Tiết mục Nhật Trường trình diễn trong phần thi Ảo thuật siêu phàm đòi hỏi khá nhiều thể lực, từ đu trên không đến múa kiếm, đuổi bắt, đánh nhau với đại bàng… Trong khi đó, chàng trai gốc Bình Thuận đang ốm nặng khi không quen với khí hậu Hà Nội. “Diễn xong là đầu óc em quay cuồng, nhìn ban giám khảo mà không nhận ra ai, cũng không định hình được mình đang đứng chỗ nào”, cậu chia sẻ sau chương trình.
Theo ban tổ chức, Nhật Trường sinh năm 1993 ở Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, từ nhỏ đã thích ảo thuật. Được xem là sân chơi dành cho "người có điều kiện", bởi đạo cụ cho môn nghệ thuật này rất đắt đỏ, mà thu nhập từ biểu diễn lại không nhiều. Trong khi đó, gia cảnh của Nhật Trường lại rất khó khăn. Từ khi Nhật Trường còn học mẫu giáo, gia đình cậu đã thiếu bóng người cha, chỉ hai mẹ con nương tựa vào nhau. Mẹ Nhật Trường là một người làm nông thuần túy, khi biết con trai đam mê ảo thuật, bà rất lo lắng, sợ không có điều kiện cho con theo.
Để có tiền trang trải cuộc sống của hai mẹ con, Nhật Trường đã bươn chải đi làm thêm đủ việc ngoài giờ học, tự tìm tòi và mày mò học ảo thuật chứ không được đào tạo bài bản qua trường lớp nào. Cậu xem trên mạng rồi mày mò thêm. Cùng với biểu diễn ảo thuật, Nhật Trường là một chuyên viên kỹ thuật điện cơ. Nắm được các nguyên lý của điện cũng như cơ khí, cậu thường tự tay thiết kế các đạo cụ ảo thuật cho mình.
“Mình không có tiền thì mình phải cố gắng thôi”, Nhật Trường nói. Nhìn những đạo cụ đắt tiền của đồng nghiệp, cậu thèm lắm, nhưng chỉ biết đứng từ xa trầm trồ rồi lủi thủi quay về, tự chế đạo cụ bằng những gì có thể kiếm được quanh mình. Khi tham gia Ảo thuật siêu phàm cũng vậy, hều hết các đạo cụ biểu diễn của Nhật Trường đều do cậu tự chế.
|
Màn ảo thuật của Nhật Trường trong Ảo thuật siêu phàm gay cấn từ đầu đến cuối khi liên tục diễn ra các pha mạo hiểm khiến người xem giật mình. Trong đó phải kể đến màn đâm kiếm xuyên qua thùng giấy. Trò ảo thuật đâm kiếm qua thùng vốn không phải trò xa lạ, tuy nhiên những chiếc thùng thường được làm từ vật liệu cứng như gỗ, kim loại… trong khi chiếc thùng của Nhật Trường lại làm bằng giấy do cậu tự chế.
Điều đáng nói là với chiếc thùng giấy tự chế, Nhật Trường càng gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo và người xem. Khi đâm kiếm qua chiếc thùng giấy, độ kỳ ảo, huyền bí và sự tài tình của ảo thuật gia cũng được nhân lên nhiều lần. Đó cũng là lý do khiến cả ba vị giám khảo Ảo thuật siêu phàm đồng tình rằng ảo thuật không chỉ là bộ môn dành cho con nhà giàu như mọi người nghĩ. Như lời giám khảo Palmas Nguyên thì: “Trong ảo thuật không quan trọng giàu hay nghèo, quan trọng là thần thái”. Còn giám khảo Lý Nhã Kỳ nhận định: “Em diễn xuất thần, điểm xuất phát không quan trọng, điểm tới đích mới quan trọng”.
Cũng trong chương trình Ảo thuật siêu phàm, Nhật Trường khiến người xem phải… sốc ở màn tặng dao lam cho ban giám khảo. Sau khi nhờ nữ giám khảo xinh đẹp Lý Nhã Kỳ kiểm tra và xác nhận đó là những chiếc dao lam thật, Nhật Trường bất ngờ đưa dao lam vào miệng, nhai và nuốt trong sự sửng sốt, hốt hoảng của mọi người.
Nhật Trường cho biết ngoài dao lam, cậu còn có thể nhai và nuốt bóng đèn. Cậu tập tiết mục này đã 3 năm: “Hồi mới tập, em bị rách hết miệng, lưỡi, máu chảy nhiều lắm, chỉ có thể nuốt cháo chứ không ăn uống được gì”.
Tập 2 Ảo thuật siêu phàm sẽ lên sóng VTV3 vào 20 giờ tối chủ nhật ngày 13.5.
Bình luận (0)