môi thường gặp trước đây mà bệnh nhân có thể không biết là do thói quen ăn trầu gây ra.
Giáo sư Hùng cho biết, triệu chứng của căn bệnh thường rất đơn giản: đầu tiên là một mảng da môi trắng, hơi sần sùi, được gọi là bạch sản. Đốm trắng này thường nằm ở khóe môi, chỗ những người ăn trầu hay nhét cục xỉa thuốc. Lâu dần, đốm trắng lớn lên, có thể bằng đầu ngón tay út, tay cái, rờ vào thấy hơi cứng nhưng ít đau nên nhiều bệnh nhân - thường là những người ăn trầu lớn tuổi ở vùng quê - không đi khám bệnh.
Trầu, cau, vôi và thuốc rê kết hợp lại với nhau có thể gây ung thư - Ảnh: Hạ Huy
Có những bệnh nhân để cục sùi to bằng trái quýt mới đi khám, giáo sư Hùng kể. Trầm trọng hơn, có trường hợp vết loét ăn lan ra rất rộng, hết cả môi trên, môi dưới, khóe môi, gây đau đớn, bệnh nhân không thể ăn uống được, dẫn đến suy dinh dưỡng. Những vết loét có thể gây nhiễm trùng, có khi kéo theo nhiễm trùng phổi và gây tử vong.
Nhìn chung, diễn tiến căn bệnh xảy ra rất chậm, thường là vài chục năm sau khi người ta bắt đầu ăn trầu nên nhiều người không “vạch mặt” được thủ phạm. Ung thư môi cũng ít khi di căn xa như tới gan, tới phổi mà thường chỉ di căn tới hạch, giáo sư Hùng cho biết. Ông cũng nhấn mạnh bản thân chỉ lá trầu không nguy hiểm, ung thư môi thường là hậu quả của sự kết hợp giữa cau, trầu, vôi và thuốc rê. Căn bệnh này hiện nay đã giảm hẳn song song với việc giảm thói quen ăn trầu ở Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.