Anh em ruột tranh giành đất đai: Tố nhau chục năm, cha chết rồi vẫn còn giành nhau

27/09/2019 09:31 GMT+7

Sau khi người cha viết tờ di chúc, những anh em trong nhà bắt đầu bất hòa. Mười mấy năm trời, cha qua đời, có người cũng mất, nhưng "cuộc chiến" vẫn dai dẳng, bao nhiêu lý lẽ cũng chỉ vì miếng đất, căn nhà...

Vụ truy sát đau lòng xảy ra ở Đan Phượng (Hà Nội) khi người anh cầm dao bầu chém cả nhà em trai chỉ vì 0,5 mét đất cách đây không lâu làm ai nấy cũng bàng hoàng. Anh em máu mủ ruột rà, không ai ngờ được chỉ vì mét đất, đồng tiền có thể đan tâm sát hại nhau. Mạng xã hội cũng từng lần xuất hiện những vụ án mạng đau lòng chỉ vì tranh giành đất đai giữa những người trong cùng gia đình với nhau. 

Nhắc mới thấy, tiền bạc hay tham sân có thể thay đổi con người, từ đó đạo lý nghĩa tình anh chị em cũng mất đi trong phút chốc. 

Anh em bất hòa vì tờ di chúc

Theo hồ sơ vụ việc, vợ chồng ông Danh (nay đã mất) có 7 người con. Năm 2006, ông Danh đã tự đến UBND xã lập di chúc chia toàn bộ tài sản gắn liền với thửa đất rộng hơn 4.000m2 của mình cho các con.
Trong đó, ông Mạnh (SN 1947, con trai) được hưởng 1 lô đất nông nghiệp rộng 250m2, cùng với việc trông coi căn nhà từ đường nằm trên phần đất rộng 450m2. Di chúc cũng nêu rõ, căn nhà từ đường này không được bán vì phải để thờ cúng tổ tiên. Sau khi chia cho các con còn lại, ông Danh còn khoảng 2.000m2 đất, với dự định bán đi để lấy tiền lo ốm đau lúc tuổi già.
Thế nhưng, sau khi biết nội dung bản di chúc, ông Mạnh đã đưa ông Danh đi cô lập sống ở một nơi nào khác mà không ai trong gia đình liên lạc được. Theo tố cáo của những người con còn lại, thì lúc này người cha đã 87 tuổi, sức khỏe rất yếu, không còn minh mẫn, sáng suốt.
Lợi dụng điều này, cùng với việc ông Danh không am hiểu pháp luật, năm 2007, ông Mạnh đã viết đơn xin tách thửa đất di sản thành 4 thửa, cho ông Danh ký tên. Sau đó lần lượt hợp thức hóa 2 “hợp đồng tặng cho” phần đất do ông Danh đứng tên, với người nhận là vợ chồng ông Mạnh. Hai hợp đồng năm 2007, 2009 đã “tặng cho” tổng diện tích đất 1.975m2. Không dừng lại ở đó, vợ chồng ông Mạnh đã nhanh chóng tẩu tán tài sản này, trong đó có việc tháo dỡ căn nhà từ đường, bằng hình thức bán cho một công ty xăng dầu.
Các hợp đồng được lập tại UBND xã khi ông Danh đã gần 90 tuổi. Các anh em trong gia đình từ đó đặt câu hỏi: Theo luật thì ông Danh phải hội đủ điều kiện là tự nguyện, tinh thần minh mẫn, sáng suốt. Vậy ở độ tuổi đó, bị cách ly gia đình, có thể xác định tinh thần của cha chúng tôi hay không? Nếu có phải có giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế cấp quận, huyện trở lên. Cha chúng tôi có thực sự tự nguyện tặng nhà đất cho vợ chồng ông Mạnh hay không? Nếu tự nguyện thì UBND xã phải mời người làm chứng để ký hợp đồng tặng cho.
Vì thế, theo đơn tố cáo mới nhất của ông Tài (SN 1961, con trai út) gửi UBND tỉnh, đại diện cho các anh em còn lại trong gia đình, đã tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của vợ chồng ông Mạnh và UBND xã, với nguyện vọng trả lại tài sản đồng thừa kế.

