(TNO) Trở về đầm nuôi tôm sau ngày đặc xá, anh em ông Đoàn Văn Vươn (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng) cho biết sẽ kiện để đòi công bằng.
Anh em ông Vươn xót xa khi nhìn lại đầm nuôi thủy sản tiêu điều sau hơn 3 năm 7 tháng thụ án - Ảnh: Vũ Ngọc Khánh
|
Sáng 31.8, ông Đoàn Văn Vươn và em trai Đoàn Văn Quý, người thụ án trong vụ cưỡng chế đất đai ở khu Cống Rộc, xã Vinh Quang, H.Tiên Lãng, TP.Hải Phòng, hồi đầu tháng 1.2012 đã được hưởng đặc xá, tại trại giam Hoàng Tiến (TX.Chí Linh, Hải Dương).
Trao đổi với Thanh Niên Online, đại tá Nguyễn Hữu Ấm, Giám thị trại giam Hoàng Tiến cho biết do cải tạo tốt nên ông Vươn và ông Qúy đều được mãn hạn tù trước thời hạn so với án phạt 5 năm, năm 2014 cũng được giảm án một lần. Bước ra khỏi cổng trại giam, anh em ông Vươn được bạn bè, người thân chờ đón trong niềm vui vỡ òa.
Ở nhà công vụ của Tổng đội TNXP, cách nhà cũ chừng 500m, gia đình ông Vươn dựng rạp, nấu cỗ và dựng loa đài mừng anh em ông trở về. Khi vừa bước xuống xe, ông Vươn, ông Quý chạy đến ôm lấy mẹ già đang rưng rưng nước mắt. Anh em ông cũng bật khóc và ôm vai mẹ động viên: “Đã qua rồi, chúng con đã về với mẹ đây”.
Ông Vươn cho biết ngoài vợ con thì người mà anh em ông luôn nghĩ đến là mẹ già, cùng với đó là việc sản xuất. “Suốt hơn 3 năm 7 tháng trong tù, mỗi khi nghe đài báo có mưa bão là tôi lại 'lạnh người', ngủ không yên giấc, chỉ biết cầu mong bình an chờ ngày trở lại”, ông Vươn tâm sự.
Đi một vòng đầm bãi, nơi mà anh em ông vật lộn với sóng biển làm nên, ông Vươn không khỏi xót khi nhìn vườn chuối mật dọc bờ đầm tiêu điều. Nhưng “đành phải chấp nhận vì mọi việc đều đè nặng lên vai 2 người phụ nữ, từ nợ nần, sản xuất, tới con thơ, mẹ già”. Ông kể lại kế hoạch sản xuất dang dở trước khi vướng vào vòng lao lý, gia đình ông đầu tư san lấp 1.500m2 ở phía bên ngoài bãi nhưng đã phải dừng lại.
Ông Vươn (áo trắng) và em trai chèo thuyền đi kiểm tra đầm nuôi tôm - Ảnh: Vũ Ngọc Khánh
|
Ông Vươn cho biết thêm, những ngày tới sẽ thực hiện tiếp những kế hoạch sản xuất còn dang dở như: nuôi trồng thủy sản, phát triển đàn vịt đẻ, trồng lại vườn chuối và sẽ gởi đơn khiếu nại. “Tôi đã gửi đơn đi khắp các cơ quan ban ngành từ trung ương tới địa phương, nếu cân phải lên hàng tạ. Trước ngày xảy ra biến cố, tôi đã có những bước lùi theo yêu cầu của họ là phải chia nhỏ diện tích cho nhiều người để phù hợp với chủ trương của huyện Tiên Lãng. Tôi đã lựa chọn con đường an toàn, tránh đối đầu nhưng cuối cùng người ta vẫn không chấp nhận, nên xảy ra biến cố ấy”, ông Vươn nói.
Đón chồng và anh trai trở về, bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý) cho biết sau ngày xảy ra cưỡng chế, biết bao biến cố xảy ra trong gia đình bà. “Ngày mồng 4 Tết năm 2012, con trai đầu của tôi bị tai nạn phải nằm viện 2 tháng, sau đó bà nội, bà ngoại của tôi mất. 4 tháng sau đó thì mẹ đẻ của tôi cũng mất vì ung thư”, bà Hiền kể.
Trong thời gian anh em ông Vươn đi tù, chị em bà Hiền ở nhà luôn đoàn kết, cố gắng làm ăn, không nề hà việc gì, dù là việc của đàn ông như thả lờ, đánh lưới bắt cá…
“Trước đây, mỗi khi có bão thì tôi và trẻ con trong nhà phải sơ tán nhưng giờ mình phải gồng lên, mặc áo phao đi ra bờ sông bãi sú, gió quật ngã nhưng vẫn phải chịu thôi. Nếu mình không kiểm tra thì nước có thể cuốn trôi cái cống của mình, mất tiền tỉ ngay”, bà Hiền nói và cho biết đã trang trải nợ nần được hơn 300 triệu đồng.
Bình luận (0)