Theo Chiến lược Lương thực Quốc gia Anh, khẩu vị và chế độ ăn uống không đủ chất của người dân ở Anh đang “gặp vấn đề”. Nguồn cơn là do người tiêu dùng và nhà sản xuất quá phụ thuộc vào thực phẩm chế biến sẵn - tạo gánh nặng cho Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) và khiến 64.000 người tử vong mỗi năm, theo The Guardian hôm 15.7.
Chiến lược do chính phủ ủy quyền thực hiện, được đề xuất bởi ông Henry Dimbleby - doanh nhân ngành nhà hàng và là thành viên Cục các vấn đề môi trường, thực phẩm và nông thôn Anh.
Anh là nước có nhiều người béo phì thứ ba trong số các quốc gia giàu nhất thế giới, trung bình trong 10 người trưởng thành thì có 3 người bị béo phì. Ông Dimbleby ví đại dịch Covid-19 là một “bài kiểm tra thực tế đầy đau đớn”, cho thấy bệnh béo phì là một yếu tố chính dẫn đến tỷ lệ tử vong cao ở những người mắc Covid-19 của Anh.
Khuyến nghị nổi bật nhất của chiến lược này là đánh thuế 3 bảng (khoảng 95.000 VND)/kg đường và 6 bảng/kg muối đối với bán sỉ dùng trong thực phẩm chế biến sẵn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Khoản thu này sẽ đạt đến 3,4 tỉ bảng một năm, một phần trong đó sẽ được dùng để làm nguồn quỹ cung cấp các bữa ăn miễn phí tại trường học cho thêm 1,1 triệu trẻ em và cải tổ văn hóa nấu ăn và ẩm thực của Anh.
Đề xuất này có thể làm mức thuế của một túi khoai tây chiên tăng thêm 1 xu và thuế của một thanh sô cô la tăng thêm 7 xu. Vì thế, mọi người đang chỉ trích rằng đây là một bước thụt lùi vì nó sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người tiêu dùng nghèo nhất. Tuy nhiên, ông Dimbleby tin rằng mức thuế này sẽ khuyến khích nhà sản xuất giảm lượng muối và đường bằng cách cải tiến sản phẩm.
Chiến lược loại trừ việc đánh thuế thịt vì ít khả thi. Thay vào đó, chiến lược gợi ý khuyến khích người tiêu dùng bớt ăn thịt bằng cách đặt xúc xích chay cùng với xúc xích thịt nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng. Đồng thời ủng hộ thay thế thực phẩm chế biến sẵn bằng những loại thịt làm từ thực vật.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm mức tiêu thụ thịt sẽ giúp giảm lượng khí thải nhà kính và nhiều nguồn ô nhiễm khác từ chăn nuôi. Đồng thời, giải phóng đất canh tác cho các khu rừng và giúp đất than bùn có thể hấp thụ CO2, từ đó đạt được mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050 của Anh.
Để đạt được các mục tiêu về sức khỏe, khí hậu và môi trường thì mức tiêu thụ thịt và thực phẩm chế biến sẵn của Anh sẽ phải giảm gần 1/3 và lượng trái cây và rau quả tăng 30% vào năm 2032.
Chiến lược này cũng kêu gọi các Bộ trưởng đảm bảo đặt tiêu chuẩn cao về lương thực trong các thỏa thuận thương mại trong tương lai. Đặt tiêu chuẩn thấp hơn có nghĩa là xuất khẩu đến các nước những tác hại về môi trường mà nước Anh muốn tránh, đồng thời cũng là giá phá và có khả năng khiến nhiều nông dân phải phá sản.
Bộ trưởng Môi trường George Eustice cảm ơn ông Dimbleby về báo cáo và cho biết chính phủ sẽ trả lời trong vòng 6 tháng, đề ra các ưu tiên cho hệ thống thực phẩm.
Bình luận (0)