Ánh sáng chan hòa... - Truyện ngắn dự thi của Vũ Thị Huyền Trang (Phú Thọ)

04/06/2023 09:00 GMT+7

Khúc cua nằm tít hút trong con ngõ nhỏ của thị xã. Buổi tối, ngõ không có đèn đường chiếu sáng, chỉ ánh điện ở nhà dân hắt ra vàng vọt. Tầm mười giờ tối mọi nhà đều tắt đèn đi ngủ, ngõ đen đặc, im lìm. Thỉnh thoảng lại có vụ va chạm nào đó xảy ra đúng vào đoạn khúc cua.

Vì đúng đoạn cua ấy có một ngôi nhà xây thò ra, đường thì tối, khối người đi nhanh không kịp xử lý. Họ đa phần là những người lao động, thuê nhà trong ngõ, đi đêm về hôm. Nhất là khi trong người có chút hơi men kiểu gì cũng đâm vào tường ngã chổng kềnh ra đó. Có người ngã đêm, say nằm đó ngủ luôn. Sáng ra người đi thể dục trông thấy mới tá hỏa gọi làng xóm ra coi còn sống hay đã chết. Ông Hạo lật đật mở cổng, vài khuôn mặt ngái ngủ trong xóm trọ cũng thò ra xem có chuyện gì. Người say vẫn chưa hết hơi men, loạng choạng đứng dậy vừa vuỗi quần vừa lẩm bẩm chửi: "Ngõ quái gì không có nổi một cái bóng đèn. Tổ tiên gánh còng lưng. May mà chưa chết". Ông Hạo quay vào nhà bảo cậu con trai:

- Cuối tuần này được nghỉ, con xem lắp cái bóng điện ngoài cửa nhà mình. Treo cao lên một chút. Có ánh sáng, người ta qua lại được dễ dàng.

Chị Đào, con dâu ông Hạo đang lúi húi canh nồi nước phở, nói vọng ra:

- Sao dân trong ngõ không họp nhau lại làm cái đơn gửi ban quản lý đô thị hả bố? Thị xã sắp lên thành phố đến nơi mà chỗ thì trang hoàng rực rỡ, chỗ thì điện đường không có, tối om om.

- Thì cũng có ý kiến rồi đó. Nhưng thôi, chờ được vạ thì má đã sưng. Mình cứ treo bóng lên con à.

- Thì cũng chỉ sáng được chỗ nhà mình, chứ cả con ngõ vẫn tối om.

- Sáng được chỗ nào hay chỗ đó. Ngày xưa lúc còn đi dạy xa nhà, nhiều hôm về tối, phóng hun hút trên con đường dài, bố chỉ mong thấy một ngọn đèn hoặc luồng sáng nào đó hắt ra từ nhà dân. Vừa ấm áp, vừa bớt cô đơn.

Ánh sáng chan hòa...- Truyện ngắn dự thi của Vũ Thị Huyền Trang (Phú Thọ)  - Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

Bảy rưỡi sáng xóm trọ vắng hoe. Công nhân thì vội vàng vào nhà máy. Cánh thợ xây rủ nhau đi ăn sáng từ lâu. Lát nữa vài người làm ca đêm sẽ trở về, chui tọt vào phòng ngủ cho tới chiều muộn, thường là chẳng ăn trưa. Mấy năm nay nhiều khu đô thị mới mọc lên, công nhân ở khắp nơi đổ về. Dãy nhà trọ của ông chẳng trống một phòng nào. Công nhân công trường hay ồn ã nhưng vui. Chiều chiều sau khi đi làm về họ thường trải chiếu ra sân nhậu nhẹt. Có khi chỉ mấy cốc bia, đĩa lạc luộc, vài ba con mực cũng say. Say thì nằm phơi sương mà hát. Thấy ông đi qua, họ thường rủ ông ngồi lại uống trà. Lôi bàn cờ để sẵn dưới gốc cây bàng, ông mải mê đánh quên cả xem chương trình thời sự. Cánh thợ xây thường xuề xòa lắm. Trên dây phơi xóm trọ chỉ thấy những chiếc áo bám đầy vôi vữa. Nồi niêu xoong chảo có khi bày bừa ngoài giếng. Đến bữa thì xào nấu qua loa, thỉnh thoảng lại thấy chạy qua nhà xin ông chút dầu ăn, nước mắm, hết chưa kịp đi mua. Bãi rau sau nhà ông trồng đủ loại, con cháu đi vắng cả ngày ăn chẳng là bao. Ông vẫn dặn xóm trọ cứ qua mà hái, để lâu già cũng phí. Chị Đào bảo:

- Nhà mình ăn ít, toàn đi cho. Bố cứ lọ mọ vất vả làm gì.

- Có cho nhau là mừng con ơi. Trồng cho vườn tược tươi xanh, có sức sống.

