'Ảnh' của Trương Nghệ Mưu: Rũ 'trường thành' đứng dậy…

11/10/2018 20:48 GMT+7

Sau một loạt thất bại kéo dài đến mười mấy năm, đặc biệt gần đây nhất là The great wall (Trường thành), và ngày càng vắng bóng ở các giải thưởng quốc tế, Trương Nghệ Mưu cuối cùng cũng can đảm thoát ra khỏi vòng xoáy của công nghệ Hollywood để tìm về giá trị nguyên bản mà ông đã cất công xây dựng trong thế giới điện ảnh muôn màu này.

Ảnh, tác phẩm thể hiện một Trung Quốc giống như bao tác phẩm thời kỳ sau của ông, nhưng qua tác phẩm này, rốt cuộc khán giả đã có thể thấy được tính cá nhân rất mạnh mẽ của đạo diễn họ Trương sau suốt gần hai thập niên, không phục vụ bất kỳ ý muốn nào ngoài khuynh hướng tiếp cận vẻ đẹp và sử dụng vẻ đẹp cho mục đích làm phim của mình.
Thiết nghĩ, điều quan trọng với nhà làm phim không phải là “không được lặp lại bản thân” mà chính là quên đi cái ý niệm “không được lặp lại bản thân”. Đó là trạng thái của một đạo gia trên phim trường. Ảnh giúp Trương Nghệ Mưu gần như đạt tới cảnh giới ấy. Tác phẩm có thể khiến chúng ta liên tưởng tới rất nhiều tác phẩm cổ trang khác của chính tác giả, đặc biệt là Anh hùng, vì câu chuyện liên quan đến nội chiến, tồn vong, âm mưu…, dù trên thực tế, màu sắc của hai tác phẩm hoàn toàn đối lập nhau. Ảnh với tông màu đen - trắng chủ đạo, dẫn dắt chúng ta đi xuyên qua bề dọc lẫn bề ngang của văn hóa Trung Quốc, đơn giản nhất và tinh túy nhất bao gồm: thư pháp, tranh thủy mặc và thái cực đồ. Trong Ảnh, phụ trách vai trò giám đốc hình ảnh vẫn là người cộng sự lâu năm của Trương Nghệ Mưu, Xiaoding Zhao, tuy nhiên, ở tác phẩm lần này, đạo diễn họ Trương đã cho thấy độ bình tĩnh và tiết chế của mình, chứ không phải là một trận lũ lượt ập tới của những hoa hòe, vải vóc, màu sắc hay thậm chí là gái đẹp nữa. Có thể nói, Ảnh là một bước chuyển biến thẩm mỹ trong sự nghiệp nghệ thuật của Trương Nghệ Mưu, từ động sang tĩnh, từ rực rỡ sang đơn sắc - tông màu đơn sắc hoàn toàn dựa trên vẻ đẹp của tranh thủy mặc chứ không phải chỉ đơn giản chọn màu đen trắng để thể hiện cuộc sống và thời gian trong Coming Home - một tác phẩm đáng chán khác của đạo diễn họ Trương.
Lấy bối cảnh một quốc gia không tưởng gọi là Bái, đoạn mở đầu phim như một vở kịch độc lập nhắc nhớ khán giả đến tích “đòi lại Kinh Châu” thời Tam Quốc. Dù không một tiếng kinh kịch, song tất cả đều được cường điệu lên - từ bước đi nhịp nhàng đầy chuẩn xác của vị vua, giọng thoại giữa các nhân vật, sự đối kháng được đẩy đến cao trào trên nền nhạc đàn tam thập lục - tất cả diễn ra trong một không gian được bài trí như một sân khấu thực thụ, tinh giản tối đa, từ đó các nhân vật tự nhiên được phân vai bạch diện, hắc diện, hoàng diện. Ảnh, như cái tên của nó, có nhân vật chính là một chiếc bóng thế thân cho chủ tử của mình, được đặt tên là Kinh Châu (Đặng Siêu) - vùng đất mà anh ta sẽ giúp chủ tử mình đi lấy lại. Nước Bái lúc này đã làm mất Kinh Châu (chữ Kinh đồng âm khác nghĩa với chữ Kinh của Kinh Châu trong Tam quốc diễn nghĩa) vào tay một vị tướng họ Dương (Hồ Quân). Nhưng vị vua nước Bái (Trinh Khải) được thể hiện như một hôn quân say mê tửu sắc, không màng đến việc lấy lại Kinh Châu, khiến vị đô đốc Tử Ngu nổi giận. Vị đô đốc này mang trong người một chứng bệnh lạ, vì thế ông ta phải lui về bóng tối và đưa chiếc bóng ra ánh sáng để giải quyết những tham vọng riêng tư mà chỉ có ông ta và người vợ Tiểu Ngải (Tôn Lệ) của ông nắm rõ. Nhưng, cũng như một câu chuyện cổ tích của Andersen, khi cái bóng ngày càng lớn dần lên, đến mức chính Tử Ngu phải lên tiếng cảnh báo vợ mình rằng: “Tiểu Ngải có vẻ không còn phân biệt đâu thật đâu giả nữa”, câu chuyện không còn phát triển theo âm mưu của những người đàn ông nữa.
