Anh rời EU, đe dọa sự sống còn của Liên minh châu Âu

24/06/2016 15:38 GMT+7

Sau cuộc trưng cầu dân ý, Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU. Sự kiện này có nguy cơ đe dọa sự sống còn của EU, các quan chức và chuyên gia nhận định.

Việc EU mất Anh, một trong số những quốc gia thành viên lớn nhất, buộc liên minh này sẽ phải cải tổ giữa lúc đối mặt với cuộc khủng hoảng dân nhập cư đè nặng nền kinh tế châu Âu, theo AFP.
Reuters cho hay Anh đóng góp ngân sách EU tổng cộng 19,4 tỉ euro (21,4 tỉ USD) trong năm 2016. Như vậy, các nước thành viên khác sẽ phải “oằn mình” đóng bù khoảng hụt ngân sách của EU sau Brexit (Anh rút khỏi EU).
Về lâu dài, Brexit sẽ tạo ra hiệu ứng domino, kéo theo nhiều quốc gia khác tiến hành trưng cầu dân ý và điều này có nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ của EU - vốn được lập nên cách đây 60 năm nhằm mang đến an ninh và thịnh vượng cho châu Âu sau chiến tranh thế giới lần 2, AFP dẫn lời cảnh báo từ các chuyên gia và quan chức trên thế giới.
Lãnh đạo phe cánh hữu Pháp Marine Le Pen và nghị sĩ Hà Lan Geert Wilders ngay lập tức kêu gọi trưng cầu dân ý tại quốc gia mình sau khi cuộc trưng cầu dân ý ở Anh cho kết quả 51,89 % cử tri Anh chọn "Leave" (tức Anh rời khỏi EU), so với 48,11 % cử tri chọn "Remain" (tức ở lại EU).
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo: “Những kẻ thù của chúng ta sẽ khui rượu champagne ăn mừng nếu kết quả trưng cầu dân ý bất lợi cho chúng ta”.
Tuy nhiên, trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 16.6 khẳng định EU sẽ không có nguy cơ tan rã nếu Anh rời khỏi EU, nhưng sẽ phải rút ra nhiều bài học.
Ông Chris Bickerton, giảng viên Đại học Cambridge (Anh) cho hay EU sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt chính trị và kinh tế từ Brexit nhưng không đến nỗi sụp đổ.
Tuy nhiên, ông Bickerton nhận định EU sẽ trở thành một liên minh “lỏng lẻo, không theo thể thức” sau khi Anh rời khỏi liên minh.
Lá cờ Anh và EU được đặt trên máy tính tại bàn làm việc của một nhân viên thuộc công ty chứng khoáng quốc tế ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản Ảnh: Reuters

Nhà phân tích Vivien Pertusot, thuộc Viện quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), nhận định EU sẽ "sống sót" sau Brexit nhưng sẽ suy yếu dần và sau đó có nguy cơ tan rã.
Cộng hòa Czech và Hà Lan và một số quốc gia đã kêu gọi EU phải lập tức cải tổ ngay sau khi Brexit.
“Sự bất mãn mà mọi người nhận thấy ở Anh cũng hiện diện ở những quốc gia khác, bao gồm đất nước chúng tôi”, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho hay, đồng thời đề nghị EU phải ngay lập tức cải tổ.
“EU phải thay đổi nhanh chóng không chỉ vì Anh rút khỏi liên minh mà bởi vì EU cần có sự ủng hộ vững mạnh hơn từ người dân châu Âu. EU phải sẵn sàng hành động, uyển chuyển, bớt quan liêu và nhạy bén trước sự đa dạng của 27 quốc gia thành viên còn lại”, Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka khuyến cáo.
Bình luận về việc Anh rút khỏi EU, Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni cho biết: “Về mặt chính trị, đây là khoảnh khắc chúng ta không thể ngồi yên. Quyết định của cử tri Anh là hồi chuông cảnh báo EU phải cải tổ để giữ vững liên minh trong tương lai”.
Sau cuộc trưng cầu dân ý, Anh sẽ không rời khỏi EU ngay lập tức mà sẽ phải trải qua hai năm hoặc hơn để hoàn tất tiến trình rút khỏi EU theo quy định của liên minh này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.