Triển lãm Những mảnh vụn giới thiệu gần 40 bức tranh và nhiều sản phẩm thủ công ứng dụng cùng các hoạt động trình diễn và trải nghiệm tương tác phục vụ khách tham quan, với mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp về nghị lực sống, vượt khó, vươn lên của những người khuyết tật.
Chia sẻ về triển lãm, anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art, cho biết triển lãm lần này của Vụn Art trưng bày những bức tranh ghép vải là một loại hình nghệ thuật mới, đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn trọng, con mắt nghệ thuật tinh tế và khả năng phối hợp ngẫu hứng với những mảnh lụa nhiều màu sắc.
Các bức tranh trưng bày được chuyển thể từ nhiều thể loại: tranh dân gian Việt Nam (tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ…), tranh đồng quê, tranh danh lam thắng cảnh Việt Nam và thế giới, chân dung danh nhân và tranh của các họa sĩ nổi tiếng. Những mảnh vụn lụa qua tay người thợ Vụn Art như được thổi hồn, trở nên sống động, khiến những bức tranh độc bản trở thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.
Anh Lê Việt Cường cho biết thêm: "Hợp tác xã Vụn Art hiện đang có 32 thành viên là người khuyết tật, nhưng làm việc chính thức thì có 28 người. Chúng tôi không đặt ra tiêu chí với những người làm việc tại đây, chỉ cần họ có niềm tin, phát huy hết khả năng trong công việc để làm ra những sản phẩm được mọi người chấp nhận thì đó đã là một điều tuyệt vời rồi.
Hiện tại, mỗi lao động ở đây đều được nhận lương hàng tháng từ 5 - 8 triệu đồng tùy vào năng lực của từng người. Doanh thu mà tôi cố gắng mang về cho Hợp tác xã Vụn Art hàng tháng khoảng 150 - 200 triệu đồng".
"Mỗi người khuyết tật giống như một mảnh vụn nhỏ và riêng biệt, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng và xã hội, họ đã trở thành một mảnh vải lớn mà trên đó có thể tự vẽ được ước mơ của chính mình. Từ những mảnh vải lụa không thể sử dụng để may quần áo của làng nghề Vạn Phúc (P.Vạn Phúc, Q.Hà Đông, Hà Nội) tưởng chừng sẽ bị bỏ đi, nhưng đã trở thành nguồn tài nguyên quý giá để những người thợ thủ công đặc biệt của Vụn Art sáng tạo", Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art nói.
Chia sẻ với Thanh Niên, em Lê Nguyễn Thùy An (23 tuổi, quê Nghệ An), thành viên của Hợp tác xã Vụn Art, chia sẻ: "Cách đây 4 năm, em tình cờ biết đến Hợp tác xã Vụn Art qua một người quen, em ra Hà Nội và bắt đầu làm công việc tại Vụn Art.
Em bị tật nguyền do một trận sốt cao ngày bé dẫn đến giao tiếp khó khăn, nhưng nhờ sự giúp đỡ của các thành viên trong hợp tác xã, đặc biệt là của anh Lê Việt Cường mà em đã tự tin để hòa nhập cộng đồng. Anh Cường trả tiền thuê nhà cho em và các bạn trong hợp tác xã. Mỗi tháng, thu nhập của em khoảng 5 triệu đồng".
Các sản phẩm An làm bao gồm ví, túi xách bằng vải, tranh thêu tay... Thời gian hoàn thiện một sản phẩm thông thường từ 2 - 3 ngày, phụ thuộc vào độ khó của từng sản phẩm. "Chúng em luôn cố gắng để mỗi thiết kế ra đời sẽ đáp ứng được trọn vẹn các tiêu chí như tính thẩm mỹ, độ tinh xảo và chi tiết. Từ khi trở thành thành viên của Vụn Art, em vừa có thu nhập, vừa tìm thấy niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống", An tâm sự.
Được biết, câu chuyện về Hợp tác xã Vụn Art cũng từng được kể trong một bài viết dự cuộc thi "Hà Nội thành phố tôi yêu" do Báo Thanh Niên tổ chức.
Đến với triển lãm Những mảnh vụn, khách tham quan sẽ được tự tay trải nghiệm làm tranh, được ngắm nhìn những sản phẩm thủ công đẹp mắt, được nghe những câu chuyện truyền cảm hứng và được gặp những con người vượt lên nghịch cảnh.
Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu những dòng sản phẩm ứng dụng đáp ứng nhu cầu thị trường như túi vải, ví vải, áo phông và các đồ dùng hàng ngày… Tác giả của các tác phẩm nghệ thuật, các sản phẩm ứng dụng này đều là những người thợ khuyết tật của Hợp tác xã Vụn Art.
Triển lãm kéo dài từ ngày 18.4 đến tháng 10. Trong thời gian đó sẽ có những buổi workshop trải nghiệm làm tranh, làm quà lưu niệm bằng vải lụa vụn vào dịp cuối tuần.
Bình luận (0)