Anh ở biên cương - Kỳ 1: Tranh tre nứa lá

27/02/2014 05:55 GMT+7

(TNO) “Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ở trên anh mùa này con nước, lắng phù sa in bóng đôi bờ”, câu hát đã quá quen với hình ảnh những người lính bộ đội Biên phòng (BĐBP), quân hàm xanh trung trinh giữ từng nắm đất, vòng suối nơi địa đầu gian khổ của Tổ quốc.

55 năm ngày truyền thống bộ đội Biên phòng (3.3.2014):
Phòng ở của cán bộ chiến sĩ ĐBP Nậm Ngừ

Bây giờ mà kể chuyện doanh trại “tranh tre nứa lá”, rất nhiều người không tin bởi quân đội ta đã tiến lên “chính quy hiện đại” từ lâu. Thế nhưng với BĐBP, đây là “chuyện thường ngày ở huyện” và tôi đã gặp những ngôi nhà lụp xụp này, ở các Đồn Biên phòng (ĐBP) Nậm Nhừ, Nà Bủng, Sen Thượng, Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé, Mường Chà) thuộc BCH BĐBP Điện Biên.

Vừa ăn cơm, vừa ôm cột nhà

ĐBP Nậm Nhừ nằm trên địa bàn xã Nậm Nhừ (Mường Nhé), trước đây còn có tên là ĐBP Nà Khoa. Mấy chục năm trực thuộc hết tỉnh này, huyện khác, xã kia nhưng đến nay, doanh trại vẫn là mấy dãy nhà mái lá, tường tre nứa, nhìn đâu cũng thấy vải bạt đủ màu phập phồng che mưa.

55 năm ngày truyền thống bộ đội Biên phòng (3.3.2014):
Canh sóng điện thoại ở ĐBP Sen Thượng

Hôm tôi theo xe u oát, nhảy tưng tưng cả ngày trời trên con đường rừng từ trụ sở BCH BĐBP tỉnh Điện Biên vào đồn, đúng hôm trời trở gió. Bữa cơm nấu từ chiều nguội ngắt, cả đồn mấy mâm toàn đĩa bát sắt, lùa vội trong ánh điện máy nổ vàng vọt, không đủ chiếu sáng để nhận ra món ăn.

Chưa và nổi bát cơm, bỗng thấy liếp cửa hực lên như bị ai đó cầm vồ thúc mạnh, gió ràn rạt trên mái lá và cả căn nhà lá xiêu vẹo, nghiêng hẳn xuống suối. Thượng tá Đồn trưởng Lê Tiến Long quay ngoắt người chộp mấy chiếc mũ cứng treo sẵn đằng sau, chụp lên đầu khách xong mới nhoài người che kín mâm cơm trên bàn. Phía sau, cả chiến sĩ lẫn sĩ quan của đồn - như đã quá quen thuộc với cảnh này - người che mâm cơm, người ôm cứng mấy cây cột chống, gồng người chống giữ cho cột không đổ gục.

55 năm ngày truyền thống bộ đội Biên phòng (3.3.2014):
Nhà ăn tại ĐBP Nậm Nhừ

5 phút trôi qua, gió ngừng ràn rạt, mái lá hết dựng ngược lao xao. Thượng tá Long ngồi xuống ghế, cười trấn tĩnh khách: “Mùa dông lốc, bộ đội mắc võng trùm áo mưa ngủ là bình thường. Chỗ này là thung lũng hút gió của toàn bộ khu vực, mùa mưa còn bị mưa đá thường xuyên” và chỉ số anh em đang lao xao trong bếp: “Luộc lại rau, trôi hết bồ hóng, ăn đỡ sạn”.

Đến ĐBP Nậm Nhừ, tinh ý sẽ thấy đồ đạc của bộ đội cực kỳ gọn nhẹ, mỗi người chỉ 1 chiếc ba lô y như đi dã ngoại, chỉ vài chiến sĩ vừa nhập ngũ mới có hòm nhôm và tủ súng - tủ tài liệu của đồn bằng sắt. Hỏi ra mới biết: Để dễ cơ động di chuyển khỏi nhà khi tốc mái, tường sập hoặc cháy mùa khô.

Được giao quản lý - bảo vệ 11 mốc, 34 km đường biên và phụ trách 2 xã Nậm Nhừ, Na Cô Sa dọc biên giới nước CHDCND Lào, khu vực Đồn Nậm Nhừ đóng quân nằm ở nơi hiểm trở, xung yếu và dĩ nhiên khó khăn nhất.

