(TNO) Anh hùng Lao động Hồ Giáo vừa từ biệt cõi tạm lúc 15 giờ 30 ngày 14.10.2015, hưởng thọ 86 tuổi.
Anh hùng lao động Hồ Giáo - Ảnh: Trần Đăng |
Ông thanh thản ra đi, bỏ lại sau lưng mình một quá khứ trĩu nặng những cỏ và trâu.
Sinh ra trong một gia đình nông dân đông anh chị em ở xã Tịnh Sơn, H.Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi năm 1930. Lên tuổi 13, Hồ Giáo đã phải đi ở đợ cho nhiều gia đình địa chủ trong vùng. Năm 18 tuổi, ông vất chiếc roi chăn bò, giã từ kiếp ở đợ để lên đường tham gia kháng chiến...
Nông trường Ba Vì những năm 60 của thế kỷ trước đã thành nơi thử sức anh nông dân Hồ Giáo trong việc chinh phục đàn bò sữa với những “nhân vật” ương ngạnh đã thành đề tài của nhiều trang sách thời ấy. Để rồi, Hồ Giáo, lần đầu tiên trong đời mình, đứng lên bục vinh quang: Anh hùng Lao động năm 1966.
Hai mươi năm sau, năm 1986, vinh dự ấy đã đến với ông một lần nữa, cũng một việc chăn nuôi gia súc. Lần này là nuôi đàn trâu Mura lên đến ngàn con tại Nông trường Sông Bé.
Hai mươi năm, hai lần anh hùng cho mỗi một công việc là nuôi trâu- bò, “kỷ lục” này có lẽ mãi mãi không ai có thể “soán ngôi” Hồ Giáo.
Năm 1990, bước sang tuổi 60, Hồ Giáo về hưu tại quê nhà Quảng Ngãi. Nhưng bầy trâu Mura-kỷ vật của Thủ tướng Indira Ganhdi- Ấn Độ tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng-người mà Hồ Giáo vẫn coi như “cha nuôi” của mình vẫn chưa chịu buông ông, để đến năm 80 tuổi (2010), Hồ Giáo mới chính thức về hưu.
Hai lần được phong Anh hùng Lao động
Hồ Giáo là người duy nhất trong ngành chăn nuôi được Nhà nước Việt Nam phong danh hiệu Anh hùng Lao động hai lần vào năm 1966 và 1986. Anh hùng Lao động Hồ Giáo cũng là Đại biểu Quốc hội các khóa 4, 5 và 6.
Anh hùng Lao động Hồ Giáo sinh năm 1930, tại thôn Bình Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Tỉnh Quảng Ngãi. Ông tham gia Việt Minh năm 1948 tại địa phương, đến năm 1954 tập kết ra bắc công tác tại sư đoàn 350 bảo vệ Hà Nội.
Đến năm 1960, Hồ Giáo chuyển sang làm công tác chăn nuôi tại Ba Vì, Hà Tây. Với nhiều thành tích trong nuôi heo và bò, như thụ tinh nhân tạo cho heo, trị bệnh cho heo, bò, Hồ Giáo được phong danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1966.
Sau khi thống nhất đất nước, Hồ Giáo tiếp tục công tác tại Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam bộ, xã Lai Khê, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé (cũ, nay là tỉnh Bình Dương).
Năm 1980, với thành tích đặc biệt trong việc nuôi trâu Mura, Hồ Giáo tiếp tục được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần 2.
Hồ Giáo đã sống, cống hiến hết mình và luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà nhơ, nhạc sĩ.
Các thế hệ học sinh Việt Nam vẫn hằn sâu vào ký ức với Đàn bê của anh Hồ Giáo khi được học và đọc qua bài tập đọc trong sách giáo khoa lớp 2. Và hình tượng Hồ Giáo lúc chăn bò ở Ba Vì cũng được nhạc sĩ Nhật Lai thể hiện qua Bài ca anh Hồ Giáo.
Hoài Nhơn (tổng hợp)
|
Bình luận (0)