TNO

Anh sẽ phải rút vũ khí hạt nhân khỏi Scotland sau khi rời EU?

29/06/2016 08:11 GMT+7

(Tin Nóng) Không chỉ châu Âu và thế giới mới đau đầu về việc Anh rút khỏi EU (gọi là Brexit) mà ngay cả Anh cũng nhức đầu với việc rút vũ khí hạt nhân khỏi Scotland trước viễn cảnh lãnh thổ thuộc Liên hiệp Anh này đòi độc lập.

(Tin Nóng) Không chỉ châu Âu và thế giới mới đau đầu về việc Anh rút khỏi EU (gọi là Brexit) mà ngay cả Anh cũng nhức đầu với việc rút vũ khí hạt nhân khỏi Scotland trước viễn cảnh lãnh thổ thuộc Liên hiệp Anh này đòi độc lập.

Tàu ngầm hạt nhân HMS Vanguard sẽ phải rời khỏi Scotland cùng 3 tàu ngầm khác nếu Scotland độc lập - Ảnh: Defence Imagery

Theo Wearethemighty ngày 25.6, việc Anh quyết định rời EU sau khi có kết quả trưng cầu dân ý đã tạo cơ hội cho Scotland tính tới việc rời khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (bao gồm cả Scotland). Và nếu Scotland tách khỏi Anh, họ sẽ làm chủ các căn cứ quân sự nơi Anh đang bố trí 160 đầu đạn hạt nhân chứa trong 58 tên lửa liên lục địa Trident đặt trong 4 tàu ngầm.

Hồi năm 2014, Scotland đã trưng cầu dân ý việc rời khỏi Liên hiệp Anh với kết quả 45% tán thành và 55% phản đối. Nếu Scotland độc lập, việc đầu tiên là buộc các tàu ngầm mang tên lửa Trident của Anh rời khỏi xứ này.

Ngày 23.6 qua, Liên hiệp Anh tiến hành trưng cầu dân ý về Brexit với kết quả 51,8% tán thành Brexit và 48,2% phản đối. Đáng chú ý tại Scotland cũng trưng cầu dân ý về Brexit thì có đến 62% muốn ở lại EU. Như vậy tỉ lệ người dân Scotland bỏ phiếu ở lại EU cao hơn tỉ lệ trước đó muốn Scotland ở lại Anh (55% hồi năm 2014). Và kết quả này khiến các chính trị gia Scotland sớm kêu gọi tiến hành cuộc trưng cầu dân ý mới về việc rời khỏi nước Anh.

Năm 2014, người ta ước tính Anh phải mất 10 năm và tốn 3 tỉ bảng Anh để tái bố trí căn cứ hạt nhân nếu Scotland độc lập. Một giải pháp được đưa ra là Anh thuê lại các căn cứ ở Scotland, nhưng các nhà chính trị Scotland muốn Anh rút hết vũ khí hạt nhân.

Lựa chọn thay thế tốt nhất là Anh đưa hết tàu ngầm cùng thuỷ thủ và các đầu đạn hạt nhân sang bố trí ở… bang Georgia của Mỹ.

Các chính trị gia Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ tái bố trí tàu ngầm hạt nhân của Anh sang bang Georgia hồi năm 2014. Và nếu năm 2017 Scotland trưng cầu dân ý tách khỏi Anh thành công, Quốc hội Mỹ sẽ hợp thức hoá việc cho Anh đặt tàu ngầm ở Mỹ vì năng lực răn đe hạt nhân của Anh cũng là năng lực răn đe của NATO.

Tàu ngầm hạt nhân HMS Vanguard mang tên lửa liên lục địa Trident và tàu khu trục HMS Dragon (lớp tàu Type 45) của Hải quân Anh - Ảnh: Hải quân Anh

Ngoài việc bố trí tàu ngầm hạt nhân ở Mỹ, Anh có rất ít lựa chọn thay thế khác. Pháp có thể là nơi Anh bố trí tàu ngầm hạt nhân nếu người Pháp không đặt nặng vấn đề Brexit. Hoặc Anh có thể bố trí đội tàu ngầm hạt nhân ở một cảng tại vùng biển Baltic, nhưng điều này cũng khiến Anh nhức đầu vì tàu ngầm Anh sẽ nằm trong tầm khống chế của Nga.

Dĩ nhiên còn quá sớm để bàn việc Scotland trưng cầu dân ý rời khỏi Anh, nhưng nếu Scotland rời khỏi Anh sau vụ Brexit thì khi đó Hải quân hoàng gia Anh sẽ phải đối mặt với các lựa chọn tồi tệ nhất cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân của họ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.