Ở gần bạn Lào, được “chiêu đãi” nguyên đặc sản ít nơi nào có: gió Lào, nên mùa hè không chỉ cây lá, nhà cửa vàng vọt xơ xác mà đến cả bộ đội quen rèn luyện chịu đựng, cũng lờ đờ, mệt mỏi, ốm đau cả loạt.

“Ốm đến mức ăn cháo, cũng vẫn cứ phải thay phiên nhau xuống suối gạn nước, tưới lên mái nhà để... chống cháy”, đại úy Đinh Công Thắng, cán bộ Đội Vũ trang kể vậy và chỉ ra ngọn đồi phía sau: “Phải để riêng máy nổ ra xa. Nó mà bị sao, cả khu này tối tăm mù mịt, bị cách ly với đời sống bên ngoài là cái chắc”.

55 năm ngày truyền thống bộ đội Biên phòng (3.3.2014):
Tại những địa bàn phức tạp như Sen Thượng, vũ khí luôn là “vật bất ly thân” khi cán bộ chiến sĩ xuống địa bàn

Điện thoại treo đầy... chuồng

ĐBP Sen Thượng mới được thành lập cuối năm 2011, với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới Việt - Trung dài gần 23 km với 9 mốc quốc giới và địa bàn xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé). Từ đoạn đường chính (thị trấn Mường Nhé lên A Pa Chải) rẽ vào Đồn, chỉ thấy núi là núi, rừng là rừng, tịnh không một bóng nhà dân ven đường.

 

Chính nhà thơ Dương Soái, khi còn là phóng viên chiến trường trên biên giới phía Bắc, những ngày đầu đánh trả quân xâm lược tháng 2.1979, hòa mình vào cuộc sống - chiến đấu của những người lính Biên phòng, đã bật lên những câu thơ Gửi em ở cuối sông Hồng, sau đó được Nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Qua bao nhiêu năm, bài hát đã quen thân đối với mỗi cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng.

Đi mãi, rồi bên cạnh con đường lổn nhổn đá không dành cho xe du lịch, cũng hiện ra 2 dãy nhà vách gỗ mái tôn, nằm giữa khu đồi trọc, không có nổi một bóng cây. Đó là nơi ăn ở sinh hoạt, chiến đấu làm việc của bộ đội đồn.

Vào đồn, rút điện thoại gọi nhưng... im thít. Trung tá - chính trị viên Bùi Minh Hồng lắc đầu: “Trong đây không điện lưới, không sóng điện thoại, không cả sóng phát thanh”.  

Dẫn tôi xuống cuối dãy nhà, trung tá Hồng chỉ căn nhà ngang không vách, trông gọn gàng, 1 chiếc máy xát lúa với 1 cậu chiến sĩ ngồi trước mấy thanh gỗ đóng ngang, buộc cả chục chiếc điện thoại bằng dây chun, xếp lớp như xếp cá khô: “Anh buộc tạm, hứng sóng cùng, khi nào bắt được sóng, anh em sẽ lên gọi”, khiến tôi muốn cười cũng không nổi.

Nói đến ĐBP Sen Thượng, không thể không nhắc đến gương hy sinh dũng cảm của thượng úy Lương Văn Năm, khi làm nhiệm vụ truy bắt bọn tội phạm bị truy nã tại biên giới Việt - Trung ngày 15.10.2012.
 .
Trung tá Bùi Minh Hồng giọng bùi ngùi kể: Rạng sáng 15, trong khi triển khai vây bắt nhóm phỉ, thượng úy Năm bị trúng đạn phục kích, nhưng vẫn gượng băng bó vết thương cho 2 chiến sĩ công an trong tổ công tác, đánh lạc hướng để thiếu tá Nguyễn Văn Tính băng rừng chạy về ĐBP Sen Thượng gọi lực lượng chi viện. Thượng úy Năm hy sinh, để lại ở quê hương Giao Thủy (Nam Định) người vợ trẻ Nguyễn Thị Hương và 2 con gái còn rất nhỏ: bé Lương Ngọc Anh mới học lớp 1, còn bé Lương Ngọc Phương chưa đầy 7 tháng tuổi.
 
“Gần 2 năm, cứ mùa trăng cuối tháng là lại nhớ cái đêm đau xót ấy”, đại úy Phạm Hồng Quang, Phó Đồn trưởng Sen Thượng nghèn nghẹn chỉ màn sương đặc quánh như thể xắt ra được thành miếng ở dãy núi trước đồn trong đêm và lắc đầu: “Có ở vùng biên, mới hiểu sự hy sinh của lính biên phòng”. 

Ngay hôm sau, khi vào thăm bản Tả Ló San của người Hà Nhì nằm sát đường biên, tôi càng thấu hiểu khái niệm “phức tạp, nguy hiểm” khi được một tốp cán bộ chiến sĩ của đồn đi trước chốt sau bảo vệ, ai cũng gọn gàng bao xe đựng đạn và súng AK sẵn sàng trên tay, theo đội hình chiến đấu.

