Ưu tiên thực phẩm tươi, sạch
Theo bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, đối với rau củ quả, chúng ta nên bảo quản ở nơi thoáng mát hoặc ngăn chứa rau củ của tủ lạnh để giữ cho thực phẩm được tươi ngon. Trước khi sử dụng phải rửa sạch rau củ quả dưới vòi nước chảy để loại bỏ các chất bẩn. Đối với thực phẩm khác như thịt, cá, hải sản… từ động vật phải sử dụng khi còn mới hoặc trữ ở ngăn đông - ngăn đông mềm.
Bổ sung đủ lượng nước trong ngày
Việc uống nước rất quan trọng. Thông thường, mỗi người lớn nên duy trì uống 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày. Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay thì việc bổ sung nước lại càng quan trọng hơn. Nhất là những người phải thường xuyên ở ngoài trời, việc bổ sung nước phải được chú trọng hơn vì mất nước do tình trạng thoát mồ hôi nhiều khiến cơ thể mệt mỏi, choáng, khó thở...
Theo các chuyên gia, nên uống nước rải đều trong ngày, mỗi lần uống một lượng vừa phải (khoảng 150 - 250 ml), uống từng chút một, không uống quá nhiều nước trong một thời điểm. Không nên đợi khát mới uống.
Bổ sung vitamin và khoáng chất
Rau củ quả và các thức ăn dễ tiêu hóa sẽ là lựa chọn tối ưu cho mùa nắng nóng. Tuy nhiên, vẫn cần giữ một chế độ dinh dưỡng phù hợp và đầy đủ các chất để duy trì hoạt động cho cơ thể.
Bổ sung đầy đủ chất xơ, vitamin C, A, canxi, vitamin nhóm B, sắt… trong các loại rau củ quả như cam, chanh, rau dền, cà rốt, khoai tây, táo… Các loại trái cây ngọt, có tính nóng như xoài chín, mít, sầu riêng, vải, nhãn… cần được hạn chế.
Bổ sung tinh bột đa dạng như gạo, bún, bánh mì… tùy vào công việc của mỗi người mà có thể điều chỉnh lượng tinh bột trong ngày cho phù hợp. Đối với người ăn kiêng, có thể sử dụng 1 chén cơm mỗi ngày hoặc thay thế bằng bún để giảm được lượng tinh bột.
Bổ sung đạm từ động thực vật như thịt heo, thịt bò, thịt gà, trứng, các loại nấm… nhằm duy trì hoạt động cho cơ thể.
Nên chế biến món ăn bằng cách luộc hoặc nấu canh, xào… hạn chế thức ăn chiên nướng để giảm bớt lượng chất béo không cần thiết.
Bình luận (0)