Anh sẽ điều tàu sân bay đến Biển Đông

13/02/2019 08:07 GMT+7

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson công bố kế hoạch triển khai tàu sân bay cùng phi đội chiến đấu cơ F-35 đến Biển Đông.

Trong bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh hôm qua, ông Williamson công bố chiến lược an ninh - quốc phòng mới của Anh sau khi nước này rời EU (Brexit). Trong đó, điểm nhấn là kế hoạch đưa tàu sân bay duy nhất của nước này HMS Queen Elizabeth đến những khu vực mà Trung Quốc áp đặt tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, theo tờ The Independent.
Ông Williamson cho biết thêm các phi đội chiến đấu cơ F-35 của Anh và Mỹ sẽ được triển khai trên hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth trong chuyến hải hành đến Biển Đông nhưng vị bộ trưởng này không nêu thời điểm cụ thể. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ ở Biển Đông, tàu sân bay trị giá hơn 3 tỉ bảng (89.453 tỉ đồng) sẽ đến Địa Trung Hải và Trung Đông. HMS Queen Elizabeth là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử hải quân Anh, với lượng giãn nước 65.000 tấn và diện tích mặt boong 16.000 m2, chở tối đa 36 máy bay F-35B và 4 trực thăng cảnh báo sớm Crowsnest. Ngoài ra, tàu có thể được bổ sung 12 trực thăng Chinook hoặc Merlin và 8 trực thăng tấn công AH-64 Apache.
Chiến lược mới được cho là nhằm đưa nước Anh trở thành “thế lực toàn cầu thực thụ” thời hậu Brexit. “Đây là thời khắc để Anh xây dựng lại vị thế có thể đảm nhiệm vai trò được mong đợi trên trường quốc tế”, theo Bộ trưởng Williamson. Ông nhấn mạnh đã đến lúc Anh phải thể hiện “quyền lực cứng” để bảo vệ các lợi ích trên thế giới, nếu không “đất nước chúng ta có nguy cơ bị xem không khác gì một con hổ giấy”.
Trước đó, Bộ trưởng Williamson đã thông báo kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự trong khu vực, có thể ở Singapore hoặc Brunei, để tăng cường hiện diện tại khu vực tây Thái Bình Dương, theo Reuters. Ngoài ra, hải quân Anh cũng bắt đầu có nhiều động thái thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Tháng 8.2018, tàu đổ bộ tấn công HMS Albion thực hiện nhiệm vụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Đến tháng 1.2019, tàu hộ vệ tên lửa HMS Argyll có cuộc tập trận chung kéo dài 6 ngày trên Biển Đông với khu trục hạm Mỹ USS McCampbell. Sau khi kết thúc diễn tập, tàu USS McCampbell đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo Cây, Lin Côn và Phú Lâm thuộc Hoàng Sa.
Những phát biểu mới của Bộ trưởng Williamson được đưa ra ngay sau khi hải quân Mỹ thông báo 2 tàu khu trục của lực lượng này đã đi vào vùng biển 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ và bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp. “Các khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Spruance và USS Preble vào ngày 11.2 đã thực thi chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông”, Đài ABC News dẫn lời phát ngôn viên Clay Doss của Hạm đội 7 cho hay. Ông nhấn mạnh hoạt động này nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý và duy trì quyền tiếp cận các tuyến đường hàng hải theo luật pháp quốc tế.
[VIDEO] Tàu khu trục Mỹ thách thức tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.