Lúc 3 giờ 30 sáng một ngày cuối tháng 3, Võ Nguyên Xuân Nhi, học sinh (HS) lớp 12P1 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), tranh thủ dậy sớm, vệ sinh cá nhân để cùng bạn đến một tiệm trang điểm lúc 4 giờ. Ba tiếng sau đó, nhóm nữ sinh có mặt tại trường, cùng các bạn khác chuẩn bị cho buổi chụp hình kỷ yếu kéo dài cả ngày, với tổng chi phí lên đến 16,5 triệu đồng.
NHỮNG BỘ KỶ YẾU TỪ CHỤC TRIỆU ĐẾN HƠN TRĂM TRIỆU ĐỒNG
Nhi kể việc chụp ảnh kỷ yếu đã được cả lớp thống nhất, bàn bạc từ đầu năm lớp 12, từ chụp concept nào (phong cách bộ ảnh, gồm địa điểm, trang phục, phụ kiện... - PV), đến đơn vị thuê chụp và chi phí. Đầu tháng 3, lớp mới "chốt" chụp 2 concept thanh xuân và trưởng thành, lần lượt tại trường em đang theo học và ở Bảo tàng TP.HCM với mức phí 500.000 đồng/bạn, trong đó có ảnh tập thể và ảnh cá nhân.
Theo Nhi, mức phí trên gồm công chụp hình cho 2 thợ ảnh chính và 1 thợ ảnh phụ; thiết kế ảnh; thuê trang phục. "Tiệm ảnh gửi hình sau 10 ngày. Tiếp đó, lớp sẽ đánh giá, phản hồi lại những mong muốn chỉnh sửa và nhận thành phẩm cuối cùng sau khoảng 5 ngày", nữ sinh thông tin và cho biết thêm lớp cũng chủ động san sẻ chi phí cho các bạn chưa đủ khả năng tài chính.
"Với chúng em, chụp ảnh kỷ yếu là hoạt động không thể thiếu, không chỉ để ghi lại kỷ niệm mà còn thể hiện cho thầy cô, phụ huynh (PH) biết được cá tính của mình. Như ở concept thanh xuân, chúng em không "diễn" mà thoải mái tái hiện lại những ngày tháng từng học ở trường. Còn ở concept trưởng thành, mỗi thành viên trong lớp đều diện đầm hoặc âu phục với hy vọng sẽ cùng thành công trong tương lai", Nhi bộc bạch.
"Lớp em không phải là trường hợp hiếm hoi vì có nhiều lớp khác cũng đang chụp ảnh kỷ yếu với những concept khác nhau, chẳng hạn như mặc áo dài truyền thống", nữ sinh nói thêm.
Ảnh kỷ yếu của học sinh cuối cấp hiện nay
NVCC
Chia sẻ về thị trường chụp ảnh kỷ yếu hiện nay, chị Trần Thanh Hiền, đại diện truyền thông Dream Studio (Hà Nội), cho biết đang có nhiều thay đổi đáng chú ý. Một trong số đó là thị hiếu, khi HS đang chuộng lưu lại khoảnh khắc đời thường của lứa tuổi học trò thay vì chọn các concept đa dạng, cầu kỳ như bàn tiệc, cổ phục, dạ hội, hóa trang... như trước năm 2021.
"Bộ ảnh kỷ yếu ở tiệm dao động từ 400.000 - 700.000 đồng/HS tùy địa điểm, phong cách chụp. Còn trung bình trên thị trường, để có bộ ảnh kỷ yếu "đủ dùng", mức phí rơi vào khoảng 20 - 50 triệu đồng cho cả lớp, gồm các khoản như thuê nhiếp ảnh gia, trang phục, đạo cụ, địa điểm chụp, các dịch vụ hậu cần liên quan", chị Hiền chia sẻ.
Theo chị Hiền, cao điểm chụp ảnh kỷ yếu thường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5. Tính đến hiện tại, các "đơn hàng" chi phí cao tiệm nhận được có giá trị từ 50 - 70 triệu đồng, chủ yếu từ các lớp học ở xa như Đồng Nai, Đà Lạt, TP.HCM.
"Trên thị trường còn có những bộ ảnh với chi phí hơn trăm triệu đồng, song khá hiếm. Thông thường, mức chi phí cao thường rơi vào các lớp chọn kết hợp vừa đi du lịch cuối cấp vừa chụp ảnh kỷ yếu", chị Hiền lý giải thêm.
CHUẨN BỊ RA TRƯỜNG TỪ... ĐẦU NĂM HỌC
Một điểm nhấn khác tại nhiều trường THPT trên cả nước là chương trình tri ân và trưởng thành cho HS cuối cấp do chính các bạn lên ý tưởng và tổ chức, kéo dài xuyên suốt cả năm chứ không chỉ diễn ra trong ngày tốt nghiệp. Hoạt động thường diễn ra ở một số trường THPT lớn như chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội), chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM)...
Hoàng Thị Yến, HS lớp 12A Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trưởng ban tổ chức Chương trình truyền thống khối 12 của trường, cho biết em và các bạn đã lên kế hoạch hoạt động từ hè 2023. Sự kiện có sự tham gia của gần 100 HS các khối với nhiều chuyên môn khác nhau, phân thành 5 ban hoạt động là chương trình, truyền thông, thiết kế kỹ thuật, hành chính hậu cần và văn nghệ.
