Có rất nhiều thói quen, “sở thích riêng” và cả tính bừa bãi trong ăn uống, chế biến món ăn gây mất vệ sinh, còn khiến người khác... khó chịu.
Ảnh: tuyết khoa
|
“Ăn uống trên một bãi rác”
Cảnh tượng giấy vệ sinh, xương vung vãi trên sàn nhà, nền đất là chuyện rất thường thấy ở các quán ăn tại Huế, khiến nhiều thực khách, đặc biệt là khách du lịch phải lắc đầu.
Có lần chúng tôi dẫn một người bạn từ nước ngoài về Huế đi ăn đặc sản bún bò. Đến 4 quán nhưng người bạn ấy đều quay ra và cuối cùng người bạn chịu dừng lại ở quán thứ 5 (mặc dù là quán nhỏ và vắng khách hơn các quán khác). Lý do bỏ các quán kia đi, là vì “không thể ngồi ăn uống trên một bãi rác (ý nói giấy, xương vứt tùm lum - PV), cho dù món ăn có ngon đến mấy!”.
|
Đến Huế du lịch, chị Hoàng Vy (TP.HCM) bày tỏ thẳng thắn: “Bước vào những quán ăn, quán bún nổi tiếng chuyên phục vụ khách du lịch mà mình không dám nhìn xuống phía dưới vì giấy vứt đầy xuống sàn trắng xóa cùng xương vứt tứ tung, chó cứ quấn dưới chân, thấy mất vệ sinh quá!”.
Mặc dù các quán ăn có sọt rác nhưng vì thói quen nên đa phần thực khách vẫn thản nhiên xả trên sàn, còn sọt rác thì trống trơn.
“Quán ăn phải có sọt rác đúng quy định, đây là một trong những điều kiện an toàn thực phẩm của cửa hàng ăn. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở nhưng tình trạng thực khách không bỏ rác vào thùng mà vứt vung vãi trên bàn và sàn nhà quả là thói quen mất vệ sinh khó bỏ”, ông Nguyễn Ngọc Diễn, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thừa Thiên-Huế nói.
Thớt cáu đen, rau đặt sát cửa nhà vệ sinh
7 giờ sáng, quán phở trên đường Núi Thành (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) đã đầy khách. Ông bà chủ quán mồ hôi nhễ nhại vừa băm thịt, vừa thái rau, hành trên chiếc thớt đầy cáu đen. Rút đôi đũa ra khỏi ống tại quán, một thực khách hét toáng lên khiến mọi người dừng đũa bởi chiếc ống đựng đũa được lật lên với lớp cáu đen dày dưới đáy. Những chiếc muỗng thì mỡ bám đầy trong khe, nhầy nhầy. “Thấy là hết muốn ăn”, anh Thông (TP.Đà Nẵng) buông đũa nói. Một khách khác nhìn tấm giấy Chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm dán trên tường của quán cho rằng: “Bây giờ quán nào cũng thấy có giấy chứng nhận, không biết những người cấp giấy đã từng đến ăn ở những hàng quán như thế này hay chưa?”.
Tại Quảng Bình, khảo sát một vòng các quán cơm bụi và quán bình dân trên địa bàn TP.Đồng Hới, chúng tôi ghi nhận có điểm chung là khu vực chế biến, nấu nướng, rau đã rửa để ngay cửa nhà vệ sinh, khi thì vứt bừa bộn dưới nền nhà. Trong khi đó, các quán nhậu vỉa hè ở khu đô thị mới trên đường Trần Hưng Đạo (P.Nam Lý) và ở các bãi biển càng tệ hơn khi chủ quán chỉ chở một vài thùng nước nhưng dùng rửa ly, chén cho khách từ chiều đến khuya.
Nướng thịt ngay bãi rác - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Nhúng đũa vào nồi lẩu
Một status mới đây trên Facebook nói về việc “nói không” với chuyện nhúng chung đũa vào nồi lẩu; gắp thức ăn bỏ vào chén người khác... đã nhận được chia sẻ của rất nhiều người, bàn tán sôi nổi. Đọc những bình luận kèm theo, mới thấy lâu nay nhiều người phải “chịu đựng” như thế nào về chuyện này: “Sợ nhất là nhúng đũa ăn của mình vào nồi lẩu, dù ngon kiểu nào cũng sẽ khiến người khác hết muốn ăn”; “nhiều người cứ vô tư dùng đũa của mình gắp món ăn cho người khác, việc này không hợp vệ sinh, chưa nói có khi người nhận không thích ăn món đó”; “người gắp cứ nghĩ đó là tình cảm, còn người được gắp cho thì cảm thấy khó chịu. Nên bỏ thói quen quá nhiệt tình gắp thức ăn vào chén người khác đi!”...
