Theo kế hoạch, trong vòng 4 năm tới, những sinh viên đã tốt nghiệp trước niên khóa 2012 có thể sẽ phải trả nợ cho các công ty tư nhân đã mua lại nợ từ Công ty hỗ trợ vay vốn sinh viên (SLC) của nhà nước. Bộ Tài chính Anh ước tính thương vụ này trị giá khoảng 12 tỉ bảng Anh (14,96 tỉ USD).
Bộ trưởng Đại học và Khoa học Anh Jo Johnson trấn an rằng kế hoạch này sẽ không ảnh hưởng đến những sinh viên tốt nghiệp còn thiếu nợ đã vay. Trước hết, SLC sẽ bán “sổ nợ” của sinh viên niên khóa 2002 - 2006, với tổng số tiền khoảng 4 tỉ bảng Anh (4,98 tỉ USD) tính đến thời điểm cuối tài khóa 2014 - 2015. Trước đó, Bộ trưởng phụ trách kinh doanh Vince Cable vào năm 2014 đã từ bỏ kế hoạch tư nhân hóa việc quản lý khối nợ này sau khi nhận định việc đó sẽ không giúp giảm nợ công nhiều như dự tính.
Phản ứng trước kế hoạch mới nhất, Liên đoàn Sinh viên quốc gia Anh (NUS) cho rằng đây là “động thái xấu” của chính phủ đối với sinh viên. Bà Sorana Vieru, Phó chủ tịch mảng giáo dục đại học của NUS, nói việc bán nợ cho các nhà đầu tư chính là quá trình “tư nhân hóa thông qua cửa sau”. “Thật quá quắt khi ngân hàng sẽ hưởng lãi trên lưng những sinh viên đã tốt nghiệp từng vay vốn”, bà chỉ trích.
Bà Estelle Clarke, thành viên ban cố vấn của Tổ chức Intergenerational Foundation có trụ sở ở Anh, nhận định việc bán nợ của sinh viên là “một bước kỳ lạ của chính phủ” và là “ý tưởng tồi đối với sinh viên”. “Sinh viên và những người tốt nghiệp còn nợ tiền vay sẽ lo ngại rằng tiền vay của họ sẽ bị kiểm soát bởi tư nhân vốn luôn có kế hoạch hợp pháp nhằm bòn rút tiền từ người vay càng nhiều càng tốt”. Trong khi chính phủ khẳng định sẽ không có thay đổi gì về điều khoản và điều kiện vay, bà Clarke cảnh báo không có gì chắc chắn về điều này.
Theo số liệu của Dịch vụ tuyển sinh các trường đại học và cao đẳng Anh, nhiều sinh viên không chọn học đại học do khó khăn về tài chính trong thời gian gần đây. “Khi sinh viên và phụ huynh bắt đầu hiểu ra tác động của kế hoạch này, nhiều người sẽ tránh học đại học, nhất là vào thời điểm chi phí tại các nước châu Âu khác rẻ hơn”, bà Clarke nhận định.
Bình luận (0)