Cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine đã làm xáo trộn mạng lưới cung cấp năng lượng của châu Âu, khi các quốc gia EU tẩy chay Nga, tìm cách mua khí đốt ở nơi khác.
Nhưng nhu cầu của châu Âu đối với khí đốt giá rẻ của Nga vẫn luôn ở mức cao. Mới đây, sau khi công ty năng lượng nhà nước Gazprom của Nga ngừng cung cấp nhiên liệu cho Áo, ngay lập tức có khách hàng khác thay thế.
Ai đang mua khí đốt của Nga ở châu Âu?
Theo nguồn tin của Reuters, khí đốt từ Nga vẫn rẻ hơn so với nhiều nguồn khác. Vì vậy, lượng khí đốt dự kiến cung cấp cho Áo đã nhanh chóng được bán lại cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, nguồn tin từ chối nêu tên các công ty đã mua khí đốt.
Nhưng khách hàng thậm chí có thể bao gồm cả các nhà nhập khẩu thay thế tại Áo, vì dữ liệu được công bố hôm 18.11 cho thấy khí đốt của Nga vẫn đang đến quốc gia này.
Áo cho biết họ có nhiều kho dự trữ khí đốt để bù đắp cho sự thiếu hụt và có thể nhập khẩu từ Đức và Ý khi cần thiết.
Công ty năng lượng nhà nước Gazprom của Nga ngày 16.11 ngừng cung cấp cho công ty năng lượng OMV của Áo. OMV đã đe dọa sẽ tịch thu một lượng khí đốt của Gazprom để làm khoản bồi thường cho một vụ tranh chấp hợp đồng mà công ty này đã giành phần thắng.
Châu Âu lấy khí đốt từ đâu?
Vào thời kỳ cao điểm, Nga cung cấp cho châu Âu gần 35% nhu cầu khí đốt. Nhưng nhiều quốc gia EU đã chuyển sang nguồn cung từ Mỹ, Qatar và Na Uy kể từ khi chiến sự nổ ra.
Nhưng không phải tất cả. Áo, Hungary, CH Czech và Slovakia vẫn mua khí đốt của Nga cho tới nay. Trớ trêu rằng, dòng khí đốt chảy về phía tây này lại thông qua đường ống ở Ukraine có từ thời Liên Xô.
Bất chấp cuộc xung đột, Kyiv và Moscow cho đến nay vẫn tuân thủ một thỏa thuận kéo dài năm năm để duy trì dòng khí đốt. Dù vậy, thỏa thuận nói trên giữa Moscow và Kyiv sẽ hết hạn vào ngày 1.1.2025. Ukraine đã từ chối đàm phán các điều khoản mới về chuyển giao với Nga trong thời gian chiến sự.
Bình luận (0)