Án treo, xét xử sao cho đúng: Luật và hướng dẫn phải rõ ràng để áp dụng minh bạch

17/06/2023 06:21 GMT+7

Phạt tù cho hưởng án treo là chính sách nhân đạo, khoan hồng và hướng thiện cho người bị kết án tù không quá 3 năm. Song, với quy định chung ở điều 65 bộ luật Hình sự và 2 nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, việc áp dụng vẫn còn nhiều bất cập.

PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn với PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, Chánh án tòa án Quân sự T.Ư (ảnh), xung quanh vấn đề trên.

Luật và hướng dẫn phải rõ ràng để áp dụng minh bạch  - Ảnh 1.

PHAN THƯƠNG

CHÍNH SÁCH HÌNH SỰ HƯỚNG THIỆN, COI TRỌNG PHÒNG NGỪA, GIẢM phạt tù

Thưa ông, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, và hiện ngoài điều 65 bộ luật Hình sự quy định về án treo còn có 2 nghị quyết hướng dẫn áp dụng điều 65. Nhưng thực tiễn quan điểm áp dụng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn khác nhau?

PGS-TS Trần Văn Độ: Chính sách hình sự của nước ta là hướng thiện, coi trọng phòng ngừa, giảm phạt tù nhưng thực tế áp dụng thì theo xu hướng ngược lại, khi khoảng 75% người bị kết án đang bị áp dụng hình phạt tù.

Người làm luật và đặc biệt là người áp dụng pháp luật phải luôn hiểu rằng đưa một bị cáo vào tù thì hậu quả cá nhân người đó, gia đình, xã hội phải gánh chịu là cực lớn. Chẳng hạn gia đình có thể mất nguồn thu nhập chính trở nên nghèo đói khi người bị kết án là lao động chính; bị cáo, con cái người đó bị kỳ thị ở trường và có thể dẫn đến phạm tội; người bị kết án phát sinh tâm lý tiêu cực và rất khó có thể hoàn lương để hòa nhập với cuộc sống…

Vì vậy, với người thẩm phán, năng lực, trình độ chuyên môn là một phần, còn lại năng lực đạo đức sẽ là điều quan trọng, giúp giải quyết bản án có tầm, có tâm, và đúng pháp luật. Muốn vậy người thẩm phán phải có kinh nghiệm sống, bản lĩnh. Tuy nhiên, sẽ rất đáng suy ngẫm nếu tòa án không tuyên án treo dù người phạm tội đủ điều kiện hưởng án treo hoặc ngược lại.

Thực tế, có tình trạng dù đủ điều kiện được án treo nhưng không được tuyên án treo, gây bức xúc cho bị cáo, vì sao, thưa ông?

Theo tôi, nguyên nhân chính là do người áp dụng pháp luật nhận thức chưa đúng về án treo. Điều 65 bộ luật Hình sự quy định về án treo cực chuẩn. Tức khi bị cáo có đủ 3 điều kiện sau đây thì được hưởng án treo: 1/ khi bị xử phạt tù không quá 3 năm; 2/ căn cứ vào nhân thân của người phạm tội; và 3/ các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì tòa án cho hưởng án treo (bắt buộc), chứ không phải có thể cho hưởng án treo (tùy nghi).

Luật và hướng dẫn phải rõ ràng để áp dụng minh bạch  - Ảnh 2.

Tuy nhiên, Nghị quyết 02/2018/HĐTP và Nghị quyết 01/2022/HĐTP hướng dẫn áp dụng điều 65 bộ luật Hình sự lại hướng dẫn: "Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây…".

Điều luật quy định đủ điều kiện thì tòa cho hưởng án treo, nhưng nghị quyết hướng dẫn lại nêu tòa có thể xem xét cho hưởng án treo khi đủ các điều kiện. Rõ ràng đã có sự khác nhau, nên việc bị cáo dù đủ điều kiện án treo nhưng được tuyên treo hay không lại phụ thuộc vào ý chí của Hội đồng xét xử.

Một nguyên nhân khác, theo tôi, cũng có thể làm cho thẩm phán ngại cho hưởng án treo là tâm lý xã hội, dư luận và thậm chí người có trách nhiệm thường gắn án treo với tiêu cực trong hoạt động tư pháp; thậm chí khi quyết định cho hưởng án treo, cùng với việc ra bản án, thẩm phán còn phải viết bản giải trình. Thẩm phán cho hưởng án treo có thể bị nghi ngờ tiêu cực khi cho bị cáo hưởng án treo... Cho nên, không loại trừ trường hợp thẩm phán tuyên phạt tù giam "cho lành", mặc dù bị cáo có đủ điều kiện hưởng án treo.

