1.Anh em Mai Xuân Đức và Mai Xuân Phúc (cùng sinh ngày 6.12.1998, cùng trú KP.1, P.An Đôn, TX.Quảng Trị, Quảng Trị) lớn lên trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Từ nhỏ, cặp đôi này đã sớm không còn mái ấm đúng nghĩa khi bố mẹ chia tay nhau, mẹ đi tìm bến bờ hạnh phúc mới trong khi bố vướng vòng lao lý, vào tù ra tội. Kề cận 2 đứa trẻ từ dạo đó chỉ là 2 người đàn bà lớn tuổi, bà ngoại và bà nội.
Thật khó trách những người bà trong việc để 2 đứa cháu trở thành những đứa trẻ hư. Bởi họ cũng sống trong cảnh nghèo, thân già chạy từng bữa ăn cho cháu đã là kỳ tích, lấy đâu ra sức lực, trí lực bày vẽ chúng học hành.
Lớp 8, cả hai bỏ học. Như thừa nhận “xanh rờn” của Phúc tại tòa việc bỏ học không hẳn vì gia đình khó khăn mà vì: học không vô nữa. Từ đấy, Phúc và Đức dấn thân sâu hơn vào con đường lệch lạc.
|
Cả cái làng An Đôn nằm sát bên bờ sông Thạch Hãn này không ai không biết điều đó. Nên khi Phúc Đức lớn lên thành những thanh niên lêu lổng, người ta cũng chỉ chậc lưỡi như thể đó là điều…tất yếu. Thậm chí khi biết tin hai đứa giết bà bán ve chai, có người cũng …khiếp đảm nhưng vẫn còn đâu đó những tiếng thở dài thương cảm rằng: “Cha mẹ có mà như không thì đó là kết cục biết trước của bọn trẻ”.
Khi Phúc, Đức bị tạm giam, bố mẹ của hai tìm đến thăm 2 lần. Nhưng 2 lần đó có nghĩa gì so với mấy ngàn ngày họ đã để chúng trơ trọi giữa cuộc sống này với những người bà già yếu?
2.So với lúc bị bắt, Phúc và Đức xuất hiện tại phiên tòa sơ thẩm với bộ dạng đầy đặn, có da có thịt hơn. Có người bảo, lúc bị bắt nhìn 2 anh em rất kinh dị với bộ dạng gầy gò, mắt lồi, má hóp… di chứng để lại của những cuộc “cày game” thâu đêm suốt sáng. Nay, hình hài cả 2 thay đổi theo hướng tích cực là vì dẫu ngồi trong trại giam nhưng Phúc, Đức bị tách biệt khỏi thế giới ảo, khỏi màn hình máy tính và được ăn uống đúng giờ giấc.
|
Chính vì thế khi thẩm phán, chủ tọa Võ Ngọc Mậu đã đặt câu hỏi rằng: “Hai bị cáo chơi game có thấy chém giết trên đó không?”, cả hai đáp dõng dạc: “Có!”. Nhưng khi chủ tọa lại hỏi: “Hai bị cáo tưởng đời sống thực cũng như trong thế giới ảo, muốn giết là giết sao?” thì cả hai im lặng.
3. Có lẽ lúc đặt tên cho Phúc, Đức, ông bà cha mẹ của cả 2 đã hy vọng rằng họ sẽ trở thành người đàng hoàng như tên gọi, dù không giàu có, vĩ đại gì nhưng cũng giữ lại cái phúc, cái đức. Làm sao họ ngờ được cả 2 lại đi làm cái việc … vô phúc, thất đức đến vậy.
Kể cả lúc ra đứng trước vành móng ngựa ngày 23.12, Phúc và Đức cũng làm cho những người dự tòa ám ảnh, rợn tóc gáy.Cảm giác ấy có không phải vì những hành vi mà 2 bị cáo làm (bởi có những vụ án giết người cướp của còn kinh hoàng hơn) mà là bởi cái cách 2 bị cáo khai tại tòa- lạnh lùng một cách đáng ghê sợ.
Trong suốt cả phiên xét xử, cả Phúc và Đức đều tỏ ra tỉnh táo, vanh vách khai nhận hành vi một cách…vô cảm. Phúc thậm chí nói một mạch chuyện giết người, cướp của như đã …học thuộc lòng bản cáo trạng. Còn Đức, khi chủ tọa xét hỏi thì nhát gừng trả lời không nhớ đâm nạn nhân bao nhiêu nhát và nhát cuối cùng chí mạng đâm vào cổ nạn nhân mà không rút hung khí ra là bời vì…quên!
Thậm chí, khi các vị hội thẩm hỏi 2 bị cáo có hối hận không thì chỉ nhận được câu trả lời gọn lỏn: “Có!”.
|
Đến nỗi, thẩm phán chủ tọa Võ Ngọc Mậu cũng phải thốt lên rằng hành vi của Phúc và Đức thể hiện sự băng hoại tột cùng về đạo đức của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Có lẽ, ông cũng rất choáng với cái cách mà 2 bị cáo trẻ tuổi đối diện với mình.
Chỉ đến khi được nói lời sau cùng, Đức đã đứng ra xin nhẹ tội cho anh trai là Phúc và ở giờ nghị án, trong thời gian ngắn ngủi người thân được cận kề, anh em Phúc Đức cuối cùng cũng… òa khóc.
4. Phúc và Đức mỗi bị cáo lãnh 18 năm tù vì các tội “Giết người” “Cướp tài sản”, “Trộm cắp tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sở dĩ, cả hai chỉ lãnh mức án này là bởi vào thời điểm gây án chưa đủ 18 tuổi. Chứ theo vị chủ tọa, nếu thời điểm đó là sau 18 tuổi, cả hai khó thoát án tử.
Ở một góc độ nào đó, chính sách của pháp luật VN đã cho Phúc và Đức một con đường sống. Nhưng không biết cả hai có khoan hồng với… chính bản thân mình, có cải tạo tốt để trở về sau nhiều năm nữa và cho mình cơ hội để làm lại cuộc đời?
Bình luận (0)