Cô gái “trốn” gia đình đi chống dịch trong câu chuyện trên là Nguyễn Ngọc Hà (23 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), đang kinh doanh quán ăn gia đình ở chợ. Còn tài xế xe ôm công nghệ là Phạm Hồ Nghĩa (30 tuổi, ngụ H.Nhà Bè) vừa mất việc vì Covid-19.
“Đi tình nguyện tới khi Sài Gòn hết dịch”
Ngọc Hà kể mới đây chị đi hỗ trợ trực chốt khai báo y tế và đo thân nhiệt tại chợ Bình Điền (Q.8). Do chỉ có một mình, chốt cách xa nhà và 22 giờ mới kết thúc ca trực nên chị quyết định đi xe ôm. Vừa gặp, anh Nghĩa đoán biết Hà là tình nguyện viên tham gia chống dịch thông qua màu áo xanh. Gần tới nơi anh bảo “xui là lúc nãy em trả tiền qua thẻ rồi chứ lẽ ra anh không lấy tiền đâu”.
Sau khi hỏi thăm và biết lịch trực mấy ngày tới của chị, anh ngỏ ý về cuốc xe miễn phí: “Đừng ngại, coi như anh góp chút sức hỗ trợ mấy đứa đi tình nguyện để nước mình mau hết dịch. Vậy nha không nói nữa, mai anh qua đón em”. Nói xong, anh Nghĩa chạy đi, chị Hà vào chốt làm việc.
Trước đó, Hà đã khóc rất nhiều vì không nhận được sự ủng hộ từ vài người trong nhà khi biết mình đi tình nguyện. Mọi người lo chị mang bệnh, hoặc ảnh hưởng tới việc buôn bán. Nhưng chị cho biết, đây là tình nguyện an toàn, tình nguyện viên đến điểm dịch sẽ được đội trưởng chỉ dẫn tận tình để giữ an toàn cho mỗi cá nhân. Về nhà, chị cẩn thận khai báo y tế ở 2 nơi là Ban quản lý chợ và phường.
Chị quyết định chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội. May mắn là sau khi đọc được rất nhiều bình luận đồng cảm và sẻ chia, chị không còn cho phép bản thân gác lại “đam mê”. Ngoài ra, Hà mong muốn gia đình hiểu rằng: Với chị, tình nguyện là niềm vui. TP.HCM đang phải căng mình chống dịch, sinh ra và lớn lên ở đây, Hà cảm nhận tình người ở TP này luôn ấm áp.
|
Bấp bênh nhưng vẫn giúp chống dịch
Cho tới khi gặp anh Nghĩa, ngọn lửa tình nguyện trong chị như được thổi bùng. Hà khẳng định: “Hành động của anh ấy đã góp phần xoa dịu những tổn thương mà mình nhận trước đó. Đương nhiên rồi, mình sẽ tiếp tục đi tình nguyện tới khi Sài Gòn hết dịch mới thôi”.
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Phạm Hồ Nghĩa cho biết hôm sau, Hà báo đã đổi chốt trực. Dù buồn, nhưng biết chị sợ phiền nên không thể làm gì hơn. Anh nói: “Mình giúp được gì trong khả năng thì giúp thôi. Tiền lúc nào kiếm cũng được, còn việc chống dịch phải được ưu tiên hàng đầu”.
Nghĩa làm đầu bếp gần 6 năm, dịch giã kéo dài nên mất việc vào cuối năm ngoái. Lúc này, vợ vừa sinh em bé, anh lập tức đăng ký chạy xe ôm công nghệ. TP.HCM những ngày qua liên tục có thêm ca nhiễm mới nhưng tài xế này chưa dám nghỉ ngày nào. Mỗi ngày, anh đều ra khỏi nhà vào sáng sớm, khi nào thấy đủ tiền trang trải mới ngưng nhận khách. Có hôm làm tới 12 -13 tiếng, hôm thì giữa đêm mới về tới nhà.
Anh Nghĩa cho biết, mỗi khi chở khách qua các khu vực phong tỏa, nhìn thấy các bạn tình nguyện viên đứng phơi nắng phơi mưa rất cực và thương. Như một thói quen, cứ tới những nơi như vậy, anh lại chủ động dừng xe khai báo y tế. Còn khi đón khách, anh cẩn thận kiểm tra xem họ đã khai báo hay chưa.
“Nghe thông tin TP giãn cách xã hội thêm 2 tuần, rất rầu và lo, nhưng phải ráng thôi vì bây giờ một người làm nuôi ba miệng ăn. Nếu thu nhập từ việc chạy xe đủ trang trải thì tôi tiếp tục, còn không thì phải tính đường khác, đi phụ hồ cũng được, miễn sao đủ sống”, anh Nghĩa bộc bạch.
Bình luận (0)