Triển lãm giới thiệu các tác phẩm điêu khắc gốm về đề tài linh thú của nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước. Với sự kết hợp những yếu tố tạo hình của hội họa, ngôn ngữ của điêu khắc trong sáng tạo kiểu dáng, sự kế thừa tinh hoa gốm Bát Tràng truyền thống với những tìm tòi, sáng tạo mới trong màu men, hình khối của tác giả đã tạo nên những tác phẩm gốm hiện đại, mang giá trị thẩm mỹ cao, chứa đựng thông điệp ý nghĩa về truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam qua hình tượng linh thú. Tiêu biểu có các tác phẩm như: Ngựa chầu, Cá rồng, Ngược dòng, Lân sư - đồng bản, Long ngư - đồng bản…
Nghệ nhân Trần Nam Tước tên thật là Trần Xuân Triều, sinh năm 1974 tại Thái Bình. Ông đến Bát Tràng (H.Gia Lâm, Hà Nội) từ năm 1996, làm thợ giúp việc. Tại đây, ông đã nghiên cứu, thể nghiệm sáng tạo với chất liệu gốm để tạo những tác phẩm có dấu ấn riêng.
Trần Nam Tước chia sẻ, ông đến với nghệ thuật gốm bằng sự thấm dần theo thời gian. Hơn 30 năm điền dã, tích lũy, nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là các hình tượng linh thú, ông mạnh dạn ra mắt bộ các tác phẩm linh thú thời nay của mình để công chúng thưởng lãm.
Ông quan niệm: "Nghệ sĩ là người làm sáng tạo bằng cái đầu. Tôi không làm vì cái đẹp, tôi không làm vì đúng - sai. Bởi cái đẹp thuộc về các bạn, đúng - sai thuộc về các nhà nghiên cứu, còn cái tôi làm để bạn nhìn thấy là văn hóa của dân tộc tôi", nghệ nhân Trần Nam Tước chia sẻ tại triển lãm.
Trên tinh thần văn hóa là sự tiếp biến, nghệ thuật là sự giao thoa, trụ vững trên văn hóa của dân tộc là điều mà ông hằng mong mỏi.
Theo ông Nguyễn Việt Hà, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm, làng nghề Bát Tràng đã trở thành một điểm đến yêu thích của du khách trong nước cũng như quốc tế. Hàng năm, có hơn 200.000 du khách đến thăm làng. Để Bát Tràng có di sản như ngày hôm nay, có công lao rất lớn của các thế hệ nghệ nhân.
"Mỗi nghệ nhân của làng Bát Tràng đều có những sản phẩm thể hiện được đặc trưng, phong cách của mình. Trong đó, nghệ nhân Trần Nam Tước là một người tiêu biểu. Thông qua những linh thú, nghệ nhân đã phát huy được những nét đẹp của văn hóa Việt để gửi đến những thế hệ đương đại, để họ hiểu rõ hơn về những nét đẹp truyền thống của làng nghề", ông Nguyễn Việt Hà cho biết thêm.
Cũng trong triển lãm, Phó ban đại diện làng Bát Tràng Phạm Văn Mai cho biết, người Việt cũng như nhiều nước phương Đông thờ phụng tứ linh. Tứ linh là 4 loài linh vật phổ biến trong nền văn hóa phương Đông, bao gồm: long - lân - quy - phụng, bắt nguồn từ 4 linh thần là Thanh Long, Huyền Vũ, Chu Tước và Bạch Hổ trong truyền thuyết Trung Hoa.
Hình ảnh tứ linh có mặt trong nền văn hóa của nhiều nước phương Đông, trong đó bao gồm cả Việt Nam. Riêng tại làng gốm Bát Tràng, có những nghệ nhân dùng xưởng gốm để tạo nên tứ linh.
Chia sẻ thêm, ông Phạm Văn Mai nói Trần Nam Tước tuy không phải là người Bát Tràng, nhưng 30 năm đến Bát Tràng, nhờ chọn đất Bát Tràng để lập nghiệp, cộng với tay nghề tài ba, Trần Nam Tước đã thành danh.
Cách đây vài năm, ông Trần Nam Tước đã được Chủ tịch nước vinh danh là nghệ nhân ưu tú. Mặc dù là người đi sau, song những sản phẩm của nghệ nhân Trần Nam Tước đã để lại dấu ấn cá nhân, tái hiện lại sự tinh hoa làng nghề. Chính vì vậy, mỗi tác phẩm của ông luôn được các chuyên gia đánh giá cao.
Triển lãm Linh thú thời nay sẽ mở cửa từ ngày 10 - 20.8, tại tầng 1, nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Q.Ba Đình, Hà Nội.
Bình luận (0)