55 năm ngày truyền thống bộ đội Biên phòng (3.3.2014):
Doanh trại ĐBP Nà Bủng

Ở biên giới, đặc biệt là biên giới phía Bắc, không tình huống nào là không thể xảy ra. Chả thế mà ở ngay bản Tả Ló San chỉ có 11 hộ dân với hơn 50 nhân khẩu, nhưng BCH BĐBP tỉnh Điện Biên và ĐBP Sen Thượng phải thành lập hẳn một tổ công tác với cả chục cán bộ chiến sĩ ngay tại bản, để vừa bảo vệ đường biên mốc giới, vừa giúp từng hộ dân phát triển kinh tế xã hội. 

Ở Tả Ló San, tôi theo chân bộ đội luồn rừng tìm nguồn nước, lắp máy thủy điện nhỏ cho dân thắp sáng, xem tivi; gặp những chiến sĩ má lún phún lông tơ, tay ngượng nghịu cầm cuốc, nhưng vẫn cắn răng phồng tay bập từng nhát cuốc khơi ruộng đồng bào; chứng kiến cảnh anh em tổ công tác góp từng đồng, giúp gia đình trong bản có tiền; đưa người ốm, vượt đường rừng dằng dặc ra bệnh viện.

55 năm ngày truyền thống bộ đội Biên phòng (3.3.2014):
Vọng gác tạm bợ tại ĐBP Nậm Nhừ

Câu khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” như chân thực hơn và tôi cảm phục hơn, khi những người lính ấy, đang sống trong doanh trại “nứa lá tranh tre”, uống nước suối, đêm phập phù nhìn nhau trong màu vàng điện nước và ngay cả cuộc điện thoại gọi về nhà thăm hỏi vợ con, cũng nhường nhau hứng sóng, lõm bõm gọi nhờ...

Nà Bủng đã hết bủng beo

Ngồi ở TP.Điện Biên hỏi đến địa danh Nà Bủng, khối người ngơ ngác: “Đâu đấy nhỉ? Nghe như có sống cũng bủng beo”. Đấy là thật, bởi Nà Bủng nằm cuối huyện Nậm Pồ, giáp với huyện Mường Mày (Phong Sa Lì, CHDCND Lào). Nhắc đến ĐBP Nà Bủng, càng ít người biết do mới thành lập cuối 2011, với doanh trại 3 dãy nhà đúng chất “mái lá giọt gianh”.
 
Cũng lạ, có lẽ do khái niệm “lính trấn tiền đồn” từ ngày xưa, nên đến ĐBP nào cũng thấy toàn nằm ở những nơi khó khăn gian khổ đến cùng cực. Ngoài không điện thắp sáng, không sóng điện thoại, không sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, những người lính BP Nà Bủng còn phải vật lộn với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Hai ngày ở đồn, cứ ăn sáng xong là lại thấy một tốp chiến sĩ mặc trang phục dã ngoại, xếp hàng vác cuốc xẻng ra khỏi đồn. Tôi hỏi, thượng tá - chính trị viên Nguyễn Ngọc Vinh cười: “Anh em đi khơi nguồn nước. Mùa khô đã thiếu nước, lại phải nhường nước cho nhà trường bán trú gần bên” và thú thật: “Chỉ khách khứa lên đây mới được tắm nước bể, dự trữ từ mùa mưa và nước dành dụm hằng đêm. Bộ đội phải ra khe suối cách đây 3 km tắm giặt, khi về đường bụi, lại bẩn như thường”.

Thiếu tá Hứa Trọng Đạt, quyền Đồn trưởng Nà Bủng, khi tẩn mẩn ngồi nói chuyện về những việc đã làm được, cười hiền: “Hồi trước, dân Nà Bủng đúng là bủng beo vì súng ống. Nhưng giờ có đồn, có bộ đội, người dân đã biết sản xuất, buôn bán, hết bủng beo”.

Mai Thanh Hải

>> Biểu dương cán bộ, chiến sĩ biên phòng Tây Bắc
>> Hát 'Chiều biên giới em ơi' trên trạm chốt biên phòng
>> Báo Thanh Niên trao học bổng cho con em bộ đội biên phòng Lai Châu
>> Sơ kết 5 năm 'Ngày Biên phòng toàn dân
>> Bộ đội biên phòng phá nhiều án ma túy, buôn lậu
>> Bộ đội biên phòng cứu 7 ngư dân
>> Bộ đội biên phòng xuất phát cứu ngư dân
>> Trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho con em chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.