Hào quang và tiền bạc chi phối
Nổi cộm giữa thời sự showbiz tuần qua là câu chuyện về quán quân Giọng hát Việt nhí 2014 Nguyễn Thiện Nhân (sinh năm 2002, quê Bình Định): gia đình Thiện Nhân lên mạng xã hội thông báo cô “mất tích”, chia tay ca hát, muốn kết hôn đồng giới…; trong khi Thiện Nhân cho rằng cô bị gia đình phản đối chuyện tình cảm đồng tính, mong mọi người hãy tôn trọng cuộc sống và hạnh phúc cá nhân của mình.
Thiện Nhân và Hồ Văn Cường, 2 trong số những sao nhí hiện đang dở dang sự nghiệp ca hát vì “ồn ào” đời tư và quan hệ với gia đình |
tư liệu |
Thiện Nhân cũng cho biết từ sau khi đăng quang, suốt 8 năm qua, cát sê kiếm được cô đều đưa cho anh chị (cô là con út trong gia đình, sau cuộc thi Giọng hát Việt nhí 2014, cô vào TP.HCM để học tập và ca hát), mọi thứ đều lo cho gia đình mà không than vãn… Khi ra khỏi nhà, cô mang theo 30 triệu đồng do cha nuôi ở nước ngoài gửi về. Sau đó, mẹ Thiện Nhân thông tin với báo giới bà không kỳ thị hay phản đối tình yêu đồng tính, mà do không tin tưởng người đang sống với con gái mình, lo lắng vì việc cô tạm ngưng ca hát để tập trung kinh doanh…
Gia đình cũng cần ý thức rõ những mặt trái của sự nổi tiếng, như mất sự riêng tư, dễ dàng bị chỉ trích, áp lực công việc, tổn thương sức khỏe tâm thần, phát triển nhân cách lệch lạc... để đồng hành cùng con.
Năm ngoái, công chúng ngỡ ngàng khi người quản lý của Hồ Văn Cường - quán quân Thần tượng âm nhạc nhí 2016, cũng là người nhận được sự ủy thác của ca sĩ Phi Nhung, chia sẻ với báo giới về việc giữ toàn bộ tiền cát sê của Cường đi hát trong 5 năm. Sau những ồn ào, phía công ty quản lý đã gửi lại Hồ Văn Cường số tiền này nhưng không ai biết con số cụ thể là bao nhiêu, bởi theo phía người quản lý, đó là “nguyện vọng của gia đình”.
Trong khi với một số “sao nhí”, cha mẹ là người đứng ra quản lý luôn cho con em mình. Bố của một nữ diễn viên nhí cho biết ngoài việc tham gia đóng phim, con gái anh còn chụp ảnh cho hãng thời trang. Tiền cát sê của con do gia đình giữ và dành vào đầu tư học hành cho con. Gia đình của Trịnh Nhật Minh - quán quân Giọng hát Việt nhí 2016, quản lý chủ yếu những hoạt động của em. Ông Trịnh Nam Cường, bố của Nhật Minh, cho biết gia đình chọn lọc sự kiện để con tham gia. Với gia đình, việc quan trọng với con là tiếp tục học tập để phát triển trong tương lai.
Hiện nay, ngày càng có nhiều tài năng nhí tham gia ở các lĩnh vực nghệ thuật như điện ảnh, âm nhạc, thời trang… Một số “sao nhí” bước ra từ cuộc thi, chương trình trên sóng truyền hình đã nhận được nhiều lời mời diễn show tham gia chương trình, sự kiện. Không thể phủ nhận kinh tế gia đình của nhiều em đã thay đổi sau khi thành “sao”.
Ý thức mặt trái để đồng hành cùng con
Theo tìm hiểu của PV, với những sao nhí nổi tiếng sau đăng quang, thù lao biểu diễn cho một sự kiện (có nhãn hàng) khoảng dưới 100 triệu đồng, chương trình bán vé khoảng trên dưới 50 triệu, chưa kể các hợp đồng quảng cáo. Hào quang, tiền bạc và cơ hội luôn gắn với danh hiệu, sự nổi tiếng; nhưng cùng với đó, như PGS-TS, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam lưu ý: “Gia đình cũng cần ý thức rõ những mặt trái của sự nổi tiếng, như mất sự riêng tư, dễ dàng bị chỉ trích, áp lực công việc, tổn thương sức khỏe tâm thần, phát triển nhân cách lệch lạc… để đồng hành cùng con”.
