Ấn tượng Ba Hòn Đầm

27/07/2013 09:57 GMT+7

Phong cảnh hoang sơ cùng những câu chuyện về băng cướp Cánh Buồm Đen kỳ bí đã thu hút nhiều du khách thích phiêu lưu đến với Ba Hòn Đầm (ấp Hòn Ngang, xã Sơn Hải, H.Kiên Lương, Kiên Giang).

Gần gũi thiên nhiên

 

Không bằng ông nội của vợ, tướng cướp Tăng Phú Lộc, nhưng cháu rể Phạm Nguyên Đài cũng có lắm chuyện ly kỳ. Ông Đài kể ông quê gốc Hà Nam, đi bộ đội vào Nam. Năm 1976, ông phục viên, chuyển sang làm quản lý thị trường, thuế vụ ở một huyện thuộc tỉnh Hậu Giang (cũ). Lúc bấy giờ là thời bao cấp, đang thực hiện ráo riết chính sách “ngăn sông cấm chợ”. Một lần thấy bà con ở Bến Tre bị bắt tại trạm khi lặn lội qua Hậu Giang mua ít gạo về chống đói, ông Đài thương cảm thả tuốt, nên mất việc. Ông về Kiên Giang, gặp bà Tuyết Mai và cùng bà làm “chủ hòn” cho tới ngày nay.    

Ba Hòn Đầm cách đất liền khoảng 20 km, gồm các hòn: Đầm Đước, Đầm Dương và Đầm Giếng, nằm theo hình tam giác trong vịnh Hà Tiên. Theo người dân trên đảo, có tên gọi Ba Hòn Đầm vì từ thời Pháp thuộc, các sĩ quan cao cấp người Pháp thường dùng máy bay chở vợ con ra đây để thưởng thức cảnh sắc hoang sơ và an bình.

Người dân xã Sơn Hải thường gọi hòn Đầm Đước là đầm Ông Mực, theo tên ông Phạm Văn Mực, chủ hòn sau năm 1975. Sở dĩ có tên gọi hòn Đầm Đước vì mấy đầm nước trên hòn có nhiều cây đước, nơi khách du lịch xăn quần tìm bắt hải sản phục vụ bữa tiệc dã ngoại của mình. Hòn Đầm Đước rộng 12 ha, là nơi được “du lịch hóa” tương đối bài bản ở đây.

Tuy nhiên, hòn Đầm Dương lại có bãi cát đẹp nhất Ba Hòn Đầm và còn rất hoang sơ. Từ hòn Đầm Đước phải lội bộ qua vụng biển dài gần 300 m mới đến được hòn Đầm Dương. Nước biển trong vụng trong xanh, có thể nhìn thấy đáy, chỉ khoảng xăm xắp gối, khi triều lên mới cao ngang bụng. Người lái tàu chở chúng tôi ra đây hướng dẫn cách băng qua vụng biển: “Cứ thấy chỗ nào trăng trắng thì bước qua”. Chỗ trăng trắng là phần đáy phủ cát cùng những hòn sỏi nhỏ. Nhưng du khách sẽ có trải nghiệm khác lạ khi phải lội qua những chỗ mọc đầy tảo biển, hay còn gọi là hẹ nước. Mỗi bước đi làm động nước, đám tảo biển dưới đáy quấn nhẹ vào chân tạo cảm giác vừa nhờn nhợn vừa thích thú. Qua được vụng biển, du khách thở phào vì không bị con nào... cắn.

Đảo cướp biển

Hiện chủ hòn Đầm Dương là bà Tăng Thị Tuyết Mai và chồng là ông Phạm Nguyên Đài. Ông Đài cho biết tổng diện tích của hòn là 60.000 m2, nhưng ông bà chỉ sở hữu khoảng 17.000 m2, phần còn lại thuộc về nhà nước. Trên phần đất của mình, ông Đài trồng nhãn, xoài, mít, dừa... đem từ đất liền ra.

Chúng tôi nhìn hoài nhưng chỉ thấy trên hòn Đầm Dương 1 cây dương trơ trọi. Nghe thắc mắc, ông Đài cười bảo: “Không biết lai lịch tên gọi hòn Đầm Dương nên tôi trồng 1 cây dương làm... kỷ niệm”. Nhờ trồng nhiều cây ăn trái, nên khu vực của ông Đài lúc nào cũng mát mẻ, tạo cảm giác “đảo vườn”.

Ông Đài cho biết thêm chúa đảo thời xa xưa của hòn Đầm Dương là một hải tặc thuộc băng cướp Cánh Buồm Đen, hoạt động ở vùng biển này những năm đầu thế kỷ 20. Toán cướp này chủ yếu đánh cướp những tàu buôn nước ngoài giàu có, chia của cải cho người nghèo. Theo ông Đài, một trong những tướng cướp của băng Cánh Buồm Đen là Tăng Phú Lộc, người đảo Hải Nam (Trung Quốc). Khi theo tàu cướp phá vùng vịnh Hà Tiên, thấy phong cảnh đẹp, ông Lộc bèn lên bờ khai phá một vùng đất rộng lớn, chiếm giữ 16 hòn đảo, trong đó có hòn Đầm Dương. Khi tướng cướp Tăng Phú Lộc qua đời đã giao cho 16 người con mỗi người 1 hòn đảo, hòn Đầm Heo được trao lại cho con trai Tăng Phú Láng. Sau này, con gái ông Láng là bà Tuyết Mai kế nghiệp cha quản lý hòn Đầm Dương. Hiện nay, ngôi mộ của tướng cướp Tăng Phú Lộc vẫn còn nằm trên hòn Đầm Giếng, muốn qua đó phải lội qua một vụng biển rộng trên trăm thước. Hòn Đầm Giếng có một giếng nước, phong cảnh còn hoang sơ, cũng là một điểm du lịch hấp dẫn thuộc Ba Hòn Đầm.

Ấn tượng Ba Hòn Đầm

Để đến hòn Đầm Dương phải lội qua vụng biển - Ảnh: Phương Kiều

Ấn tượng Ba Hòn Đầm

Nước trong vụng biển chỉ cao ngang gối - Ảnh: Phương Kiều

Phương Kiều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.