Ảnh hưởng dịch Covid-19, chỉ số PMI ngành sản xuất giảm thấp kỷ lục

01/04/2020 19:08 GMT+7

Báo cáo quý 1/2020 của Bộ Công thương vừa công bố chiều nay (1.4) cho thấy, chỉ số PMI của Việt Nam giảm mạnh và sản lượng sản xuất công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6,5 năm qua.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Việt Nam đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 2 - mức giảm ở dưới 50 điểm đầu tiên trong hơn bốn năm qua. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 5,8%, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2017, 12,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Cũng trong ngày 1.4, IHS Markit công bố chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 3.2020. Theo đó, PMI Việt Nam đã giảm từ 49 điểm của tháng 2 về 41,9 điểm trong tháng 3. Theo IHS Markit, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực lên lĩnh vực sản xuất trong tháng 3. Các điều kiện kinh doanh đã suy giảm với mức độ mạnh nhất kể từ tháng 3.2011 khi sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm giảm ở mức kỷ lục.
Ngoài ra, mức độ lạc quan trong kinh doanh cũng giảm về mức đáy mới. IHS Markit cho rằng, đại dịch Covid-19 đã khiến cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể trong tháng 3. Cả hai chỉ số đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử chỉ số, với tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm gần tương đương với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.
Khoảng 42% số người trả lời khảo sát cho biết sản lượng ngành sản xuất đã giảm vào thời điểm cuối quý 1. Sự suy giảm mạnh được ghi nhận ở tất cả ba lĩnh vực là hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản. Các nhà sản xuất cũng giảm hoạt động mua hàng trong tháng 3 khi hoạt động mua hàng hóa đầu vào giảm với tốc độ kỷ lục. Theo đó, tồn kho thành phẩm cũng giảm đáng kể và mức giảm là lớn nhất trong vòng hơn sáu năm qua. Hàng mua đầu vào giảm mạnh, hàng bán ra cũng giảm, khiến tồn kho tăng. Báo cáo cũng nêu tình trạng chậm trễ nguồn hàng từ Trung Quốc khiến sản xuất khó khăn do khan hiếm nguyên vật liệu.
Cùng với sự đi xuống của sản lượng, số lượng đơn đặt hàng, mức độ lạc quan trong kinh doanh theo khảo sát của IHS Markit cũng giảm về mức thấp nhất từ khi chỉ số này được khảo sát vào tháng 4.2012. Hơn 25% công ty dự báo sản lượng giảm trong năm tới, gần 39% số người trả lời khảo sát dự kiến sản lượng sẽ cao hơn mức hiện tại, với kỳ vọng phục hồi khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.