Ăn uống giải nhiệt mùa nắng nóng: Cháo lươn đậu xanh bồi bổ khí huyết

26/04/2023 04:00 GMT+7

Cháo lươn đậu xanh là món ăn ngon, dễ chế biến, có tác dụng thanh nhiệt giải độc ngày nắng nóng, bồi bổ cơ thể.

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Đàn, Phó trưởng Khoa Y học cổ truyền - Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, cháo lươn đậu xanh là món ăn ngon, giúp giải nhiệt mùa nắng nóng. Thịt lươn có vị ngọt tính ôn, bổ khí dưỡng huyết, ích khí kiện tỵ, có tác dụng bồi bổ cơ thể, thanh nhiệt giảm đau nhức xương khớp.

>>> Ăn uống giải nhiệt mùa nắng nóng: Rau má giải độc, mát gan

Đậu xanh còn được gọi là lục đậu, có vị ngọt, có tác dụng giải trừ độc, thanh nhiệt. Khi nấu chúng ta nên để nguyên vỏ giúp tăng lượng chất xơ, chống oxy hoá, tốt cho tim mạch, hỗ trợ các tình trạng rối loạn chuyển hoá. Theo y học cổ truyền, đậu xanh là một vị thuốc có vai trò làm mát cơ thể rất hiệu quả.

Ăn uống giải nhiệt mùa nắng: Cháo lươn đậu xanh bồi bổ khí huyết - Ảnh 1.

Đậu xanh có tính mát, giàu chất xơ

SHUTTERSTOCK

Theo bác sĩ Đàn để lựa chọn được lươn đồng có thể chú ý phần thân dưới lươn có màu vàng, màu trên nâu sẫm. Để khử mùi tanh, có thể sử dụng muối để làm sạch nhớt, sau đó dùng nước nóng rửa qua. Sau khi luộc gỡ thịt lươn khi còn nóng để giữ thớ lươn còn nguyên. Xào lươn để thịt săn lại, thấm với nghệ vừa giúp giảm tanh, tăng vị ngon, giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu.

Theo thạc sĩ Đàn khi nấu cháo lươn nên rang sơ qua gạo giúp ôn ấm vào tỳ vị. Ngoài ra nên bổ sung nấm rơm tăng chất xơ, đạm thực vật giúp nhuận trường. Nấm rơm cũng chứa nhiều vitamin A, B, C và các chất chống oxy hoá giúp thanh nhiệt, tốt cho tiêu hoá.

Nghệ tươi cũng là gia vị không thể thiếu trong món ăn này, giúp khí huyết lưu thông. Curcumin trong nghệ giúp điều mỡ máu, giảm đau trong thoái hoá khớp.

Ăn uống giải nhiệt mùa nắng: Cháo lươn đậu xanh bồi bổ khí huyết - Ảnh 2.

Cháo lươn đậu xanh có tác dụng thanh nhiệt ngày nắng, bồi bổ cơ thể

LÊ CẦM

Bác sĩ Đàn lưu ý để có món cháo lươn ngon nên xào lươn trước với nghệ tươi và hành cho săn và thấm gia vị, sau đó dùng xương và đầu lươn để nấu nước dùng khi nấu cháo. Việc xào lươn với nghệ tạo ra các tác dụng vật lý giúp các thành phần trong nghệ thấm vào lươn, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng. Sau khi múc cháo ra tô cho hành ngò, tiêu xay. Theo y học cổ truyền, các món ăn nên có đủ 5 màu của ngũ hành.

"Món cháo lươn đậu xanh có màu đen của tiêu, màu xanh của hành ngò, màu trắng của cháo, màu vàng của lươn và đậu xanh, màu đỏ sẫm của nghệ, vừa đảm bảo dinh dưỡng theo y học hiện đại, vừa giúp bồi bổ, thanh nhiệt theo y học cổ truyền, tốt cho xương khớp, phù hợp với nhiều lứa tuổi, đặc biệt là người già và cả trẻ nhỏ", thạc sĩ Đàn chia sẻ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.