Khi có sự mâu thuẫn giữa điều luật và nghị quyết hướng dẫn điều luật thì nên áp dụng quy định nào, thưa ông?

Nghị quyết hướng dẫn điều luật phải dựa trên tinh thần, nguyên tắc áp dụng chung của điều luật. Chẳng hạn, điều 65 bộ luật Hình sự quy định căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì tòa án cho hưởng án treo. Điều luật không yêu cầu nhân thân tốt, mà nhân thân không cần bắt chấp hành hình phạt tù, nhưng nghị quyết lại hướng dẫn nhân thân phải tốt; hoặc điều luật quy định các (tức có 2) tình tiết giảm nhẹ trở lên mà không bắt buộc phải có tình tiết quy định tại khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự tương tự điều 54 bộ luật Hình sự, nhưng nghị quyết hướng dẫn trong đó phải có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự.

Việc hướng dẫn này đã thu hẹp phạm vi án treo, hạn chế quyền được hưởng án treo của người bị xử phạt tù không quá 3 năm. Áp dụng pháp luật là phải cảm hóa, giáo dục con người. Ai cũng có sai lầm, sai lầm nào có thể cảm hóa, giáo dục được bằng biện pháp nhân đạo, hướng thiện, không gây ra các hậu quả xã hội tiêu cực thì cần được áp dụng. Cần thay đổi các nội dung tại nghị quyết sao cho phù hợp, sát với điều 65 quy định về án treo.

LUẬT RÕ RÀNG, ÁP DỤNG PHÁP LUẬT SẼ MINH BẠCH

Song một số ý kiến cho rằng nghị quyết hướng dẫn các điều kiện cho người bị phạt tù được hưởng án treo, và điều kiện để người phạt tù không được hưởng án treo là biện pháp hạn chế phần nào nguy cơ thẩm phán tùy nghi, tiêu cực trong xét xử?

Theo tôi, không nên nhầm lẫn đối tượng điều chỉnh của bộ luật Hình sự. Bộ luật Hình sự quy định tội phạm và hình phạt, không phải là luật phòng chống tiêu cực. Chống tiêu cực đã có luật Phòng chống tham nhũng, luật Cán bộ công chức...

Khi một bản án tuyên phạt tù cho hưởng án treo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ thì bị nghi ngờ rằng "có vấn đề". Để tránh nghi ngờ lẫn nhau thì luật và hướng dẫn áp dụng luật phải rõ ràng, để người áp dụng pháp luật cũng minh bạch áp dụng. Đặc biệt, hướng dẫn áp dụng phải đúng theo tinh thần của luật. Luật mà không rõ ràng, hướng dẫn lại không sát thì dễ dẫn đến áp dụng cứng nhắc, hoặc "thô tục" lắm.

Vậy theo ông, với các vụ án dù không đủ điều kiện tuyên án treo, nhưng tòa vẫn tuyên án treo thì xử lý trách nhiệm của người thẩm phán như thế nào?

Xử lý theo Quyết định 120/QĐ-TANDTC ban hành ngày 19.6.2017. Trong đó, trong một năm công tác, thẩm phán ra bản án xử phạt 1 bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo không đúng quy định thì bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan; trong một năm công tác, thẩm phán ra bản án xử phạt 2 bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo không đúng, xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao; thẩm phán bị bố trí làm công việc khác khi trong một năm công tác ra bản án xử phạt 3 bị cáo trở lên hình phạt tù cho hưởng án treo không đúng, hoặc cho 1 bị cáo phạm tội tham nhũng án treo không đúng.

Ngoài ra, khi kết thúc nhiệm kỳ thẩm phán, nếu thẩm phán ra bản án xử phạt 1 - 3 bị cáo phạt tù cho hưởng án treo không đúng quy định thì thẩm phán đó chưa được xem xét đề nghị bổ nhiệm lại; xử phạt 4 bị cáo trở lên án treo không đúng và xử án treo không đúng pháp luật đối với bị cáo phạm tội tham nhũng, hoặc đối với bị cáo phạm tội khác gây dư luận xấu thì thẩm phán liên quan sẽ không được xem xét đề nghị bổ nhiệm lại.

Tuy nhiên, việc xem xét áp dụng án treo đúng, sai phải cực kỳ thận trọng, nhất là nguyên nhân, động cơ để xảy ra sai sót. Nếu thẩm phán tiêu cực để cho hưởng án treo không đúng thì phải bị xử trách nhiệm nghiêm khắc, như là hành vi tham nhũng trong hoạt động tư pháp...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.