Kiểu khua đũa riêng thiếu... ý tứ, thậm chí có người dùng đũa của mình để rưới nước mắm lên dĩa tôm trộn, bộc lộ thói quen và tâm lý xuề xòa khi ngồi chung mâm. Nhiều người kỹ tính, nhất là phụ nữ, cho hay họ cảm thấy “ớn ớn” hoặc cảm giác mất ngon miệng trong bữa ăn khi nhìn thấy cảnh đó; có trường hợp phải lén đổ thức ăn vừa được thực khách ngồi cạnh gắp cho…
|
Ở nhiều cuộc vui, tiệc tùng, cả nhóm dùng chung một ly uống bia (hoặc rượu) lần lượt chuyền nhau để gọi là “tình thương mến thương”, nhưng đây có thể là cơ hội tốt cho các bệnh truyền nhiễm lây lan.
Đổ bệnh
Theo bác sĩ (BS) Trần Ngọc Lưu Phương (Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM), thói quen rất thường thấy của người Việt là dùng muỗng, đũa cá nhân nhúng vào nồi lẩu, tô canh, chén nước chấm chung… Đây là nguyên nhân “ngầm” làm lây lan các bệnh như bệnh đường tiêu hóa, lây vi trùng gây viêm dạ dày, thậm chí lây viêm phổi, lao... “Thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh còn gây bệnh viêm mũi, viêm phổi, viêm xoang. Nhiều người tưởng đây là những bệnh chỉ lây qua đường hô hấp nên chủ quan mà không biết rằng nó còn lây truyền qua đường ăn uống mất vệ sinh”, BS Phương cho biết. Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, viêm gan C, HIV có thể lây qua thói quen ăn uống dùng chung muỗng, ly nếu như đang bị lở miệng chảy máu.
Thậm chí, theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Có rất nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, tiếp xúc gần, qua các hạt nước bọt từ người khác, như cúm, sởi. Do đó, nếu việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh, hay có thói quen dùng chung vật dụng trong ăn uống (uống bia, rượu chung ly tách), sinh hoạt sẽ dễ dẫn đến lây lan một số bệnh như cúm, tay chân miệng…
Trong khi đó, BS Nguyễn Hoàng Phú (Trưởng khoa nhiễm Việt - Anh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) lưu ý về thói quen thường gặp khác đó là dùng các món ăn trực tiếp bằng tay mà không vệ sinh bàn tay trước khi ăn. “Đa số thực khách khi đến quán là ngồi ngay vào bàn, gọi món và ăn mà không quan tâm đến việc rửa tay trước. Thói quen này rất không vệ sinh và có nguy cơ gây bệnh, nhất là những bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, vì bàn tay là nơi chứa rất nhiều mầm bệnh, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể thông qua việc chạm tay vào thức ăn”, BS Phú nói.
Vị BS này cũng cảnh báo, gần đây có nhiều bình trà đá miễn phí đặt bên đường, điều này là tốt nhưng nếu dùng chung một cái ly để uống là không đảm bảo vệ sinh vì dễ làm lây các bệnh truyền nhiễm.
Đũa 2 đầu
Trong cuốn khảo cứu Người Việt cao quý, nhà văn Vũ Hạnh đã kể rằng: Gia đình ông (ở H.Thăng Bình, Quảng Nam) đã áp dụng kiểu ăn đũa hai đầu từ trước năm 1945. Đôi đũa vốn còn một đầu không sử dụng tới, nên ông thử áp dụng và chỉ cần thao tác mươi lần là thành thạo. “Đến năm 1946, lúc Hồ Chủ tịch phát động Đời sống mới, tôi đã vót hai chiếc đũa khá to và dài để đi nói chuyện khắp nơi... Bấy giờ đa số đã hưởng ứng. Các bạn thanh niên lần lượt nhập ngũ, đi về các nơi, và đũa trở đầu có lúc đã được áp dụng gần như trong toàn quốc. Theo lời một vài cán bộ cấp cao kể lại, Bác Hồ có lúc cũng khuyên cán bộ, bộ đội ăn đũa hai đầu”, ông viết. Tuy nhiên, sau nửa thế kỷ, nhà văn Vũ Hạnh cho rằng có lẽ chỉ có... mỗi mình ông còn dùng đũa 2 đầu, và bảo rằng “ra với thiên hạ, nếu chỉ riêng mình ăn lối hai đầu sẽ khiến người ta cảm thấy khó chịu”. Mới thấy, duy trì một thói quen ăn uống vệ sinh chung đã khó, việc từ bỏ thói quen ăn uống mất vệ sinh lại càng khó.
H.X.H
|
Bình luận (0)