Vừa được tung hô như một danh nhân vừa bị chỉ trích như kẻ kỳ quặc, vừa được kính trọng vừa bị dè chừng, liệu giờ đây bà đã sẵn sàng để thoái vị khỏi chiếc “ngai vàng” làng tạp chí thời trang? Khi Anna Wintour ngồi vào chiếc ghế Tổng biên tập của Vogue năm 1988, Ronald Reagan đang là Tổng thống Mỹ. Từ đó đến nay Nhà Trắng đã 5 lần đổi chủ, còn Wintour, ngược lại, vẫn bình chân như vại.
|
Tạp chí Vogue trong tay Wintour là mảnh đất mà Beyonce đã tận dụng để thảo luận về dòng họ, là nơi hình ảnh của nữ Thủ tướng Theresa May xuất hiện với quần da. Nhờ Vogue mà công chúng biết sức hút của Tuần lễ thời trang London mạnh thế nào khi được Nữ hoàng Elizabeth II thân chinh tham dự show diễn của nhà thiết kế trẻ Richard Quinn mùa mới nhất. Từ cái đầu của Wintour, thế giới thời trang biến đổi sáng tạo theo từng trang của tạp chí. Đó là phong cách ăn mặc đầy màu sắc của các Đệ nhất Phu nhân diễn ra suốt hai thập niên, là kiểu giày cùng tông màu da và áo choàng ôm sát của các công nương thế hệ mới của Hoàng gia Anh, hay mẫu vòng cổ cứng cáp ngự trên cổ của các nữ chính khách... Tất cả đều do quyền lực mềm của Anna Wintour lèo lái để định hình.
Tủ quần áo cá nhân của nữ Tổng biên tập Vogue 69 tuổi này có sự nhất quán ở mức thượng thừa. Châm ngôn “Bạn hãy trở thành độc đáo và khó đoán trước người khác” là một trong những quan điểm riêng về thời trang bà theo đuổi. 30 năm xuất hiện trước con mắt công chúng vẫn là một Wintour ít biến đổi. Khi thời tiết ấm áp, bà mặc đầm cổ cao tay xắn hoặc váy ngắn với áo sơ-mi, luôn luôn đi kèm giày quai hậu màu cà phê sữa của thương hiệu Manolo Blahnik. Vào những ngày trời trở lạnh, Wintour không thể thiếu áo choàng có thắt lưng và giày bốt ống cao. Bà không hay mặc quần dài. Về màu sắc, bà đặc biệt yêu thích những thiết kế hoa văn hay in hình động vật, hoặc chí ít cũng là hình hoa lá. Sản phẩm ăn mặc của bà luôn là các thương hiệu cao cấp, đặc biệt là những nhà thiết kế hàng đầu của Mỹ như Ralph Lauren hay Michael Kors. Tuy vậy, khi chấm tiêu chuẩn màu sắc theo mùa và chất liệu vải, Wintour hay khoác lên người những sáng tạo của Gucci và Prada. Vào những dịp trọng đại như Met Gala hay trở thành một khách mời của Cung điện Buckingham, thương hiệu thời trang cao cấp của Chanel thường được bà lựa chọn, cho dù có cả áo lông thú, mặt hàng mà nhiều nhà thiết kế thời trang nay đã quay lưng lại vì phản ứng của phong trào PETA.
Sinh ra ở London (Anh) nhưng là cư dân của Manhattan (Mỹ), Anna Wintour còn gây ảnh hưởng lên cả giới nghệ sĩ Hollywood. Bà là một trong những nhân vật vĩ đại của thời đại. Chính bà cũng vào vai của mình trong những số chuyên đề tư liệu của Vogue, cũng như làm khách mời trong Zoolander 2 và Ocean’s Eight. Tính biểu tượng của bà được khắc họa sâu trong tâm lý của nhân vật Miranda Priestly, từng được nữ minh tinh lão làng Meryl Streep thể hiện trong phim The Devil Wears Prada, đã trở thành khuôn mẫu một phụ nữ hiện đại. Vinh dự mà Anna Wintour nhận được khi Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York lấy tên bà đặt cho Viện trang phục của mình, The Anna Wintour Costume Center, đã chứng minh tầm ảnh hưởng mạnh mẽ ấy.
Quyền lực tiềm ẩn từ cái tên Anna Wintour không thể viết ra thành văn, nhưng những lời xầm xì về chuyện bà sẽ rời Vogue lại là một cơn địa chấn thực sự. Hơn 30 năm ngự trị ở Vogue đã đủ dài để người ta thêu dệt và huyền thoại hóa về sự ra đi của bà. Thế nhưng, trong tháng vừa qua, lời tuyên bố của tập đoàn chủ quản Vogue, Condé Nast, đã khẳng định, vai trò của bà ở tạp chí này sẽ là vô thời hạn, làm dấy lên một cuộc tranh luận về viễn cảnh một thế giới thời trang vắng bóng tầm ảnh hưởng của Anna Wintour. Sự kiện chấn động được ví von chẳng khác gì tình cảnh một nước Anh khi cầu London Bridge sụp đổ.
Bình luận (0)