Chị chẳng lạ gì tính bố chồng. Hơn chục năm trước nơi này vẫn còn bóng dáng làng quê. Lúc ấy sau nhà vẫn còn cánh đồng lúa. Nhiều nhà gặt xong thuê máy tuốt xong phơi luôn thóc dọc đường. Trời tháng sáu mưa nắng thất thường. Những cơn mưa ập đến bất chợt khiến người nông dân chẳng kịp trở tay. Lúa nhà còn chưa kịp thu xong bố chồng đã tất tưởi đi thu rơm, thu lúa cho người khác. Lẫn trong mưa là tiếng của những người nông dân cười vui, vì những hạt lúa vàng ươm được thu gom đậy điệm trước khi mưa nặng hạt. Lúa mà dính nước là xỉn màu, gãy gạo, mọc mầm. Mưa to cũng có khi lúa trôi theo dòng nước. Mưa ngớt thì bố chồng chị cũng ướt như chuột lột. Nhưng ông còn chưa chịu về nhà mà tạt qua cánh đồng lùa hộ thằng nhỏ đàn vịt chạy tứ tung khi nghe thấy sấm chớp đầu mùa. Giờ cứ mỗi lúc mưa to, rác trôi ứ đọng trên nắp hố ga, nước không chảy được ngập cả đoạn đường dài. Vẫn mặc chiếc quần đùi bộ đội, áo may ô, mũ cối trên đầu, ông chạy ra vớt rác. Mưa gió gầm gào, chớp lóe rực trời, Đào ở trong nhà nhìn ra còn thấy sợ. Con cháu có nói thì ông bảo: "Để ngập đường xe cộ đi nguy hiểm. Nước bắn tung tóe cả vào người già, trẻ nhỏ".

Thật ra ông Hạo giữ nếp sống của những người thôn quê. Chân chất, thật thà, tốt bụng. Thị xã đổi thay, người khôn của khó, nhưng ông vẫn quen sống chẳng tính toán, so đo. Ai đến thuê trọ ông coi như người thân trong nhà, giúp được gì là giúp. Tiền nong cũng chẳng lỡ lấy đắt của ai. Gần cuối tháng thỉnh thoảng lại có người sang khất tiền phòng, hoặc sang vay nóng vài triệu đưa con đi khám bệnh, đi sửa xe, gửi về quê nhà có việc. Từ khi về làm dâu Đào cũng đã quen với cảnh đó nhiều năm, lúc đầu còn lo cho cái tính thương người của bố chồng. Nhưng sau này chị nhận ra xung quanh mình người ta đều đối đãi với nhau chân thành, tử tế. Nợ có thể lâu hơn vài tuần vài tháng nhưng ai cũng thu xếp trả. Họ hái mớ rau, xin quả khế thì cũng biết bao nhiêu lần góc bếp nhà Đào có thêm chục trứng gà, trái mít chín, chùm vải đầu mùa người xóm trọ về quê mang sang biếu. Hồi ông ốm, hai vợ chồng chị bận đi công tác không về kịp, cũng là người trong xóm trọ đưa ông đi viện. Người trông đêm, người trông ngày, người thì ở nhà đưa đón thằng cháu nội của ông đi học. Lúc vợ chồng Đào đi công tác về thì ông đã khỏe lại, cửa nhà cũng có người quét dọn gọn gàng, sạch sẽ. Chị ngồi ở bậc thềm nhìn qua xóm trọ tự nhiên thấy áy náy trong lòng. Chị về làm dâu nhà chồng từng mang lòng chật hẹp, nhỏ nhen ra đối đãi.

Chủ nhật, đàn ông trong xóm được huy động ra lắp đèn chiếu sáng. Người giữ thang, người kéo dây, treo bóng. Đường điện phải chạy dọc tường ra bên ngoài, loay hoay một lúc cũng xong. Kể cũng lạ, chỉ là ánh sáng của một chiếc bóng đèn vậy mà tối đấy cả xóm ai cũng thấy vui. Người góp vui bằng một ấm trà. Người góp gói kẹo lạc, chùm nhãn đầu mùa, mấy quả khế xanh chấm muối chua lè lưỡi. Ấy thế mà xúm xít, chuyện trò, cười nói, mắt ai cũng hướng ra con ngõ nhỏ. Vài người đi đường hình như cũng ngạc nhiên. Họ đi chậm lại, hướng mắt nhìn về phía chiếc bóng đèn. Ai đó bảo:

- Loại đèn led này sáng thật. Tốn điện phải biết.

- Bà bán hàng nói dùng loại này tiết kiệm 60% điện năng. Yên tâm tiết kiệm điện.

- Không biết ai là người đầu tiên phát minh ra bóng đèn nhỉ?

- Rõ chán. Học với hành, chữ thầy lại trả cho thầy. Nhà phát minh người Mỹ, Thomas Edison. Ông là người có bằng sáng chế sớm nhất cho bóng đèn sợi đốt, được công bố vào năm 1879.

- Ngày xưa chắc là anh học giỏi đúng không?

- Học cũng khét đấy mà giờ vẫn đi làm thợ xây. Thế có phải là kiểu trưởng thành thất bại như tụi trẻ vẫn nói đấy không?

Ông Hạo nhấp ngụm trà, vỗ vai người thợ trẻ, an ủi:

- Biết thế nào là thành công hay thất bại cháu ơi. Cứ sống tử tế trước đã rồi tính chuyện cao thấp, giàu nghèo.

Mọi người lại hướng mắt ra đường, nhìn thứ ánh sáng chan hòa tỏa ra ấm áp…

Thể lệ Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng cho giúp chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected] hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

sống đẹp - Ảnh 1.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.