Thông tin Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) khởi tố, bắt tạm giam đối với các bị can có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh không khác câu chuyện rất gần đây ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội.
Bắt đầu từ cuối tháng 4.2020, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đối với Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội; rồi các vị là trưởng phòng, nhân viên phòng tài chính kế toán; tổng giám đốc lẫn nhân viên liên quan ở các doanh nghiệp tham gia nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19...
Chuỗi làm sáng tỏ đường dây này vẫn còn tiếp tục đến tháng 7, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Kim Dung (Trưởng phòng Tổ chức hành chính CDC Hà Nội, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm CDC Hà Nội) và Nguyễn Ngọc Quỳnh (Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội).
Gần như cùng lúc với bản tin ở Bệnh viện Bạch Mai khi ngày 1.9, Cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can Hoàng Kim Thư, Kế toán trưởng Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội, về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Bước đầu câu chuyện nâng khống giá máy móc xét nghiệm cho thấy các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua gấp 3 lần giá nhập. Vụ án này từng làm chấn động dư luận, không phải chỉ nằm ở số tiền nâng khống mà nằm ở khía cạnh nhân tâm. Khi cả đất nước dốc lòng chống dịch bệnh thì những kẻ cơ hội lại lợi dụng nó để “ăn”. Mà không chỉ ở Hà Nội, trào lưu trả máy mượn, đàm phán lại hợp đồng… ở tỉnh này tỉnh khác cho thấy một bức tranh hiện thực u ám trong các phi vụ mua sắm trang thiết bị y tế.
Tưởng rằng đó là bài học, và thực tế đã là bài học cho nhiều tỉnh thành khác, thế nhưng nó không hề có tác dụng với những doanh nghiệp câu kết làm giá, trục lợi trong trường hợp mới phát hiện ở Bệnh viện Bạch Mai.
Người xưa bảo “Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ, thợ bồ ăn nan, thợ hàn ăn thiếc”, nhưng nghĩ đến thành quả, công sức và bao tâm huyết của những người làm nghề y đã chung sức, chung lòng, không nề tính mạng để bảo vệ sức khỏe người dân, chiến đấu ngăn chặn dịch bệnh, không dám nghĩ lẽ nào lại thêm một kiểu ăn của những người đáng lý phải hết lòng chăm lo cho người bệnh. Họ “ăn” trên nỗi đau người bệnh.
Dân gian cảnh báo làm việc gì cũng nghĩ đến quả báo. Giờ thì quả báo nhãn tiền. Ngay và luôn!
Bình luận (0)