Chiều 4.12.2019, trước khi Nguyễn Thị Ánh Viên bước vào chung kết 2 nội dung 200 mét hỗn hợp và 200 mét bơi bướm tại SEA Games 30 ở Philippines, gia đình và hàng xóm ở ấp Ba Cao, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ cũng đang tất bật sắp xếp công việc để chờ đến giờ xem cô thi đấu.
Bà Nguyễn Thị Bảy (bà nội của Ánh Viên) có lẽ còn trông đợi chiếc huy chương vàng còn hơn cả cô cháu gái: "Trông đợi lắm, vái cho cháu nó thi có huy chương vàng. Bà con đưa nó thi tốn tiền tốn bạc mà không có được thành tích cao cũng không có vui. Bà cũng mong cho cháu nó thi cho đạt bà mừng lắm. Cũng vái ông bà, trời phật cho nó mạnh khỏe, lần nào đi nó cũng bị viêm họng".
Ông Nguyễn Văn Tới (ông nội Ánh Viên) cũng đã cao tuổi. Từ sáng sớm, ông đã tất tả dọn dẹp nhà cửa, rồi lau chùi chiếc tivi cho thật sạch để xem cho rõ. Những chiếc huy chương, bằng khen được treo trang trọng ở vách tường và trong tủ kính cũng được ông lau chùi bóng loáng.
|
Trước máy quay phóng viên, ông nhờ phóng viên Báo Thanh Niên chuyển lời đến cháu gái: "Ánh Viên ơi, con thi 200 mét sở trường, con cố gắng lấy được huy chương vàng. Ở nhà cha mẹ, ông nội con mừng lắm. Ở đây thì gia đình, ông nội cầu nguyện cho con mạnh khỏe, lội cho tốt đẹp để đoạt huy chương vàng".
Từ con lạch vô danh
Ông Nguyễn Văn Tới cũng chính là "huấn luyện viên" đầu tiên của Nguyễn Thị Ánh Viên. Sinh ra trong gia đình thuần nông, Nguyễn Thị Ánh Viên là con đầu trong gia đình có 2 chị em. Nơi gia đình Ánh Viên đang ở cũng giống như bao vùng đất khác của miền Tây. Trước nhà có con lạch nhỏ nên trẻ nhỏ miền Tây thường được cha mẹ, ông bà tập bơi để tránh xảy ra tình trạng đuối nước.
Năm Ánh Viên lên 5 tuổi, những lúc nông nhàn, ông Nguyễn Văn Tới đã dành thời gian đưa cháu gái ra phía con lạch để tập bơi.
Không như những đứa trẻ khác lần đầu xuống tắm sông rất sợ, Ánh Viên lại thích thú trong vòng tay ông lúc ở dưới con lạch mãi chẳng chịu lên bờ. Những cái đập tay bì bõm đầu tiên của một kình ngư số 1 Việt Nam bắt đầu trên con lạch vô danh thuở ấy.
“Lúc đó con lạch nhỏ xíu, nhưng nước trong xanh. Chiều chiều nông nhàn là hai ông cháu dắt nhau ra đó tắm sông rồi tập bơi cho cháu. Khi đó tôi ôm cháu trong lòng rồi hướng dẫn cách bơi, lấy hơi, đạp chân ra sao. Vậy mà nó thích, ngâm nước tập suốt cả tiếng mà không chịu lên bờ, phải năn nỉ mãi mới chịu nhưng mặt buồn hiu. Rồi trong ngóng để hôm sau lại xuống bơi tiếp”, ông Tới cho biết.
|
|
Rồi càng lớn, khả năng bơi lội của Ánh Viên càng bộc lộ. Thừa hưởng gien từ ông nội và cha, nên dù còn nhỏ tuổi nhưng chân tay, thể trạng của Ánh Viên đã phát triển vượt trội hơn so với những đứa trẻ cùng trang lứa.
Năm 2007, khi Ánh Viên học lớp 5 tại Trường tiểu học Long Tuyền 1 có tổ chức cuộc thi bơi lội. Vốn dĩ bản thân nhút nhát nên không đăng ký. Không ngờ rằng, cô bạn cùng bàn điền tên lúc nào chẳng hay.
