Nhờ đó, họ vừa tự cung tự cấp cho mình vừa có nguồn rau sạch san sẻ cho hàng xóm trong lúc khó khăn, lại có không gian xanh cho cả gia đình an yên vượt qua đại dịch…
Xóa căng thẳng bằng việc làm vườn
Có bệnh nền về hô hấp nên thời gian đầu khi dịch bệnh bùng phát, Trương Thị Mỹ Trân (24 tuổi, ngụ hẻm 71 đường Lã Xuân Oai, P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức, TP.HCM) rất lo sợ vì nếu chẳng may bị nhiễm Covid-19 thì khả năng chuyển nặng là rất cao. Nhưng không muốn cứ quẩn quanh những suy nghĩ tiêu cực, Trân đã tự cứu mình bằng cách “khai hoang” sân thượng để trồng rau.
Cách làm vườn sáng tạo mùa dịchAnh Nguyện đã sáng tạo rất nhiều cách để có thể sở hữu khu vườn nông sản xanh mướt mùa dịch.
Rau muống sử dụng phần gốc rau bỏ đi, ngâm nước 2 ngày, sau đó mang đi trồng. Chậu trồng sử dụng lại bao đựng phân trùn quế.
Gom vỏ trứng sau khi dùng, rửa sạch để không bị mùi hôi, phơi khô rồi giã nhuyễn, mang bón cho đất vừa giúp cây sinh trưởng tốt vừa hạn chế ốc sên trong vườn.
Vỏ trái cây, bã cà phê và các loại rau phần bỏ đi, nếu có điều kiện ủ phân thì càng tốt, nếu không ủ được thì chôn vào đất, nó tự phân hủy biến thành phân hữu cơ, rất tốt cho cây trồng...
|
Mỗi chiều mát, Trân kê chiếc ghế bố lên khu vườn sân thượng, hít hà chút hương từ các loại rau thơm, rồi an yên nằm đọc sách. Chỉ sau 3 tháng mùa dịch, Trân đã sở hữu những luống rau xanh mơn mởn trên sân thượng, và đọc được rất nhiều sách.
Giống như bao gia đình khác, gia đình anh Nguyễn Văn Huynh và chị Nguyễn Thị Gấm (Q.12, TP.HCM) cũng phải ở nhà mấy tháng nay để thực hiện nghiêm lệnh giãn cách phòng chống dịch.
Anh Huynh cho biết việc cả gia đình phải ở nhà trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về nguồn cung thực phẩm, đặc biệt là rau, củ, quả... khiến cuộc sống của nhiều gia đình trở nên căng thẳng, mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình cũng thêm phát sinh. Để giảm thiểu những hệ lụy tiêu cực đó, gia đình anh đã tích cực cùng nhau tăng gia sản xuất trên sân thượng nhà mình. Trước giãn cách, anh Huynh đã mua rất nhiều loại hạt rau, củ quả để gieo trồng.
“Hằng ngày cả nhà cùng nhau làm vườn, nhờ vậy mà giảm hết căng thẳng, các con nhỏ cũng ham lao động, hiểu thêm về thiên nhiên, cây cỏ. Những lúc khó khăn như thế này mới thấy giá trị rất lớn của khu vườn trên sân thượng. Nhờ nó mà gia đình mình an toàn, vui vẻ và cảm thấy đỡ khó khăn hơn rất nhiều vì dịch bệnh”, anh Huynh bày tỏ.
Còn anh Phan Văn Nguyện (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Sau hơn 4 tháng xây dựng khu vườn sân thượng, giờ đây đã có rau sạch cho gia đình. Vườn rau không chỉ là nơi để cả nhà giải tỏa những áp lực, căng thẳng mà còn giúp các con mình vui chơi, học tập, khám phá thiên nhiên...”.
|
San sẻ nông sản tại gia
Vườn sân thượng của gia đình anh Huynh luôn xanh tốt, đủ các loại rau, củ, quả nhờ có thời gian ở nhà nên vợ chồng anh cùng các con hằng ngày chăm sóc. Và để có nguồn thực phẩm sạch cũng như nguồn cung cấp phân bón ổn định, anh Huynh nuôi thêm cả gà.
Điều đặc biệt là với thành quả vườn nông sản sân thượng, vợ chồng anh còn san sẻ cho bà con hàng xóm trong những lúc khó khăn này.
“Miếng khi đói bằng gói khi no, những lúc nhà nào cũng thiếu thốn thực phẩm như thế này mà mình vẫn đủ và liên tục có nông sản sạch tại gia chia sẻ cho hàng xóm, láng giềng thì mọi người cảm động lắm, mình cũng vui lây. Và thế là gia đình lại có thêm niềm vui tinh thần mỗi ngày giữa đại dịch nhiều căng thẳng”, anh Huynh phấn khởi bày tỏ.
Cũng giống tinh thần san sẻ mùa dịch như anh Huynh, chị Nguyễn Thị Luyến (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) khi nhìn thấy nhiều người đăng lên mạng xã hội than thở thiếu rau, với lợi thế khu vườn sân thượng của mình, chị Luyến đã tự giâm ra rất nhiều chậu nhỏ và gửi tặng mọi người.
“Mình thấy mọi người than thiếu rau ăn, rồi không trồng được các loại rau thơm. Mình thấy tiếc quá vì những loại rau đó rất dễ trồng và mình có rất nhiều ở khu vườn sân thượng. Thế là mình giâm ra và gửi tặng mọi người về trồng”, chị Luyến bày tỏ.
Thế nhưng với tình hình giãn cách nghiêm ngặt, để gửi được rau cho mọi người, chị Luyến phải kết nối cùng một bác sĩ làm nhiệm vụ chống dịch ở Q.Bình Tân. Cứ mỗi lần bác sĩ này xong nhiệm vụ và trên đường quay về nhà ở Gò Vấp, chị Luyến tranh thủ gửi vài chậu cây để bác sĩ mang biếu cho mọi người.
Bình luận (0)