Anh hùng chống dịch sốt rét

28/02/2020 07:23 GMT+7

Để nghiên cứu và đề ra những biện pháp phòng chống sốt rét hiệu quả cho bộ đội, trung tá - bác sĩ Ngô Đình Quỳ đã tới những vùng rừng thiêng nước độc, sốt rét hoành hành, ăn ở cùng bộ đội ngày đêm chiến đấu...

Căn nhà nhỏ nằm mặt phố Yên Thái (TP.Hà Nội) phủ đầy giàn hoa giấy. Bà Bùi Thị Nhất (83 tuổi) ngỡ ngàng: “Lâu rồi không ai nhắc đến ông ấy” và níu cánh cổng: “Tôi vẫn quen ra ngóng. Hồi xưa, ông ấy từ chiến trường, thường về nhà vào buổi chiều”...

Vào ổ sốt rét

Tháng 3.1946, khi mới 16 tuổi, chàng trai Ngô Đình Quỳ đã viết đơn lên Ủy ban hành chính xã Lam Hạ, H.Duy Tiên (nay P.Lam Hạ, TP.Phủ Lý, Hà Nam) tình nguyện nhập ngũ. Không được chấp nhận bởi đã có 2 anh ở chiến khu, ông phải trốn đi. Thông minh, học giỏi, ông được cử đi học y tá và dần nâng cao lên y sĩ, bác sĩ (BS), chuyên khoa cấp 2...
Đầu những năm 1980, trung tá Ngô Đình Quỳ đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm khoa Sốt rét, Viện Vệ sinh phòng dịch thuộc Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần (nay là Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội). Thời điểm này, 2 người anh của ông đã hy sinh trong chiến tranh, chỉ còn ông và em trai đang phục vụ trong quân đội.
“Ông ấy đi khắp nơi dập dịch, chữa bệnh; không thì cũng ở lỳ trong đơn vị làm việc. Nhà cách đơn vị chỉ 4 - 5 km nhưng thi thoảng cuối tuần mới về. Trách móc thì ông ấy rầu rĩ: Bộ đội khắp nơi vừa chiến đấu vừa đối phó với dịch bệnh, bao anh em hy sinh vì sốt rét, tôi phải nghiên cứu tìm cách chữa trị”, bà Bùi Thị Nhất kể và nhớ lại: “Đầu năm 1983, ông ấy sang Campuchia. Tôi bảo: Thiếu gì người trẻ mà ông phải đi? Ông ấy trầm ngâm: Rừng thiêng nước độc, sốt rét hoành hành. Tôi phải trực tiếp sang đó ăn ở cùng anh em, mới làm được việc”.
Anh hùng chống dịch sốt rét1

Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sĩ - bác sĩ Ngô Đình Quỳ

Ảnh: Tư liệu

Ngày 7.1.1979, thủ đô Phnom Penh được giải phóng nhưng Pol Pot và tàn quân chạy về phía tây ẩn náu, chống phá quân tình nguyện Việt Nam và chính quyền Campuchia non trẻ. Tháng 1.1979, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng - BĐBP) được giao nhiệm vụ tổ chức các đơn vị giúp bạn chiến đấu bảo vệ tuyến biên giới Campuchia - Thái Lan. Cuối tháng 2.1979, những người lính đầu tiên của Đoàn B.72 BĐBP sang đóng quân dọc biên giới thuộc 2 tỉnh Oddor Meanchey và Battambang (Campuchia).
Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Năm, nguyên Phó chỉ huy trưởng BĐBP Long An, bảo: “Hồi ấy có 2 kẻ thù là lính Pol Pot và bệnh sốt rét” và nhớ lại: “Vùng rừng núi ở đó đều là những ổ sốt rét cao. Bệnh nhân mắc, ngoài những biểu hiện chung (môi thâm, mắt vàng, da tái, sưng gan, sưng lá lách...) còn bị teo cơ, nghẹt thở, tiểu ra máu và nhiều trường hợp dẫn đến tâm thần. Ở Tiểu đoàn 214 (Trung đoàn 14 quân tình nguyện BĐBP) có lúc 100% quân số bị sốt rét; cao điểm 200 người nằm liệt. Đặc biệt có 5 trường hợp đã chữa khỏi, về lại đơn vị mắc lại và tử vong”.
Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh, nguyên Phó tư lệnh BĐBP, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, nhớ lại thời điểm là Tiểu đoàn trưởng 220 thuộc Trung đoàn 14 đóng quân ở Pursat sát biên giới: Chỗ đơn vị đứng chân đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều tra dịch tễ từ thời Sihanouk và gạch chéo màu hồng nhạt lên bản đồ, cảnh báo cấm sinh sống. Lực lượng canh giữ biên giới thời Sihanouk khi đó 2 - 3 năm mới vào kiểm tra cột mốc rồi rút ngay. Những ngày đầu đóng quân, bộ đội ta đã giảm sức chiến đấu vì sốt rét. Bệnh nhân quá đông nên trạm xá trung đoàn chỉ tiếp nhận những ca sốt rét ác tính, sơ cứu rồi trả về đơn vị chiến đấu. “Nặng lắm mới được đưa về Phnom Penh. Quân số hy sinh do sốt rét gấp rưỡi số hy sinh trong chiến đấu”, thiếu tướng Khanh cho biết.

Nhìn thấy anh làm việc, bộ đội rất yên tâm

Anh hùng chống dịch sốt rét2

Bà Bùi Thị Nhất, vợ bác sĩ Quỳ chăm sóc bàn thờ chồng

Ảnh: Mai Thanh Hải

Một ngày đầu năm 1983, đại úy Nguyễn Kim Khanh nhận lệnh đón một tổ quân y của Bộ Quốc phòng sang nghiên cứu phòng chống sốt rét. Tổ này do trung tá - BS Ngô Đình Quỳ làm tổ trưởng; dưới quyền có thượng úy Đinh Ngọc Duy (sau này là trung tướng, Giám đốc Bệnh viện T.Ư quân đội 108) và 4 y sĩ.
Ông Khanh kể: “Anh Quỳ hơn tuổi tôi và anh em rất thân nhau. Mỗi khi kiếm được thịt, rau rừng, tôi đều mang sang biếu anh cải thiện bữa ăn kham khổ. Công việc hằng ngày của anh Quỳ là lấy máu của bộ đội về soi trên kính hiển vi rồi đếm hồng cầu, ký sinh trùng sốt rét trên đó. Cách làm này thủ công nhưng lúc đó là tốt nhất và từ kết quả ấy anh cung cấp cho quân y trung đoàn những thông tin về bệnh. Đặc biệt, anh Quỳ đã phát hiện sốt rét biến thể, báo cáo về Bộ Quốc phòng xin thay đổi thuốc phòng và điều trị cho bộ đội”.
“Việc thực tế của anh Quỳ cũng giúp anh có tư liệu làm luận án phó tiến sĩ”, thiếu tướng Khanh nhớ lại và cười: “Ba lô anh Quỳ toàn tiêu bản máu mang về nước nghiên cứu. Bộ đội nhìn thấy tổ quân y và anh Quỳ làm việc, rất yên tâm”.
Cuối năm 1984, ông Khanh về nước, ra Hà Nội học ở Học viện quân sự cấp cao và tìm đến nhà BS Ngô Đình Quỳ, đúng lúc BS đang nắm cơm, gói muối vừng sang lại biên giới Campuchia - Thái Lan với Trung đoàn 14. Đến giờ, thiếu tướng Khanh vẫn nhớ như in lời hẹn của BS Quỳ: “Đêm nay anh lại lên tàu vào TP.HCM và sang đó ở với bộ đội. Vừa tiếp tục công tác vừa hoàn chỉnh luận án. Sang năm ra, mình gặp nhau”. Tối hôm ấy, lần đầu tiên bà Bùi Thị Nhất được ra ga Hàng Cỏ tiễn chồng. “Tự nhiên ông ấy lại bảo chở ra ga và kéo lên tận toa tàu chia tay. Tôi cứ nghĩ ông ấy sang khu rừng thiêng nước độc lần 2 này dài ngày, nên động viên vợ. Ai ngờ lần cuối!”…

