Chương trình phát động với mục đích nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc phân loại, tái chế chai nhựa và lon đã qua sử dụng. Qua đó, hình thành và xây dựng thói quen nhỏ, góp phần tạo tác động to lớn để hướng tới tầm nhìn "Vì một thế giới không rác thải" trong giới trẻ.
Ngoài việc trực tiếp thu gom chai nhựa, lon đã qua sử dụng, sinh viên còn hưởng ứng chương trình bằng cách tham gia cuộc thi clip với chủ đề: "Bảo vệ môi trường bắt đầu từ việc xây dựng và duy trì thói quen thu gom, phân loại, gửi đi tái chế rác thải nhựa" theo đúng qui trình.
Để quá trình thu gom chai nhựa và lon được hiệu quả, ban tổ chức đã lắp đặt các máy thu gom tại một số khu dân cư và 5 trường đại học ở TP.HCM (Quốc tế Hồng Bàng, Công Thương; Ngân Hàng, Gia Định, Khoa học xã hội và nhân văn). Mỗi trường sẽ có 2 máy được đặt trong thời gian vòng 3 tháng.
Chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối" năm 2024 có cổng thông tin được thiết kế chuyên biệt trên ứng dụng Zalo, với thể lệ đổi quà và các giải thưởng hấp dẫn, nhằm khuyến khích sự tham gia rộng rãi cũng như tận dụng sức mạnh của cộng đồng để hoạt động tái chế hiệu quả hơn.
Chia sẻ tại lễ phát động, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, cho biết: "Sinh viên là một bộ phận bạn đọc được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Thông qua chương trình Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối, chúng tôi mong muốn góp phần nâng cao ý thức tạo thói quen thu gom, tái chế, giúp giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là chai nhựa, lon nhôm ra môi trường trong giới sinh viên".
Bình luận (0)