Đại dịch Covid-19 đã cướp đi cha mẹ của nhiều trẻ em tại TP.HCM. Ai sẽ cùng các con đi tiếp cuộc đời khi các con còn quá bé nhỏ? Dịch Covid-19 diễn biến khôn lường và mọi chuyện xảy đến quá nhanh đến mức các em chưa kịp chấp nhận được sự thật đau thương này.
Nỗi đau quá lớn
PV Thanh Niên đến nhà của anh em sinh đôi Huỳnh Ngọc Thành - Huỳnh Ngọc Đạt (TT.Nhà Bè) đúng lúc bà Huỳnh Thị Diễm Thúy (41 tuổi, mẹ của hai em) vừa ôm hũ tro cốt của mẹ chồng về đặt lên bàn thờ. Dịch Covid-19 ập tới, căn nhà ba thế hệ cùng sinh sống nay chỉ có tiếng tụng kinh đều đều từ chiếc loa nhỏ. Mỗi người thẫn thờ một góc, cả gia đình chưa thể vượt qua được cú sốc quá lớn này.
Trong buổi làm việc mới đây với Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND H.Bình Chánh, cho biết lãnh đạo huyện quyết tâm chăm lo cho trẻ mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ vì dịch Covid-19 đến khi đủ 18 tuổi hoặc đến khi các em vào ĐH hay học nghề.
|
Từ lúc kết hôn, vợ chồng bà Thúy sống chung với mẹ chồng. Gần 20 năm, chồng bà làm thợ cơ khí - trụ cột gia đình nuôi 3 con ăn học và sinh hoạt trong nhà. 2 năm trở lại đây, ông bị đủ thứ bệnh nên nghỉ ở nhà lo chăm sóc, đưa rước các con đi học để bà Thúy có thời gian tăng ca trong KCX Tân Thuận, kiếm thêm từng đồng trang trải cuộc sống. Tết vừa rồi, vợ chồng bà cho con trai lớn đi bộ đội để trưởng thành hơn. Trong gian phòng khách của gia đình vẫn còn những viên thuốc ho, hạ sốt để cạnh tủ ti vi. Hai anh em Thành - Đạt đặt chiếc bàn xếp hướng về phía cửa ra vào đón ánh sáng học bài. Các con là động lực duy nhất để bà Thúy gồng mình đứng dậy sau cú sốc.
Em Thành cho biết mẹ hay tăng ca nên hai anh em thường được ba chở đi học. Mỗi ngày, ba sẽ đứng gần cột cờ, học xong, hai anh em ra cổng đã thấy ba đứng chờ sẵn. Ở nhà, ba cũng là người chơi cùng, học cùng và tắm rửa cho hai anh em. Thành - Đạt nhớ cả cách ba quấn khăn, lau mình cho hai cậu con trai cưng, từng lời ba hứa khi cả hai đạt điểm 10. Vốn nhút nhát, ngại tiếp xúc với người lạ nên Thành - Đạt chỉ lí nhí nhắc lại vài kỷ niệm trong tâm trí. Bà Thúy sợ các con buồn, ảnh hưởng việc học nên cũng không dám khóc trước mặt con. Bà đau nhói khi chứng kiến hai con ngủ dậy lại ngồi thất thần trước bàn thờ nhìn di ảnh ba. Chiều, xong xuôi bài vở, Thành - Đạt lại lên gác, thắp nhang cho bà và ba rồi ra ban công nhìn về phía đường, đôi mắt buồn rười rượi...
Khi các con đi học lại, bà Thúy dự định sẽ dành thời gian đưa đón, bù đắp tình cảm thiếu vắng người cha. Nhưng nghĩ đến chuyện xoay xở tiền bạc chi tiêu, lo cho các con ăn học với khoản lương công nhân không tăng ca, bà cũng chưa biết ngày mai rồi sẽ ra sao.
|
Thương ba tần tảo
Quý nhà hảo tâm có nhã ý chung tay với chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời nhằm bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 của Báo Thanh Niên, vui lòng gửi thông tin trao đổi về việc nhận bảo trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 về email: [email protected] hoặc liên hệ số điện thoại: 0933044866 (gặp nhà báo Trần Thanh Bình, Ban Công tác bạn đọc). Trên cơ sở khảo sát tìm hiểu và thiết lập hồ sơ từng em mồ côi do đại dịch Covid-19 có hoàn cảnh sống khó khăn, đôi bên sẽ cùng tham gia ký bản thỏa thuận bảo trợ và lên phương án giúp đỡ cụ thể cho từng hoàn cảnh với mức bảo trợ theo từng giai đoạn.
Quý nhà hảo tâm có nhã ý tham gia việc bảo trợ các em theo hình thức trực tiếp chuyển tiền mặt đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Ủng hộ trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Báo Thanh Niên sẽ tính toán điều phối số tiền này cho chương trình một cách công tâm, hợp lý, hiệu quả nhất và sẽ cập nhật, công bố đầy đủ trên các ấn phẩm của Thanh Niên.
|
Bà Hạnh nói: “Ảnh không về nữa. Chồng tôi hiền lành, chăm các con từng chút một, chưa bao giờ to tiếng với vợ một câu nên nghe tin ảnh mất, cha mẹ tôi và cha mẹ chồng đều suy sụp”. Ngày thường, bà Hạnh ở nhà bán bánh tráng trộn, mọi khoản chi tiêu trong nhà đều do chồng cáng đáng. Dịch Covid-19 đã cướp đi người trụ cột trong gia đình, bà Hạnh chới với, chưa biết chặng đường đời tiếp theo sẽ thế nào.
Ở cùng nhà với ông bà nội và họ hàng, em Võ Thành Danh vẫn mải miết chạy chơi trên khoảng sân rộng sau giờ học online. Nhiều lúc bất chợt em chạy đến hỏi mẹ: “Ba đâu rồi?”, “Biết ba đi không về thì hôm đó con không cho ba dọn đồ vào công ty đâu”... làm bà Hạnh chỉ biết quay mặt đi lau nước mắt. Vừa dọn xong mâm cơm chiều lên cúng ba, em Mai Hân tâm sự những ngày ba trở mệt có dặn dò gì đó, nhưng Hân nghe không rõ. Sau đó, em nhắn tin động viên, ba chỉ trả lời lại “Ba biết rồi, ba sẽ cố”. Ngay đầu năm học mới, cô giáo chủ nhiệm biết chuyện thường động viên, chia sẻ làm cô học trò lạ lẫm với trường mới, bạn mới phần nào cảm thấy được an ủi.
Hân tâm sự: “Ngày trước ba tần tảo sớm hôm, em muốn gì ba cũng mua cho, không để em phải thiếu thốn so với bạn bè đồng trang lứa. Ngày nào ba cũng chở em đi học, chiều ba rước về. Trên đường về, lúc nào hai cha con cũng nói chuyện trường lớp, học hành, bạn bè của em. Em biết mẹ buồn nên giờ có nhớ ba, em cũng để trong lòng thôi”.
Giữa đại dịch Covid-19, những câu chuyện của Mai Hân và ba giờ chỉ còn là ký ức. Con đường đến trường và cả tương lai Hân và em trai từ nay không còn ba bên cạnh nữa. Ai sẽ cùng các con đi tiếp cuộc đời?
Bình luận (0)