Ngoại trưởng Anh Dominic Raab vừa kết thúc chuyến công du kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 21.6, đến 3 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Campuchia và Singapore. Theo công bố của Anh, chuyến công du lần này tập trung vào các vấn đề hợp tác thương mại, an ninh và quốc phòng.
Mở đường hợp tác thương mại
Đánh giá về chuyến công du của Ngoại trưởng Raab khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên ngày 25.6, PGS Stephen Robert Nagy (thuộc Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng: Anh đã và đang dần xây dựng dấu ấn ở Thái Bình Dương trong lĩnh vực an ninh và thương mại.
“Chuyến thăm của Ngoại trưởng Raab đến Việt Nam, Campuchia và Singapore nhằm tăng cường mối quan hệ hiện có với các nước Đông Nam Á”, PGS Nagy nhận xét và chỉ ra rằng trong vấn đề hợp tác thương mại thì Anh đang xúc tiến quá trình tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Liên quan vấn đề này, tờ Nikkei Asia hồi đầu tháng 6 đã dẫn lời Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết 11 thành viên của CPTPP đã quyết định bắt đầu đàm phán về việc Anh xin gia nhập hiệp định này. Thực tế, sau khi rời khỏi EU, Anh đang phải đẩy nhanh tiến độ ký kết các hiệp định thương mại với bên ngoài EU, bởi trước đó thì nhiều thỏa thuận mà Anh đạt được với các đối tác ngoài khối đều thông qua EU.
Trong khi đó, châu Á - Thái Bình Dương đang là khu vực có quy mô kinh tế thương mại rất lớn. Và trong đó thì thị trường ASEAN có vai trò quan trọng. Chính vì thế, London phải tăng cường hợp tác với các đối tác ở ASEAN và rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương.
Củng cố quan hệ quốc phòng
Bên cạnh đó, theo PGS Nagy, London cũng đang hợp lực với các thành viên của “bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) vốn là một cấu trúc an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Qua đó, Anh muốn tăng cường tham gia vào khu vực.
“Nhìn chung, Anh nghiêm túc về sáng kiến Indo-Pacific và đang đàm phán hợp tác để tăng cường hợp tác an ninh và thương mại. Bước tiếp theo của Anh là đóng vai trò một phần của “bộ tứ kim cương” mở rộng dựa trên cuộc đối thoại với các thành viên “bộ tứ”. Qua đó, London có thể tham gia với “bộ tứ” trong các chương trình huấn luyện quân sự chung, như cách Canada đang thực hiện, hoặc tham gia các chương trình hợp tác khác, điển hình như chương trình của “bộ tứ” trong việc phát triển và phân phối vắc xin ngừa Covid-19”, ông Nagy phân tích.
Đầu năm nay, truyền thông Anh tiết lộ Thủ tướng nước này Boris Johnson dự kiến thảo luận với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi về việc London gia nhập “bộ tứ”. Trước đó, khi đến thăm Ấn Độ vào tháng 12.2020, Ngoại trưởng Raab cũng cho hay London không loại trừ khả năng tham gia “bộ tứ kim cương”, trong khi các thành viên cũng muốn mở rộng liên minh này.
Đối phó Trung Quốc
Ngoài ra, liên quan sáng kiến của Anh đối với Indo-Pacific, PGS Nagy nhận xét: “Quỹ đạo của các sáng kiến này phụ thuộc vào hành vi của Trung Quốc và khả năng của Mỹ trong việc duy trì vị thế quan trọng ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương”.
Thực tế, London gần đây liên tục có nhiều động thái chỉ trích Bắc Kinh. Điển hình là việc Anh lên kế hoạch từ sớm và đã điều động nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này HMS Queen Elizabeth có chuyến viễn dương đầu tiên là đến khu vực Thái Bình Dương, trong đó có đi qua Biển Đông nhằm phản đối tuyên bố chủ quyền và hành vi của Trung Quốc ở vùng biển này.
Trong một diễn biến khác, đầu tháng 9.2020, Bộ Ngoại giao Anh công bố lập trường về các vấn đề pháp lý tại Biển Đông và đặc biệt nhấn mạnh đến việc tuân thủ Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) và phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Cũng trong tháng 9.2020, Anh cùng Pháp và Đức gửi công hàm lên LHQ phản đối những yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trả lời Thanh Niên, GS luật quốc tế Jonathan G.Odom thuộc Trung tâm George C.Marshall về an ninh châu Âu tại Garmisch-Partenkirchen (Đức), nhận xét: “Nhiều quốc gia khác, bao gồm cả nhiều nước châu Âu, có lợi ích ở Biển Đông, chứ không phải chỉ tồn tại cạnh tranh Mỹ - Trung ở vùng biển này”. Chính vì thế, việc can dự và phản ứng các hành vi của Trung Quốc tại khu vực cũng là biện pháp quan trọng để Anh thể hiện vai trò ở Indo-Pacific nói chung, mà trong đó có khu vực Thái Bình Dương.
Bình luận (0)