Anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Nông trại Thiên Nông Bình Phước, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, cho rằng mọi người thường nghĩ chuyển đổi số là điều gì đó rất to tát, nhưng thực tế không phải như vậy.
TRĂN TRỞ VỀ NÔNG SẢN ĐỊA PHƯƠNG
Anh Hoàng xuất thân từ một gia đình nông dân ở Bình Phước. Từ nhỏ đã thấy sự lao động vất vả của người nông dân nhưng hiệu quả kinh tế thu được lại không cao, nên anh quyết tâm học tập, được vào học ở trường chuyên của tỉnh Bình Phước, sau đó anh đậu đại học với điểm số cao và được học bổng du học tại Pháp.
"Khi trải nghiệm tại Pháp, thấy thương hiệu nông sản của VN ở các nước châu Âu rất ít, từ đó càng thôi thúc bản thân mình nhiều hơn. Mình nghĩ thế hệ trẻ của chúng ta nếu không làm, không cống hiến thì làm sao nước ta sánh vai được với các cường quốc năm châu", anh Hoàng chia sẻ và cho biết khi đã học hỏi và tích góp được đầy đủ kinh nghiệm, anh quyết định trở về quê lập nghiệp. Anh xây dựng thương hiệu Bơ Ông Hoàng, và đang giúp người dân ở tỉnh xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.
Để làm được những điều đó, anh Hoàng đã ứng dụng công nghệ số vào quá trình canh tác. HTX của anh đang tiên phong xây dựng mã vùng trồng cho các loại cây ăn quả, số hóa từng cây, mỗi cây có một nhật ký điện tử và làm mô hình xuất khẩu chính ngạch vào thị trường các nước, xây dựng các sản phẩm OCOP nâng tầm nông sản Việt.
"HTX đã và đang áp dụng nhật ký số trong sản xuất cho bà con nông dân nhằm cải tiến quy trình sản xuất, tối ưu hóa các nguồn lực, cam kết sản phẩm sạch và xanh, bảo vệ người tiêu dùng, an toàn cho người lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững", anh Hoàng chia sẻ.
Bên cạnh đó, anh Hoàng cũng cho biết người tiêu dùng khi mua sản phẩm thì thông qua mã QR sẽ biết được ngày nào tưới nước, bón phân, thu hoạch thế nào và quá trình vận chuyển ra sao… Từ đó khách hàng có thông tin minh bạch, truy xuất nguồn gốc đến từng trái bơ, từng loại nông sản của HTX. Anh còn sử dụng IoT (internet vạn vật) để tưới tiêu tự động, dựa trên những cảm biến đo về độ ẩm, nhiệt độ, độ pH, ánh sáng... nhằm cung cấp lượng nước và lượng phân phù hợp đến từng gốc cây.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NÔNG NGHIỆP ?
Khi đã làm được quá trình số hóa trong nông nghiệp, anh Hoàng phối hợp cùng Tỉnh đoàn Bình Phước để chuyển giao công nghệ, đặc biệt là nhật ký điện tử, cho nhiều thanh niên khởi nghiệp của tỉnh nhà, cũng như người dân địa phương. Trong thời gian tới, anh sẽ kết hợp làm dự án tận dụng những phụ phẩm từ quả điều để làm rượu vang, phân bón, thuốc sinh học… Anh cũng thường tổ chức nhiều diễn đàn tại các trường đại học để truyền lửa, cũng như chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các thành viên trong mạng lưới Lương Định Của toàn quốc đến với sinh viên.
Có được thành công ngày hôm nay, anh Hoàng đã phải đối diện với nhiều khó khăn. Anh kể: "Mình đã học hỏi được kinh nghiệm quản lý dự án của các tập đoàn đa quốc gia trong lúc còn ở Pháp, nhưng thực tế việc quản lý trang trại thì hơi khác, đặc biệt là quản lý lao động phổ thông địa phương và những người dân tộc thiểu số. Mình cần hiểu được họ, hiểu được văn hóa bản địa để cùng giúp nhau thành công".
Để làm được điều đó, anh Hoàng cho biết đã áp dụng các sáng kiến như tạo ra những mô hình sinh kế bền vững: "Mình hỗ trợ người dân đầu tư chuồng trại với 50% kinh phí để nuôi bò, dê; người dân sẽ góp 50% còn lại. Từ đó sẽ tạo nên nguồn sinh kế bền vững, người dân có thêm thu nhập từ việc nuôi bò, nuôi dê, còn mình thì có nguồn phân ủ để bón cho trang trại, từ đó tạo thành nền kinh tế tuần hoàn".
Đến thời điểm hiện tại, Nông trại Thiên Nông của anh Hoàng đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, đồng thời tạo ra nguồn sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc S'tiêng và Khmer thông qua hình thức góp vốn trong chăn nuôi với mục tiêu đôi bên cùng có lợi và phát triển trang trại với quy trình sản xuất khép kín.
Dù phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng anh Hoàng khẳng định: "Phải có thất bại và khó khăn để rèn luyện bản lĩnh, từ đó mới có được những thành công bền vững. Và từ những thành công đó mới có thể đóng góp được nhiều hơn cho xã hội".
Với những người trẻ mang quyết tâm số hóa nền nông nghiệp VN như anh Hoàng, họ luôn nhìn nhận rằng những mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị là thực trạng nhức nhối của nền nông nghiệp. Vì vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cốt lõi cho tương lai của nền nông nghiệp nước nhà.
"Chuyển đổi số giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa sản xuất, tối đa hóa về mặt lợi nhuận, đẩy mạnh kết nối cung - cầu và minh bạch hóa thông tin về sản phẩm của mình, cũng như nâng cao được chất lượng nông sản của VN trên bản đồ thế giới", anh Hoàng khẳng định.
Vậy chuyển đổi số trong nông nghiệp có khó không? Theo anh Hoàng, khi nhắc đến chuyển đổi số thì mọi người nghĩ đó là điều rất to tát, nhưng thật ra hãy làm từ những điều gần gũi hằng ngày, như để biết được độ ẩm, độ pH, hay đất này có phù hợp với cây trồng không… thì chúng ta phải dùng công nghệ, thiết bị đo, từ đó có thể canh tác một cách hài hòa, thân thiện với thiên nhiên. Song song đó, chúng ta có nhật ký canh tác điện tử để tạo ra sự minh bạch về nguồn gốc của sản phẩm.
"Chúng ta chỉ cần làm những điều gần gũi với việc canh tác như trên thì đã là một cách chuyển đổi số và tư duy sáng tạo trong ngành nông nghiệp rồi. Chúng ta hãy đi từng bước, và đi từ những điều đơn giản trước, như muốn học lên lớp 12 hay đại học thì phải học từ tiểu học lên", anh Hoàng nhìn nhận.
Bình luận (0)