Ông Nam phân tích: “Con cái được xem như một phần sự nghiệp của cha mẹ, là điều gì đó để cha mẹ tự hào, nở mày nở mặt… Vì cuộc chơi của thiếu nhi nhưng lại mang đến lợi ích tài chính, sự nổi tiếng, cùng nhiều cơ hội khác cho cả trẻ và bố mẹ nên nhiều bố mẹ cũng bị nghiện, đâm lao phải theo lao. Tuy nhiên giữa % thực sự vì đam mê của trẻ và % vì thể diện và các quyền lợi bố mẹ được hưởng lây, có lẽ phần sau bao giờ cũng lớn hơn”.
Điều 26 luật Trẻ em 2016 đã quy định về quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động của trẻ em. Với tài năng nhí, lao động nghệ thuật khi còn nhỏ (dưới 13 tuổi), người giám hộ (cha, mẹ) và người sử dụng lao động phải tuân thủ Thông tư 09/2020 của Bộ LĐ-TB-XH về lao động chưa thành niên: hợp đồng lao động với người chưa đủ 13 tuổi chỉ có hiệu lực sau khi có văn bản đồng ý của sở LĐ-TB-XH.
Có một khảo sát nhỏ của chúng tôi với các em học sinh THCS về việc muốn trở thành ai sau này. Có đến 75% các em trả lời muốn trở thành YouTuber, người nổi tiếng, chứ không muốn trở thành nhà toán học, nhà văn, hay nghiên cứu thiên văn… Hiện tại khi ngành công nghiệp giải trí phát triển, có rất nhiều gameshow và các chương trình truyền hình thực tế tận dụng tài năng và sự dễ thương của trẻ em để làm tăng độ hot của các chương trình. Không thể phủ nhận một số lợi ích của việc cho con tham gia các chương trình truyền hình thực tế hoặc các gameshow, cuộc thi tài năng sẽ giúp xây dựng sự tự tin cho cá nhân, tạo điều kiện cho con tiếp cận với các quy tắc và học cách tuân thủ những quy định, có nhiều cơ hội nhận được các học bổng... Tuy nhiên hạn chế thường được nhắc đến là làm hỏng sự hài lòng về bản thân, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách lành mạnh. Nghiên cứu cũng chỉ ra có nhiều em nhỏ tham gia các cuộc thi sắc đẹp bị rối loạn ăn uống (chứng chán ăn) vì luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh một cơ thể đẹp. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy các em mất đi sự hồn nhiên, tính cách già dặn hơn, mất quá nhiều thời gian vào sự nghiệp nổi tiếng nên khó tập trung học tập được.
Theo luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư Hà Nội), quy định của pháp luật là vậy nhưng việc nhận diện bóc lột, cách thức bóc lột, phương thức bóc lột trẻ em không phải là câu chuyện dễ dàng nhìn thấy. “Trẻ em lại càng khó có thể nhận thức đúng về việc thế nào là bị bóc lột. Ngoài ra, ranh giới giữa việc bóc lột hay việc tận dụng cơ hội kiếm tiền giúp cho đứa trẻ trong tương lai không phải lúc nào cũng rõ ràng. Đôi khi việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự của trẻ em có thể nhìn thấy ra được, còn việc lợi dụng con em mình kiếm tiền ở trong mỗi gia đình không dễ dàng để người ngoài phát hiện nếu như người trong cuộc không lên tiếng”, luật sư Phất nói.
Ông Trần Thành Nam cho rằng: “Cha mẹ cần cân nhắc vì quyền lợi tốt nhất của con, được chơi và tận hưởng tuổi thơ của mình”. Ông cũng nói thêm: “Các nhà sản xuất cần có những chính sách quy định rõ ràng về việc trẻ em tham gia các chương trình truyền hình thực tế hay các gameshow cũng như một loại hình lao động để có những cơ chế phòng ngừa việc bóc lột hay lạm dụng lao động trẻ em. Trong bối cảnh hiện nay, cần có những quy định cụ thể về việc sử dụng hình ảnh trẻ em trong các chương trình để đảm bảo tính bảo mật, phòng ngừa nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng bắt nạt trực tuyến hoặc bắt cóc trên thực tế”.
Bình luận (0)