Ba lô anh Quỳ toàn tiêu bản máu mang về nước nghiên cứu. Bộ đội nhìn thấy tổ quân y và anh Quỳ làm việc, rất yên tâm

Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh, nguyên Phó tư lệnh BĐBP,
Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội

Giữa tháng 5.1985, ở vùng “đất chết” Pursat giáp biên giới - trọng điểm sốt rét ác tính, cách thị xã Krong Pursat 12 km về phía tây, BS Ngô Đình Quỳ bị sốt rét ác tính trong khi đang làm nhiệm vụ cứu chữa bộ đội mắc bệnh sốt rét. Biết tin, đại tướng Lê Đức Anh, Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, lệnh cho Quân chủng Không quân dùng máy bay trực thăng sang đưa BS Quỳ về nước chữa trị. Nhập viện chưa tròn 24 giờ, trung tá - BS Ngô Đình Quỳ hy sinh, đó là ngày 20.5.1985.

Vợ con người anh hùng

Ngày đầu năm Canh Tý, tôi ngồi trong căn phòng nhỏ giữa lòng phố cổ Hà Nội, nghe bà Bùi Thị Nhất vừa nhìn lên bàn thờ chồng vừa chầm chậm kể: “Ông hy sinh lúc con trai đầu Ngô Tiến Dũng 27 tuổi, con gái Ngô Tiến Minh 25 tuổi và con út Ngô Bích Thủy 13 tuổi”. Tiếng là con đã lớn nhưng lương hộ sinh trạm xá Q.Hoàn Kiếm thời bao cấp ít ỏi; chồng bộ đội đi biền biệt nên bà Nhất phải làm thêm đủ mọi việc từ may vá thuê quần áo, nuôi lợn, gà… Các con đi học đi làm, cũng một tay bà Nhất chăm lo, định hướng. “Chúng nó giống tính ông ấy. Khẳng khái và tự lực nên không bao giờ lấy danh anh hùng - liệt sĩ của bố để xin xỏ, nhờ vả”, bà Nhất nói và kể: “Ông ấy mất mấy năm, tôi soạn lại đống tài liệu thì thấy cuốn sổ tiết kiệm 40 đồng. Mang ra ngân hàng xin rút, nhân viên họ nằng nặc đòi phải có mặt ông ấy. Tôi phải mang Bằng Tổ quốc ghi công ra, họ mới chịu. Đấy là lần duy nhất tôi phải nói ông ấy là anh hùng, đã hy sinh…”.
Từ năm 1983 - 1985, trung tá Ngô Đình Quỳ đã bám trụ cùng Trung đoàn 14 ở khu vực trọng điểm sốt rét của chiến trường Campuchia; trực tiếp lên các điểm chốt tiền tiêu, nghiên cứu và đề ra những biện pháp phòng chống sốt rét có hiệu quả cho bộ đội. Cùng các y sĩ trong đoàn điều trị, cứu chữa hàng vạn lượt bộ đội sốt rét, bị thương và huấn luyện bồi dưỡng kinh nghiệm phòng chống sốt rét cho gần 100 quân y sĩ. Bên cạnh đó, ông Ngô Đình Quỳ còn khám, phân loại và phòng chống sốt rét, bồi dưỡng kinh nghiệm chuyên môn cho Đoàn A583, Binh đoàn 2 của bộ đội Campuchia. BS Ngô Đình Quỳ đã góp phần làm tăng tỷ lệ quân số khỏe cho đơn vị (1983 là 75%, 1984 là 80%). Tỷ lệ sốt rét/tử vong năm 1983 là 689/54, năm 1984 là 312/14. Đặc biệt, năm 1984, Trung đoàn 14 đã giảm tử vong do sốt rét ác tính, chỉ còn 25% so với năm 1983. Ngày 29.8.1985, BS Ngô Đình Quỳ được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang... (Nguồn: Bộ Quốc phòng)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.