Đến ngày thi đấu, Ánh Viên mới vỡ lẽ bản thân có tên trong danh sách nên buộc phải dự thi. Cuộc thi diễn ra tại khúc sông Cái Răng gần trường. Cũng không ngờ lần đó cô đoạt giải nhất, rồi được cử thi Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố và đạt luôn giải nhì.
Cuộc thi bất đắc dĩ nhưng lại trở thành một bước ngoặt định mệnh trong đời cô. Từ đây, Ánh Viên ngày ngày say mê tập bơi, rồi dần dà đam mê theo đuổi. Cũng nhờ được một người thầy tại trường tiểu học kèm cặp, Ánh Viên ngày càng tiến bộ hơn.
Năm 2008, Ánh Viên nhận thông báo lên thành phố nhận thưởng và được nhận vào Quân khu 9 để huấn luyện chuyên nghiệp. Rồi bắt đầu với cuộc sống khổ luyện xa gia đình. Để rồi từ đó, từ một cô bé bì bõm tập bơi tại con lạch trước nhà, Ánh Viên “hóa rồng” giành nhiều huy chương vàng làm nức lòng người hâm mộ.
Đến kình ngư Đông Nam Á
Sân chơi bơi lội khu vực đã biết đến cô gái Nguyễn Thị Ánh Viên từ rất sớm và tham dự SEA Games khi mới chỉ 15 tuổi. Sau 4 kỳ đại hội, kình ngư nãy đã có tới 19 HCV, 7 HCB và 2 HCĐ, phá rất nhiều kỷ lục tại đại hội. SEA Games 30, cô được kỳ vọng sẽ tiếp tục giành thêm 8 huy chương vàng.
Những tấm huy chương, bằng khen cũng đều được Ánh Viên mang về để tặng cho cha mẹ, ông bà. Rồi được gia đình treo trang trọng trong nhà, đóng tủ kính đựng huy chương đã tô điểm cho ngôi nhà trở nên lung linh hơn.
Dù nhớ con lắm, nhưng gia đình Ánh viên cũng động viên nhau, rồi mỗi lần giúp con lau chùi các thành tích cảm giác vừa mừng vừa nhớ, thương con tập luyện, thi đấu cực khổ để có những thành tích như vậy.
Bà Bảy chia sẻ: “Suốt nhiều năm cháu nó sống xa gia đình, lâu lâu mới về thăm gia đình được vài lần rồi lại phải đi tập luyện, thi đấu. Nhiều lúc nhớ cháu nó lắm, nhưng chỉ có thể theo dõi và nhìn cháu mình thông qua truyền hình hay đọc trên báo. Nhớ cháu, nhưng biết đó là nghề nghiệp, tương lai của cháu nên tôi đành đợi những lúc nó thi đấu trực tiếp để nhìn cháu được chốc lát cho vơi nỗi nhớ”.
|
|
|
|
|
Riêng đối với ông Nguyễn Văn Tác (cha Ánh Viên) lại nhắc đi nhắc lại điều ông tự hào nhất về con, không phải những tấm huy chương vàng, không phải là những hình ảnh chinh phục những đường bơi, mà hơn cả là ý chí, nghị lực của cô con gái nhỏ.
“Hồi năm 2011, cháu nhận được tiền thưởng là 400 triệu đồng, cháu đưa hết cho vợ chồng tôi để sửa sang lại nhà cửa, rồi sau đó mới lại nói nhỏ với mẹ nó là cho xin lại 2 triệu đãi bạn bè trong đội. Lúc đó, vợ chồng tôi rớt nước mắt vì thương con”, ông Tác nói.
Những điều Ánh Viên phải chấp nhận đánh đổi để mang vinh quang về cho đất nước là phải chấp nhận hy sinh rất nhiều thứ trong đó cả tình cảm cá nhân, gia đình, chưa kể những khó khăn vô cùng lớn trong tập luyện.
Từ đó mới thấy rằng, giá trị mà những tấm huy chương Ánh Viên mang về được cho tổ quốc lớn đến mức nào.
Bình luận (0)