Công nghệ đeo trên người (wearable technology) là những thiết bị điện tử có thể dùng làm phụ kiện, được gắn vào quần áo, xăm trên da hay cấy vào cơ thể người. Chúng có bộ vi xử lý giúp phân tích và cung cấp thông tin liên quan đến những tín hiệu sinh học trên cơ thể người mặc. Công nghệ này đã có từ lâu nhưng vẫn không ngừng phát triển với nhiều sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn, điển hình là các thiết bị như Apple Watch.
Gần đây trong bài báo trên tạp chí Vật lý Ứng dụng, nhóm nhà nghiên cứu từ Singapore đang muốn kết hợp công nghệ đeo trên người cùng với chất liệu sợi microfiber và nanofiber. Đây là những loại sợi có cấu trúc vô cùng nhỏ, rất linh hoạt và có thể được dùng để đo huyết áp, nhịp tim, chất lượng giấc ngủ, mức cholesterol và các tín hiệu quan trọng khác. Do kích thước nhỏ, chúng chỉ có thể được dệt thành áo, tất, khăn choàng cổ hoặc vòng tay để tiếp xúc trực tiếp trên da người.
|
Công nghệ microfiber và nanofiber sẽ giải quyết nhu cầu theo dõi các bệnh mãn tính như tiểu đường, hen suyễn, béo phì và huyết áp cao ở người lớn tuổi. Tác giả Rituparna Ghosh viết: "Nhu cầu về một hệ thống chăm sóc sức khỏe được cá nhân hóa để phát hiện các tín hiệu sinh học của người dùng ở bất kỳ đâu đang tăng lên nhanh chóng". Rituparna Ghosh khẳng định người dùng có thể thử sản phẩm dưới mọi hình thức, như một chiếc đồng hồ, một chiếc khăn tay hoặc thậm chí xăm trên da.
Tác giả Seeram Ramakrishna từ Đại học Quốc gia Singapore cho biết sản phẩm cảm biến áp điện làm từ nanofiber có thể được đưa ra thị trường trong vòng chưa đầy 3 năm tới, sử dụng năng lượng cơ học. Những sản phẩm khác có thể sẽ bày bán công khai trong vòng 5-8 năm nữa.
Từ bây giờ cho đến lúc đó, Ramakrishna cho biết cần phải nghiên cứu thêm cách làm sợi cảm biến bền hơn để sử dụng nhiều lần, bên cạnh đó cần phải tìm ra nguồn điện ổn định và linh hoạt giúp vận hành thiết bị. Cũng sẽ mất thời gian để thuyết phục bệnh nhân và cộng đồng y tế rằng đây là sản phẩm đáng tin cậy. Ông chia sẻ: "Cộng đồng y tế luôn hoài nghi, trong khi ngành chăm sóc sức khỏe đã dùng những khái niệm này từ lâu. Chúng tôi cần thêm nhiều nghiên cứu về nguyên nhân - kết quả. Chúng tôi cần thu thập thêm thông tin để thuyết phục các bác sĩ’.
Ước tính giá trị thị trường của ngành công nghệ đeo trên người là 32 tỉ USD vào năm 2019. Dự kiến đến năm 2025 ngành này sẽ tăng đến 74 tỉ USD khi những phát minh mới tiếp tục ra mắt.
Bình luận (0)