Cấp bách phòng chống đuối nước: Nỗi trăn trở của Ánh Viên

26/05/2023 05:32 GMT+7

"Tượng đài" làng bơi Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên trăn trở về đội ngũ giáo viên, HLV dạy bơi, đồng thời chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm phòng chống đuối nước với mong muốn ngày càng nhiều người biết bơi và giảm thiểu tình trạng đuối nước.

Cần đội ngũ giáo viên, HLV giỏi

Đối với Ánh Viên, dù ở lớp dạy bơi hiện tại hoặc trong tương lai sẽ có nhiều cơ sở khác đi chăng nữa thì cô vẫn luôn hướng đến một tiêu chí quan trọng nhất, đó là đội ngũ giáo viên, HLV. Cựu VĐV này chia sẻ: "Giáo viên, HLV phải biết được những kỹ năng bơi lội cơ bản nhất, an toàn nhất. Sau khi hướng dẫn cho các học viên thì ai cũng có thể nắm được những điều cơ bản trong bơi lội".

Ánh Viên chỉ bí kíp phòng chống đuối nước - Ảnh 1.

Ánh Viên từng thống trị làng bơi nữ khu vực Đông Nam Á

Khả Hòa

“Tiểu tiên cá” Ánh Viên chỉ cách xử trí khi gặp người đuối nước

Về chất lượng của các lớp, trung tâm dạy bơi hiện tại, "Tiểu tiên cá" bày tỏ quan điểm: "Ở nước ta, đa số giáo viên, HLV tại các lớp, trung tâm dạy bơi đều dạy theo kinh nghiệm. Tôi rất mong muốn sau này, tất cả các lớp dạy bơi sẽ có một lộ trình, kế hoạch giảng dạy bài bản hơn. Từ đó, mọi người đều có thể hiểu được cặn kẽ rằng khi bơi thì cần học cái gì đầu tiên và điều gì là tốt nhất cho bản thân. Khi hiểu những điều này, mọi người sẽ nhận ra rằng bơi lội rất đơn giản. Bơi lội là một kỹ năng sống. Mọi người ai cũng lái xe được thì ai cũng học bơi được".

Ánh Viên chỉ bí kíp phòng chống đuối nước - Ảnh 2.

Ánh Viên chu đáo với học sinh

MINH TÂN

Vì sao biết bơi vẫn đuối nước ?

Theo Ánh Viên, việc học bơi cũng tương tự "xây nhà từ móng", cần phải bắt đầu học từ những kiến thức, kỹ thuật dễ và cơ bản nhất. Theo thống kê, những trường hợp tử vong vì đuối nước cũng bao gồm cả những người đã biết bơi, thậm chí bơi giỏi. Đối với những địa phương có biển, sông suối, ao hồ, dù nhiều người biết bơi nhưng cũng có tỷ lệ chết đuối cao. Những điều này một phần xuất phát từ việc thiếu kiến thức, kỹ năng bơi an toàn.

Ánh Viên cho biết: "Những người biết bơi khi hoạt động trong môi trường nước thì cũng dễ bị đuối nước. Đó là khi họ bơi trong môi trường nước rộng như biển, sông nhưng khởi động chưa kỹ, không để ý kỹ thuật bơi. Bên cạnh đó, nhiều người biết bơi nhưng vẫn chưa biết kỹ năng bơi an toàn là như thế nào. Vì biết bơi là một chuyện, nhưng bơi làm sao cho an toàn là chuyện khác. Nếu bơi tự nhiên theo bản năng thì dễ bị đuối sức hơn, hoặc nhiều người nghĩ mình biết bơi rồi nên sẽ có tư tưởng chủ quan. Những điều này rất đáng quan ngại. Thà không biết bơi, chứ biết sơ sơ và chưa nắm được những kỹ năng an toàn cơ bản là rất nguy hiểm".

Ánh Viên chỉ bí kíp phòng chống đuối nước - Ảnh 3.

Ngoài ra, việc nôn nóng cứu hộ khi thấy người khác đuối nước cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do đuối nước tăng thêm. Có những trường hợp muốn cứu bạn, người thân rồi dẫn đến sự cố thương tâm hơn, khi người cứu hộ cùng chết chìm với nạn nhân, hoặc cứu được nạn nhân nhưng bản thân không thể sống sót. Theo Ánh Viên, việc học để biết bơi khác với để cứu hộ. Người biết bơi rồi không hẳn là có thể cứu hộ được. Từ thể lực, kỹ năng… nếu người muốn cứu hộ không thuần thục những yếu tố này thì sẽ đặt bản thân vào tình huống nguy hiểm.

Niềm vui dạy bơi của cô giáo Ánh Viên: “Muốn lan tỏa đam mê tới các em nhỏ”

Kiểm soát hơi thở là yếu tố quan trọng nhất

Kình ngư quê Cần Thơ chia sẻ: "Đối với những người trên bờ, khi gặp đuối nước thì không nên nhảy xuống để cứu liền. Bởi người bị đuối nước lúc đó sẽ rất hoảng loạn, nên khi bấu víu được cái gì thì họ sẽ nhấn chìm xuống luôn. Chính vì vậy, người ở trên bờ khi gặp đuối nước cần phải thật bình tĩnh, tìm những vật nổi hoặc dây để ném ra cho nạn nhân. Người biết bơi giỏi thì cũng không nên tiếp xúc trực diện với người bị đuối nước, chỉ nên tiếp xúc từ phía sau sẽ an toàn hơn".

Ánh Viên chỉ bí kíp phòng chống đuối nước - Ảnh 4.

Cựu kình ngư số 1 Đông Nam Á cho biết kiểm soát hơi thở là yếu tố quan trọng nhất trong bơi lội. Nếu không may trượt chân ngã xuống nước, mọi người phải cố gắng giữ bình tĩnh, quạt tay, quạt chân… để làm sao cho mặt của mình đưa được lên mặt nước. Từ đó, mình sẽ lấy hơi, nín hơi lại để cơ thể được thăng bằng. Chỉ cần tâm lý bình tĩnh thì mình sẽ điều chỉnh để cơ thể được an toàn hơn một phần. Bơi không có gì khó, chỉ cần mình thở được là bơi được. Giống như trên bờ, mình hít thở thì ở dưới nước cũng vậy, mình hít vào và cố gắng nhịn lại một chút. Thậm chí, dưới nước cơ thể mình nhẹ hơn, giúp mình dễ dàng chuyển động hơn.

Ánh Viên muốn đi khắp cả nước phổ cập việc học bơi cho trẻ em

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.