Anh hùng giữa đời thường: Người giữ cao điểm 438

18/02/2017 08:38 GMT+7

Phải đến khi nhìn thấy tấm hình mặc quân phục thiếu tá phía trên khung kính giữ giấy chứng nhận, tôi mới tin người đàn ông đang chống gậy sau gian hàng tạp hóa sơ sài ở cái thôn nghèo của xã Trường Giang (Nông Cống, Thanh Hóa) là Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Nho Bông, người đã kiên cường giữ điểm cao phía tây Đồng Đăng (Lạng Sơn) suốt những ngày đầu chiến tranh tháng 2.1979.

1 tháng bám giữ cao điểm
Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Nho Bông sinh năm 1945, nhập ngũ tháng 9.1969, khi được tuyên dương là trung úy, Đại đội trưởng công binh thuộc Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 3, Quân đoàn 14, Quân khu 1. Trong đợt chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía bắc, Đại đội trưởng Bông chỉ huy đơn vị diệt nhiều sinh lực địch với sự linh hoạt, đánh nhanh, đánh mạnh chiếm lại điểm cao và kiên quyết chốt giữ trận địa. Ngày 20.12.1979, Nguyễn Nho Bông được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và Huân chương Quân công hạng ba.
72 tuổi, chân bước run rẩy, ông chỉ căn nhà vừa xây xong và bảo: “Căn nhà khánh thành tháng 7.2015, do đơn vị, địa phương và các nhà hảo tâm giúp đỡ xây dựng, chứ tôi lấy đâu ra tiền”. Ngược dòng hồi ức, ông kể: Nhập ngũ tháng 9.1968, ông vào chiến đấu ở địa bàn Quảng Nam - Quảng Ngãi, tháng 6.1976 cơ động lên Đồng Đăng (Lạng Sơn) bảo vệ biên giới. Buổi sáng 17.2.1979 khi phía Trung Quốc bắn pháo sang đất ta, ông còn thắc mắc: “Sao năm nay sấm dậy sớm thế?”. Chỉ đến khi những người lính trên tuyến 1 chạy về báo, ông mới biết chiến tranh. “Chúng tôi chậm được thông báo vì đường dây hữu tuyến đã bị thám báo địch cắt từ đêm hôm trước, vô tuyến thì không có. Lúc ấy 1/3 quân số của sư đoàn rút về Hà Bắc làm kinh tế, số ở lại cũng mỗi người chỉ có 1 khẩu AK, 3 băng đạn, 3 quả lựu đạn nên khi bị bao vây, chúng tôi toàn lấy vũ khí của địch đánh địch”, ông Bông kể tiếp.
Kết thúc hơn 1 tháng kiên cường giữ chốt trên cao điểm 438, đơn vị ông hy sinh 14 người. “Sở dĩ thương vong ít là vì lính chúng tôi toàn người Bình Định đã qua chiến đấu miền Nam nên có kinh nghiệm trận mạc và rất lì đòn. Hơn 1 tháng trời không có sự chi viện từ tuyến sau, tôi xếp thi hài anh em hy sinh vào hầm chữ A, gắn tên tuổi cẩn thận để sau này tiện cho công tác thương binh liệt sĩ. Nhìn lính mình nằm như ngủ, nghẹn không khóc nổi”, ông Bông nhớ lại.
“Trận đánh kinh tế” đầu đời
Năm 1990, thiếu tá Nguyễn Nho Bông, Phó tham mưu trưởng trung đoàn xin về nghỉ hưu tại xã Trường Giang (Nông Cống, Thanh Hóa) cho dù cấp trên giữ lại nài nỉ: “Nếu thấy tác chiến vất vả quá thì cho lên sư đoàn phụ trách nhà truyền thống”. Ông bảo: “Tôi không đành lòng nhìn vợ nuôi 3 đứa con nhỏ, bố mẹ già trong căn nhà tre dột nát, thiếu thốn mỗi bữa ăn”.