Điện ảnh Hoa ngữ có ba đạo diễn được mệnh danh là những người chuyên tạo nên mỹ nhân, và phim ảnh của họ không thể nào thoát khỏi yếu tố mỹ nhân, đó chính là Châu Tinh Trì, Vương Gia Vệ và Trương Nghệ Mưu. Đây cũng là một vẻ đẹp lạ lùng của điện ảnh châu Á, khi mà vai trò của nữ tính chiếm giữ phần quan trọng, khác với vẻ nam tính hùng hục thường thấy của điện ảnh phương Tây. Với Ảnh, yếu tố này đã không còn nằm ở việc biểu hiện ra bên ngoài diện mạo của các nhân vật nữ hay sự can thiệp của họ vào đường dây câu chuyện nữa mà nó đã trở thành tinh thần xuyên suốt tác phẩm, giống như vòng tròn Âm - Dương xuất hiện từ đầu đến cuối phim vậy. Võ thuật đẹp mắt của Ảnh cũng từ đạo lý này mà ra, vì thế mà, hình ảnh Tiểu Ngải yểu điệu lẳng lơ sát cánh với chiếc bóng dùng chiếc dù mềm mại làm vũ khí chống lại đao pháp mạnh mẽ của chồng mình trong cuộc tập duyệt trước ngày họ thật sự ra trận đối diện sống chết mới là những thước phim võ thuật đẹp đẽ nhất. Lấy nhu khắc cương là một đạo lý quá đỗi quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc. Tiểu Ngải không gây ngạc nhiên khi đề xuất ý tưởng này với chồng mình. Nhưng liệu, chỉ xét từ trong sâu xa của người đàn bà này, liệu có đơn thuần là lấy nhu khắc cương? Ảnh hưởng của người phụ nữ lúc này không phải là một thứ gia liệu tạo drama hay phá đi tuyến tính câu chuyện, vì trên thực tế, quyền lực của người đàn ông trong bối cảnh lịch sử này là một thứ quá lớn mà người phụ nữ có thể chạm vào. Sự xuất hiện của họ không gì ngoài tác dụng ve vuốt - hãy nhìn cách Tiểu Ngải kéo mặt chiếc bóng áp vào ngực mình trong lần đầu tiên họ gần gũi - và đẩy sự nam tính của giống đực ra khỏi vòng kiểm soát của chính bọn họ - ở phân cảnh võ thuật kia. Một cách kiến tạo và gìn giữ cuộc sống của người phụ nữ.
Một điều thú vị khác, sự chọn lựa diễn viên ở tác phẩm lần này của Trương Nghệ Mưu ít nhiều gợi nhớ đến Eye wide shut - tác phẩm cuối cùng của đạo diễn tài ba Stanley Kubrick. Nếu không phải là cặp vợ chồng Tom Cruise - Nicole Kidman hoặc Tom Cruise và Nicole Kidman không phải là vợ chồng, thật khó tưởng tượng tác phẩm có thể toát ra được trạng thái chông chênh của hôn nhân, những nguy cơ rình rập mà chính hai vợ chồng họ đến một lúc buộc phải quên mất việc họ đang là những diễn viên ở trường quay mà trở về với thân phận thật của mình, là một đôi vợ chồng bình thường để đối mặt với rạn nứt tịnh tiến. Nhiều thông tin bên lề kiệt tác này cho rằng Eye wide shut là nguyên nhân khiến cặp đôi quyền lực Hollywood bấy giờ tan rã. Tuy là một phim cổ trang, võ thuật mang nhiều tính ước lệ, thế nhưng Ảnh của Trương Nghệ Mưu vẫn có những phân đoạn đào sâu vào mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà. Tình yêu trong Ảnh là một thứ gì đó quá khô khan và mơ hồ. Đặng Siêu trong phim thủ hai vai, vừa là chân thân vừa là chiếc bóng, trong khi vợ anh - Tôn Lệ lại hóa thân thành người phụ nữ của cả hai. Mắc kẹt giữa hình và bóng, song cuối cùng hóa ra, người phụ nữ ấy dường như chỉ đang mắc kẹt với một mối quan hệ duy nhất đầy những chán ghét, trắc ẩn cũng như dục vọng. Một bên là trạng thái vợ chồng lâu năm, một bên là trạng thái không thể cưỡng lại bản năng chở che của người phụ nữ. Đây là cách nhìn vô cùng thấu đáo đối với tinh thần Âm - Dương kể trên, sự đồng điệu và đối kháng song song chưa bao giờ tách rời.
Vậy là, không phải Trường thành, một hình ảnh lồ lộ đầy tính phô trương mà chính những giá trị tinh hoa cốt lõi như hơi thở đời sống mới là thứ đem vị thế một đạo diễn lớn của Trương Nghệ Mưu quay trở lại thế giới. Giang sơn cẩm tú, liệu có đóng góp gì cho điện ảnh hoặc sự nghiệp một đạo diễn? Vì xét cho cùng, vẻ đẹp tinh thần của con người cũng như những dấu ấn để lại từ bước đi thăng trầm của văn hóa mới là nhân vật chính trong thế giới quan của nghệ thuật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.