Mình luôn “tâm niệm”: hễ gặp Nhàn, cô em con bà dì, hỏi gì thì hỏi phải tránh nhắc tới Tứ chồng nó. Bởi chỉ cần nghe âm “Tứ” là nó hứ cái rét.
Minh họa: DAD |
Cãi vì lẽ phải
Vừa rồi gặp Nhàn, tự nhiên mình quên, vọt miệng hỏi thằng Tứ lâu nay khỏe không em? Thì sau tiếng “hứ” khá... cao độ, nó cong môi lên, nói ổng mà không khỏe thì ai khỏe? Không khỏe thì lấy hơi sức đâu mà cãi hết người này tới người kia.
Mình nghĩ bụng thôi chết rồi, khi không lại nhấn vào nút “on” cho nó mở miệng càm ràm thằng Tứ. Nó cười mỉa mai, nói dẫu sao ông Tứ cũng là “nhân sự” anh giới thiệu cho đời em. Anh cũng nên biết mức độ... ngứa miệng của ổng bây giờ ra sao chớ.
Quả thật mình có làm cái việc mà theo dân gian là “ngu” nhất trong bốn cái ngu: làm mai. Dì mình hay làm mồi, kêu mình qua nhậu với dượng. Dượng khều mình, nói mày coi chừng bả làm mồi để bắt mày làm mối đó. Cuộc nhậu này có vẻ... thiếu trong sáng con à. Mình cũng giỡn, nói kệ, thiếu trong sáng nhưng đủ bia là được. Dì nói con Nhàn năm nay hăm sáu rồi. Mày là “đại ca”, có đàn em nhiều, đứa nào đứa nấy coi cũng được, mày giúp dì mai mối cho con Nhàn một đứa đi.
Đại ca gì đâu? Chẳng qua hồi đó mình nhất xóm vì trình độ lớp 12, có giá sách gần trăm cuốn toàn tiểu thuyết, võ vẽ ghi ta khoảng mươi bài bô lê rô, lâu lâu được đăng thơ ca ngợi “quê ta đổi mới”, và mấy cái tin lúa khoai trên báo địa phương.
Vậy mà dân làng gặp mình đâu cũng: “A, chào nhà thơ nhà giáo nhà báo nhà đài, bốn nhà cộng lại thành... hai nhà nghèo”. Mình vừa mắc cỡ vừa... nở mũi.
Một lần uống lâng lâng, mình bốc phét, nói dì yên tâm, con mà tác hợp thì thằng Tứ nó ưng con Nhàn cái rẹt. Thằng này là “truyền nhân” của con. Nó đẹp trai, mê đờn và “mê tín” con luôn. Bậy một cái là nó có tật hay “phản biện”. Cả dì và dượng đều hỏi mình phản biện là sao? Mình nói phản biện là... abc lung tung lang tang rồi chốt hạ: Hễ ai nói cái gì “là lạ” là nó cãi, chết nó cũng cãi. Dượng nghe vậy hơi ngại nhưng dì thì nói nó cãi vì lẽ phải thì tốt chớ sao!
Ai rước ông, tui cho không
Cưới vợ được vài tuần, Tứ thể hiện sự “phản biện” và... sinh chuyện.
Trong một cuộc họp dân, ông văn hóa thôn vận động bà con nộp tiền thuê thợ sơn phết lại đình làng để đón khách thập phương vì lúc này “du lịch tâm linh đang... nở nang”. Tứ giơ tay... cãi, nói du lịch... mê tín, cầu lợi cầu danh chớ tâm linh gì. Tui không đồng ý sơn phết gì trọi, cứ để nguyên cái đình rêu phong cho nó cổ xưa. Dân tình khen Tứ nói đúng trong khi ông “sơn phết” và ông “rêu phong” cãi nhau ầm ầm. Hay tin Nhàn tới lôi chồng về. Giằng co thế nào mà vợ chồng rớt xuống mương, trôi mất hai đôi dép. Tụi nó giận nhau cả tuần. Mình phải “vào cuộc” mới tạm ổn.
Vụ “phản biện” thứ hai mới mệt hơn. Chở con tới trường, Tứ quên cài quai mũ bảo hiểm. Bị công an tuýt còi nhưng thấy gần cổng trường nên Tứ rê xe thêm một đoạn mới ngừng. Anh công an trẻ măng nghiêm giọng: “Tui ra hiệu tấp phương tiện vô lề sao ông cứ để phương tiện lưu thông cả mấy chục mét mới cho phương tiện dừng lại?”. Tứ nói anh đang vội, em thông cảm. Anh công an nói không có kiểu xưng anh gọi em khi tui đang công vụ. Hơi bực, Tứ nhấn giọng: “Vậy... ngài cho tui xin lỗi”. Nộp phạt xong, như người ta thì đi cho rồi, đằng này Tứ quay lại nhìn anh công an rồi “phản biện”: “Xe thì nói xe cho dễ nghe, bày đặt phương tiện phương teo”. Vậy là cả hai cãi nhau khiến người đi đường bu lại. Có người mách, Nhàn tới vẹt đám đông kéo chồng lên xe chạy về. Giữa đường Tứ vẫn cãi... một mình.
Nhàn nạt: “Thôi đi! Tui ớn cái tật ngứa miệng của ông quá rồi. Coi chừng... hình sự đó. Nói thiệt, ai rước ông tui cho không, còn khuyến mãi thêm cái nhẫn cưới nữa”.
Bình luận (0)