Số tiền 200 đồng mang về, việc đầu tiên là ông mua mấy bao gạo chống đói cho cả gia đình, họ hàng làng xóm xung quanh. “Trận đánh kinh tế” đầu đời của ông là nuôi lợn ngay tại vườn nhà. Hơn 1 năm cắm cúi với cám bã, ông nhất quyết: “Phải làm gì khác người, cho dân làng cùng nhanh làm giàu”. Ông vay mượn hơn 10 triệu đồng, ra Hà Nội la cà các làng nghề tìm hiểu và rinh hẳn 1 chiếc máy làm miến gạo chạy dầu về làm ăn. Sản phẩm của ông ngay lập tức đáp ứng cả vùng bởi giá rẻ, chất lượng tốt và ông trở thành “điển hình làm kinh tế” trong huyện. Từ mô hình của ông, nhiều người học theo, dần làm lên thương hiệu miến gạo Trường Giang, cùng với nón lá như bây giờ.
Anh hùng giữa đời thường: Người giữ cao điểm
Công việc thường ngày của Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Nho Bông là bán hàng tạp hóa
Cuối năm 1996, ông bị tai nạn giao thông rất nặng, phải vào điều trị tại Bệnh viện Quân khu 4 cả năm trời. Hồi ấy ai cũng tưởng ông không qua nổi, thế nhưng một lần nữa ông không đầu hàng, gượng thoát khỏi tình trạng bị liệt, nhúc nhắc tập ngồi, tập đi và sau vài năm trời, lại trở về quê nhà với gia tài gần như tay trắng, do phải bán đồ trong nhà đi mua thêm thuốc thang đặc trị, chăm sóc.
Buổi chiều đầu năm ở vùng chiêm trũng Nông Cống, Thanh Hóa, gió bấc lùa vào căn nhà trống, rét lìm lịm. Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Nho Bông chập chững lần tường đưa tôi ra phía sau, chỉ căn nhà cũ xiêu vẹo kể: Lính cũ của tôi ở đơn vị chẳng còn ai, anh em chỉ huy Sư đoàn 3 (Quân khu 1) mới lên đọc truyền thống ngày xưa tìm về thăm, thấy con nhỏ, bệnh tật, nhà cửa quá lụp xụp khó khăn nên làm văn bản đề nghị tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ việc xây nhà mới, cùng với số tiền 100 triệu đồng do cán bộ chiến sĩ sư đoàn đóng góp. UBND tỉnh đồng ý chi 110 triệu; một ngân hàng tặng 50 triệu đồng. Thêm một số khoản giúp đỡ của nhóm hội đồng hương, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tính ra giờ vẫn nợ tiền xây nhà cả trăm triệu...
Tôi chụp hình ông mặc quân phục, ông cười gượng: “Nhà tui có bộ bàn ghế là đáng giá nhất, cũng do các chú ở Sư đoàn 3 mang về tặng hôm tân gia 27.7.2015”. Rồi trầm ngâm: “Vất vả bao nhiêu tôi cũng không kêu vì đồng đội hy sinh cho mình được sống, nên phải sống tốt cho xứng đáng. Tuổi cao sức yếu cũng sắp theo anh em rồi, chỉ mong được kể cho thế hệ trẻ biết về những người rất trẻ tuổi 18 - 20 đã nằm xuống cho yên ấm hòa bình hôm nay”, ông nói với tôi vậy, khi lần tay mở sớm tờ lịch của ngày 17.2.2017 trong buổi chiều rét buốt. 38 năm trước, biên giới cũng rét như bây giờ.

tin liên quan

Anh hùng giữa đời thường: Huyền thoại 338
Ngày 20.12.1979, Chủ tịch nước đã ký lệnh số 187/LCT phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 29 cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ có thành tích chiến đấu ở biên giới phía bắc. 38 năm trôi qua kể từ tháng 2.1979, PV Báo Thanh Niên đã tìm gặp lại những người anh hùng đang sống bình dị giữa đời thường...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.