Theo Yến, mỗi ban sẽ đảm nhận một công việc khác nhau, thường họp sau giờ học hay cuối tuần để lên ý tưởng và tìm cách thực hiện. Như ở ban chương trình, các bạn chịu trách nhiệm "đắp nền" cho các sự kiện trong năm học, từ tiếp sức mùa thi, triển lãm đến đồng diễn flashmob. Còn ở ban truyền thông, HS phụ trách quảng bá chương trình, ghi lại kỷ niệm tuổi học trò trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube và TikTok, thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi.
Một điểm nhấn khác, theo Yến, là chương trình "tự cung tự cấp" về tài chính, nhà trường chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giám sát. Để làm được điều này, nhóm HS tự thiết kế, sản xuất các vật phẩm mang dấu ấn của trường và bán hàng gây quỹ. "Còn với đạo cụ dùng trong buổi đồng diễn, các bạn lớp 12 sẽ cùng nhau chi trả", Yến chia sẻ.
"Trong quá trình làm việc, đương nhiên chúng em cũng đối diện với các thử thách khiến mình nản lòng, "mất lửa". Tuy nhiên, chúng em luôn tâm niệm với nhau, "Hãy là người cuối cùng bỏ cuộc" và đồng lòng mang đến một lễ ra trường đáng nhớ. Đây là động lực, là "phần thưởng" lớn nhất giúp chúng em quyết trụ lại đến cuối cùng", Yến trải lòng về chương trình có truyền thống 16 năm hoạt động.
Trần Lê Quang Minh, HS lớp 12A4 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Trưởng ban tổ chức Chương trình tri ân và trưởng thành của trường, cũng bắt đầu chuẩn bị từ tháng 8.2023. Tương tự Yến, chương trình của Minh gồm nhiều hoạt động như workshop nặn tò he, phát hành boardgame lấy cảm hứng từ những kỷ niệm tuổi học trò và sau cùng là lễ tri ân và trưởng thành diễn ra trong ngày tổng kết năm học.
"Đến nay, chương trình của chúng em đã tổ chức được 7 kỳ. Không chỉ tiếp nối các hoạt động truyền thống, năm nay chúng em còn có nhiều cải tiến mới giúp chương trình thêm ý nghĩa, như tặng khung ảnh chụp lại khoảnh khắc giáo viên có mặt cùng tập thể lớp để thầy cô có thể lưu giữ lâu dài thay vì tặng hoa, hay chiếu phim ngắn tổng hợp khoảnh khắc đáng nhớ của các lớp trong đêm trưởng thành", nam sinh kể.
Để tổ chức sự kiện thành công, Minh cùng 112 bạn khác đã chia nhau làm việc ở 3 mảng chính là chương trình, truyền thông, văn nghệ. Trong đó, 40/113 bạn là HS lớp 12 nhưng hoạt động xuyên suốt cả năm học. "Động lực chính để các bạn chọn cống hiến dù đã ở năm cuối cấp không chỉ nằm ở niềm vui, sự chăm sóc lẫn nhau mà còn là tinh thần "đáp đền tiếp nối", cho đi để nhận về nhiều hơn", Minh chia sẻ.
Cũng theo nam sinh, khi tham gia tổ chức chương trình, em và các bạn được cọ xát với đa dạng hoạt động, từ đó bước khỏi "vùng an toàn". Như khi sản xuất boardgame, nhóm HS phải thiết kế cách chơi thông qua bản đồ, thẻ chức năng, vật phẩm, hay lập kế hoạch phát hành, kinh doanh. "Cơ hội thử sức ở những lĩnh vực mới cũng giúp chúng em làm quen trước với ngành nghề mình dự định theo đuổi trong tương lai", Minh nói.
"Tham gia chương trình trong vai trò chịu trách nhiệm chính khi đã ở lớp 12, thời gian đầu em cũng lo lắng lắm vì không biết mình có cân bằng được công việc với hành trình vào ĐH của bản thân hay không. Thế nên, có những khoảng thời gian em tạm nghỉ ngơi, sau đó xốc lại tinh thần để đi đến cùng", Minh tâm sự và cho biết thêm em đã trúng tuyển sớm ngành truyền thông ở một trường ĐH tại TP.HCM.
Lưu bút không cần "bút"
Là hoạt động nổi lên từ thời điểm giãn cách xã hội vì Covid-19, đến nay, lưu bút online đã trở thành hình thức ghi lại kỷ niệm tuổi học trò được nhiều bạn trẻ sử dụng. "Lý do lớn nhất là nhờ mạng xã hội, chúng em giờ đây không chỉ kết bạn chung trường mà còn được gặp mặt những người bạn ở các tỉnh, thành khác qua các dự án, hoạt động xã hội. Những người bạn ấy cũng chính là một phần thanh xuân mà em muốn lưu lại trong ngày tốt nghiệp", Huỳnh Minh Anh, HS một trường THPT tại Q.5 (TP.HCM), lý giải.
Bình luận (0)