Anh em đến chết vẫn chưa hết tố nhau...

Suốt mười mấy năm nay, những cuộc kiện cáo cứ kéo dài dai dẳng. Ai cũng có cái lý riêng của mình để đòi lại “công bằng”, mà thực chất là những phần tài sản chồng chéo vấn đề pháp lý. Đơn từ được gửi đến cấp xã, cấp huyện với những cuộc xác minh, những lần thông báo kết quả, những buổi hòa giải,… Nhưng tất cả đều không hòa hợp được những người chung máu mủ.

Tất cả lý lẽ cũng quy về chuyện quyền sử dụng mảnh đất, căn nhà...

Ảnh minh họa: T.N

Trước đó, trong cuộc hòa giải vào tháng 6 năm 2015 tại UBND xã, nhiều lục đục gia đình đã được nêu ra. Theo biên bản tổ chức hòa giải, vợ chồng ông Mạnh cho rằng vào ngày giỗ năm 2007, những người con trai đã say xỉn đã gây sự, nhào vào đánh ông Danh khi ông đang cúng giỗ. Chính ông Mạnh là người ra dàn xếp, ngăn cản.
Sau đó, ông Danh bức xúc đã làm đơn gửi chính quyền với nội dung: “từ bỏ hết những đứa con hư, chỉ chấp nhận ông Mạnh (con thứ 4), con thứ 5 và con thứ 2”. Ông cũng bức xúc nói sẽ lấy đất chia lại cho 3 người con này, nếu không lấy sẽ mang cho từ thiện. Việc sinh sống với ông Mạnh cũng là do ý muốn của ông Danh. Ông Mạnh cho rằng, do những anh em khác gây áp lực, chứ bản thân ông sống rất biết trên biết dưới. Việc bán đất có căn nhà từ đường, vợ chồng ông Mạnh cho rằng là do các anh chị em khác gây áp lực. Còn căn nhà vì một số lý do, không đúng nghĩa là nhà từ đường.
3 tháng sau cuộc hòa giải bất thành, ông Danh qua đời… Không biết nỗi đau mất đấng sinh thành có lớn không, mà chẳng thấy anh em tịnh tâm lại để giải quyết mọi thứ bằng tình cảm gia đình.
Tháng 10.2015, UBND huyện thông báo nội dung tố cáo là không có cơ sở. Tiếp tục nhận tố cáo, tháng 12.2015, UBND tỉnh phải lập đoàn thanh tra để xác minh nội dung tố cáo về trách nhiệm của các cán bộ xã và quyền sử dụng phần đất các con ông Danh đang tranh chấp. Năm 2016, ông Mạnh còn bị các anh em khác tố cáo về việc giấu và giết ông Danh để chiếm đoạt tài sản của cha.
Thậm chí khi người con thứ 2 qua đời vào năm 2017, người con thứ 3 cũng qua đời vào năm 2018, thì tháng 6.2019 mới đây, ông Tài lại tiếp tục đại diện những người con còn sống tiếp tục đệ đơn tố cáo lên chủ tịch UBND tỉnh. Vụ việc tiếp tục chờ giải quyết.
Những đơn từ ngày một chất chồng. Những tình cảm anh em, máu thịt ruột rà từ lâu đã chẳng còn có thể cứu vãn. Những con người đã đi quá một đời người 60 năm, thậm chí có người đã nhắm mắt xuôi tay, nhưng “hành trình giành công bằng” vẫn kéo dài dai dẳng.
Chỉ ngẫm rằng, như ông Danh, như 2 người con đầu đã về với cát bụi, cho đến cuối cùng cũng giữ được gì đâu…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.